| Hotline: 0983.970.780

Quyết 'phủ sóng' mỗi huyện 1 cơ sở giết mổ tập trung

Thứ Năm 09/12/2021 , 10:00 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Bình Định đã 'lỡ hẹn' 2 năm với mục tiêu mỗi địa phương có 1 cơ sở giết mổ tập trung. Tỉnh quyết tâm thực hiện mục tiêu này trong giai đoạn 2021 - 2025.

Nhiều lần 'lỡ hẹn'

Cuối năm 2014, Bình Định đã ban hành chính sách khuyến khích đầu tư cơ sở giết mổ động vật tập trung trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2020, quy hoạch 26 điểm giết mổ động vật tập trung trên địa bàn. Theo đó, nhiều địa phương đã thực hiện thí điểm. Tuy nhiên, do hoạt động không hiệu quả, nên những mô hình thí điểm cũng lụi tàn dần. Nguyên nhân bởi chẳng có hộ giết mổ gia súc nào đưa gia súc đến mổ tại cơ sở giết mổ tập trung.

Từ khi 2 cơ sở giết mổ động vật tập trung đi vào hoạt động, TP Quy Nhơn đã giải quyết được vấn nạn các hộ tư nhân giết mổ gia súc trong khu dân cư nội thành gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Từ khi 2 cơ sở giết mổ động vật tập trung đi vào hoạt động, TP Quy Nhơn đã giải quyết được vấn nạn các hộ tư nhân giết mổ gia súc trong khu dân cư nội thành gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Sở dĩ các hộ giết mổ không đưa gia súc đến mổ tại cơ sở giết mổ tập trung vì họ muốn tránh các bước kiểm tra thú y. Bởi, gia súc đưa đến cơ sở giết mổ tập trung mà bị bệnh hoặc đã chết là bị loại ra ngay, trong khi nhiều lò mổ tư nhân vẫn lén lút giết mổ gia súc bệnh hoặc chết để có lợi nhuận nhiều hơn”, ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định giải thích.

Đến giữa năm 2018, UBND tỉnh Bình Định tiếp tục ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND yêu cầu mỗi địa phương phải xây dựng ít nhất 1 cơ sở giết mổ động vật tập trung, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, đến cuối năm 2019 phải hoàn thành.

Chỉ thị còn nhấn mạnh người đứng đầu các địa phương phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu không hoàn thành nhiệm vụ này. Tuy nhiên, đến cuối năm 2020, trên địa bàn tỉnh này mới chỉ có TP Quy Nhơn xây dựng được 2 cơ sở; đó là nhà máy giết mổ động vật tập trung có quy mô cơ giới 700 con heo, 30 con bò, 2.000 con gia cầm/ngày đêm tại khu vực 3 (phường Nhơn Bình), của Công ty TNHH Sản xuất và Chế biến thực phẩm Quy Nhơn đầu tư, và 1 cơ sở khác của Công ty TNHH Thực phẩm sạch Bình Định hoạt động tại khu vực 9, phường Trần Quang Diệu.

“Từ khi 2 nhà máy nói trên đi vào hoạt động, TP Quy Nhơn đã giải quyết được vấn nạn các hộ tư nhân giết mổ gia súc trong khu dân cư nội thành gây ô nhiễm môi trường. Toàn bộ 54 hộ chuyên giết mổ gia súc đều đã tuân thủ đưa gia súc đến giết mổ tại 2 cơ sở nói trên. Hiện nay, 80% lượng thịt tiêu thụ trên địa bàn TP Quy Nhơn đều xuất phát từ 2 nhà máy giết mổ tập trung này. Nhờ đó, sản phẩm động vật trên thị trường được bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm”, ông Huỳnh Ngọc Diệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định chia sẻ.

Quyết tâm 'phủ sóng'...

Đánh giá việc đầu tư cơ sở giết mổ động vật tập trung có độ rủi ro cao, suất đầu tư lớn, ngành chức năng Bình Định đã trình UBND tỉnh xem xét tiếp tục triển khai thực hiện mục tiêu mỗi huyện, thị trên địa bàn ít nhất phải xây dựng cho được 1 cơ sở giết mổ động vật tập trung giai đoạn 2021 - 2025 với nhiều thay đổi.

Trong giai đoạn này, Bình Định sẽ có sự vào cuộc quyết liệt từ ngành chức năng đến chính quyền cơ sở để thúc đẩy nhanh tiến độ đầu tư các cơ sở giết mổ động vật tập trung, để đến năm 2025 mỗi địa phương phải có ít nhất 1 cơ sở.

Từ khi có 2 cơ sở giết mổ động vật tập trung hoạt động tại TP Quy Nhơn, sản phẩm động vật trên thị trường Thành phố được bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Từ khi có 2 cơ sở giết mổ động vật tập trung hoạt động tại TP Quy Nhơn, sản phẩm động vật trên thị trường Thành phố được bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, chính sách khuyến khích xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung giai đoạn 2021 - 2025 có hiệu lực từ đầu năm 2021. Lần này Bình Định làm rất quyết liệt. Từ nay đến năm 2023, nếu địa phương nào chưa kêu gọi được nhà đầu tư thì phải tự xuất kinh phí để xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung.

Chính sách này xây dựng trên cơ chế đặc thù của địa phương, các nhà đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung được hưởng chính sách ưu đãi của Trung ương, của tỉnh dựa trên quy mô của cơ sở và điều kiện từng vùng.

Tín hiệu vui là sau khi cơ sở tại khu vực 3 phường Nhơn Bình (TP Quy Nhơn) đi vào hoạt động, Công ty TNHH Sản xuất Chế biến thực phẩm Quy Nhơn tiếp tục xây dựng cơ sở thứ 2 tại xã Nhơn An (Thị xã An Nhơn), dự kiến cuối năm 2021 sẽ đi vào hoạt động.

Công ty này cũng đang xúc tiến đầu tư xây dựng thêm một cơ sở giết mổ động vật tập trung tại Thị xã Hoài Nhơn, dự án này đã hoàn thiện thủ tục, hồ sơ bước đầu. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch Covid-19, nên tiến độ triển khai các dự án nói trên bị chậm lại.

Theo quy định về chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn Bình Định giai đoạn 2021 - 2025, với dự án tại 3 huyện miền núi An Lão, Vân Canh và Vĩnh Thạnh sẽ được ngân sách tỉnh hỗ trợ 100%; đối với dự án đầu tư tại các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Ân, Tây Sơn được ngân sách tỉnh hỗ trợ 60%, ngân sách huyện hỗ trợ 40%.

Đối với dự án đầu tư xây dựng tại 2 Thị xã An Nhơn và Hoài Nhơn, được ngân sách tỉnh hỗ trợ 50%, ngân sách thị xã hỗ trợ 50%; riêng TP Quy Nhơn tự cân đối ngân sách để thực hiện hỗ trợ đầu tư dự án.

Xem thêm
Xuất khẩu rau quả Việt Nam năm 2024 sẽ đạt 7,2 tỷ USD

Tổng Thư ký Vinafruit cho biết, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam tăng từ 3,3 tỷ USD năm 2022 lên 5,6 tỷ USD năm 2023 và sẽ đạt 7,2 tỷ USD năm nay.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Hộp quà bất ngờ từ Vinamilk mang niềm vui ấm áp đến trẻ em vùng cao

'Hộp quà bất ngờ' của Vinamilk đã xuất hiện tại Trường Mầm non Sinh Long huyện miền núi Na Hang, tỉnh Tuyên Quang vào một ngày trời trở rét đậm.