| Hotline: 0983.970.780

Sản phẩm động vật an toàn từ lò mổ [Bài 2]: Cắt cầu heo bệnh, heo chết

Thứ Ba 19/09/2023 , 08:33 (GMT+7)

Sau khi Bình Định gom các lò giết mổ động vật nhỏ lẻ vào cơ sở giết mổ tập trung, heo bệnh, heo chết đứt đường tiêu thụ...

Sau khi Bình Định xóa giết mổ nhỏ lẻ, không còn ai dám dám mua heo bệnh về giết thịt nữa. Ảnh: V.Đ.T.

Sau khi Bình Định xóa giết mổ nhỏ lẻ, không còn ai dám dám mua heo bệnh về giết thịt nữa. Ảnh: V.Đ.T.

Từ bỏ nghề thu mua giết mổ heo bệnh, heo chết

Kiểu uống cà phê của những anh “bảy đáp” (tên gọi những người chuyên mua heo về mổ thịt) kể cũng lạ. Ly cà phê chế sẵn vừa được chủ quán mang ra anh đã vội vã xé túi đường trút vào, chiếc muỗng nhỏ khuấy lia khuấy lịa, tiếng lanh canh vang lên hối hả. Những viên đá vừa cho vào ly cà phê chưa kịp lạnh, loáng cái anh đã dốc cạn ly cà phê như nốc ly bia.

Anh lập tức gọi tính tiền rồi tất bật rời quán ra đề nổ chiếc xe máy vọt đi. Chiếc xe máy của anh cũng “bụi bặm” chẳng kém bộ đồ anh đang mặc trên người. Cả ngày hết chở thịt cho bạn hàng rồi chở thịt đi chợ cho vợ bán rồi đi mua heo nên anh không quan tâm lắm đến quần áo. Thường cuộc cà phê của anh kéo dài chưa tới 5 phút.

Anh là Nguyễn Văn Ngọc, chủ hộ giết mổ heo nhỏ lẻ ở khu phố Kim Châu, phường Bình Định (thị xã An Nhơn, Bình Định). Buổi sáng của Ngọc là quãng thời gian bận bịu nhất trong ngày. 3 giờ sáng mỗi ngày anh đã phải “chia tay” với giấc ngủ để lục đục nấu nồi nước to đùng phục vụ việc giết mổ 2-3 con heo. Thịt heo mổ ra phần lớn được cung cấp cho bạn hàng chạy chợ, phần còn lại được vợ anh đưa ra sạp bán tại chợ cầu Bà Gi, xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước, Bình Định).

Quãng thời gian còn lại trong ngày, anh Ngọc theo những cuộc gọi của những hộ chăn nuôi, rong ruổi chiếc xe máy về các làng quê mua những bầy heo được chủ nuôi kêu bán. Sau khi đạt thỏa thuận, anh quay về nhà chạy chiếc ba gác máy đến chuồng cân mua, chở bầy heo về nhà. Công việc hầu như kín ngày.

Người mua heo về mổ thịt bán khi mua heo trong chuồng, nhìn con heo bệnh là biết ngay để tránh mua. Ảnh: V.Đ.T.

Người mua heo về mổ thịt bán khi mua heo trong chuồng, nhìn con heo bệnh là biết ngay để tránh mua. Ảnh: V.Đ.T.

Mấy ngày nay, cuộc cà phê sáng mỗi ngày của anh có vẻ thong thả hơn, quần áo tinh tươm hơn. Hỏi ra thì biết, thời gian gần đây anh không còn phải mổ heo mỗi sáng sớm nữa, công việc giết mổ đã có Cơ sở giết mổ động vật tập trung An Nhơn được xây dựng tại thôn Tân Dương, xã Nhơn An (thị xã An Nhơn) đảm nhiệm.

Mỗi buổi chiều, anh chở những con heo sẽ mổ vào ngày mai đến nhốt trong ô chuồng nằm sau cơ sở giết mổ. Sáng sớm hôm sau, anh chạy chiếc ba gác máy đến cơ sở giết mổ chờ heo mình mổ xong chở thịt về.

Anh Ngọc cho biết: Trước khi Cơ sở giết mổ động vật tập trung An Nhơn chính thức đi vào hoạt động, chính quyền địa phương đã vận động hơn 110 hộ giết mổ gia súc nhỏ lẻ ở thị xã An Nhơn dừng việc giết mổ tại nhà để tránh gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư.

Mỗi hộ được Nhà nước hỗ trợ chi phí phá bỏ lò mổ thủ công tại nhà là 5 triệu đồng. Ngoài ra, trong năm đầu tiên, hộ giết mổ đưa gia súc đến mổ tại nhà máy được hỗ trợ 100% phí giết mổ với mức 120.000đ/con, sang năm thứ 2 tiếp tục được hỗ trợ 50% phí giết mổ. Ngoài ra, phí vận chuyển gia súc từ nhà đến nhà máy còn được Nhà nước hỗ trợ 20.000đ/con.

Khi hoạt động giết mổ động vật được tập trung về một mối, heo bệnh, heo chết đứt đường tiêu thụ. Ảnh: V.Đ.T.

Khi hoạt động giết mổ động vật được tập trung về một mối, heo bệnh, heo chết đứt đường tiêu thụ. Ảnh: V.Đ.T.

Một sáng bên ly cà phê, chúng tôi đang rôm rả chuyện trò chuông điện thoại của anh reo réo. Anh bắt máy, “a lô”. Giọng 1 phụ nữ vang vang ở đầu giây bên kia: “Anh Mười đến bắt dùm em mấy con heo bỏ ăn. Chúng bỏ ăn từ 3 hôm trước, mấy ngày nay em điều trị đủ cách nhưng vẫn không bớt, giờ chúng chẳng thèm đứng dậy luôn. Giá bao nhiêu thì bao, anh đến bắt dùm em”.

Ngọc từ chối ngay tắp lự: “Bữa nay anh không dám bắt heo bệnh đâu em, heo mổ trong cơ sở giết mổ tập trung được cán bộ thú y kiểm soát rất kỹ, chứ không phải như trước đây còn mổ heo tại nhà mình muốn mổ heo bệnh, heo chết cũng được”.

Trả lời điện thoại xong, anh Ngọc phân trần: “Trước đây, gặp heo bệnh là tụi tui trúng mánh. Biết heo bệnh mình mua giá mấy chủ hộ chăn nuôi cũng bán để gỡ gạc vốn. Thịt heo bệnh mổ xong đưa ra chợ bán lẫn lộn với thịt heo khỏe người tiêu dùng khó mà nhận ra. Bây giờ thì bó tay, heo đưa vào nhà máy giết mổ tập trung mà có dấu hiệu bệnh là bị nhân viên thú y cho cách ly, loại ra ngay, lại còn truy xuất nguồn gốc”.

Bây giờ chủ những hộ giết mổ nhỏ lẻ thảnh thơi hơn vì hoạt động giết mổ đã có cơ sở giết mổ động vật tập trung đảm nhiệm. Ảnh: V.Đ.T.

Bây giờ chủ những hộ giết mổ nhỏ lẻ thảnh thơi hơn vì hoạt động giết mổ đã có cơ sở giết mổ động vật tập trung đảm nhiệm. Ảnh: V.Đ.T.

Mổ heo lén ở nhà sẽ bị phạt nặng

Một chủ lò mổ heo khác trước đây chuyên mổ heo nái bệnh để bán giờ phải giải nghệ, vì chính quyền địa phương đã xóa hết những lò giết mổ gia súc nhỏ lẻ trong khu dân cư, chuyển hoạt động giết mổ về cơ sở giết mổ tập trung.

Cơ sở giết mổ động vật tập trung không tiếp nhận heo bệnh, heo chết đưa vào mổ, còn nếu mổ lén ở nhà nếu bị chính quyền địa phương hoặc ngành chức năng phát hiện bị phạt nặng. Do đó anh phải giải nghệ.

“Trước kia tôi chuyên mổ heo nái để bán. Heo nái mà chủ kêu bán chắc chắn nó đã bị bệnh, nếu heo khỏe chủ nuôi không bao giờ bán, vì nó là cái “máy đẻ ra tiền”, vì heo giống luôn luôn hút hàng. Một con heo nái bệnh mua về mổ ra tôi lãi ít nhất 2 triệu đồng, có con lãi đến 3 triệu đồng.

Bây giờ hoạt động giết mổ tập trung hết vào nhà máy, phải qua kiểm soát giết mổ rất gắt gao của cơ quan thú y, vậy nên tôi đành giải nghệ, để vợ đi lấy lại thịt của hộ khác chạy chợ kiếm thu nhập hàng ngày”, chủ cơ sở giết mổ đã giải nghệ tâm sự.

Trước sự kiểm soát giết mổ gắt gao của nhân viên thú y thực hiện hàng ngày tại Cơ sở giết mổ động vật tập trung An Nhơn, những người đi mua heo về mổ bán kỹ càng hơn việc mua heo để tránh mua phải heo bệnh.

Theo anh Nguyễn Văn Ngọc, chủ hộ chuyên giết mổ heo ở khu phố Kim Châu, phường Bình Định (thị xã An Nhơn), khi đến mua heo tại chuồng, nhìn trong bầy heo nếu có con heo bị bệnh là anh phát hiện được ngay.

Trước sự kiểm soát giết mổ gắt gao của nhân viên thú y tai cơ sở giết mổ động vật tập trung, người đi mua heo không còn dám mua heo bệnh. Ảnh: V.Đ.T.

Trước sự kiểm soát giết mổ gắt gao của nhân viên thú y tai cơ sở giết mổ động vật tập trung, người đi mua heo không còn dám mua heo bệnh. Ảnh: V.Đ.T.

“Trong bầy heo cả chục con, nếu có con bị bệnh tui biết ngay, bởi nó sẽ lừ đừ, ủ rũ chứ không lanh lợi như những con kia. Heo bị bệnh rất sợ nước, sờ vào tai sẽ thấy ấm nóng vì bị sốt. Các bệnh dịch tả heo Châu Phi, tụ huyết trùng, phó thương hàn đều có triệu chứng giống nhau, thấy con heo có triệu chứng kể trên biết là heo bệnh phải tránh mua”, anh Ngọc chia sẻ.

Heo bệnh bị tẩy chay là thế, heo chết càng bị “tắt” đường tiêu thụ. Trước đây, có không ít lò mổ nhỏ lẻ lén lút mua heo chết về mổ để kiếm lời khủng. Bây giờ, khi hoạt động giết mổ nhỏ lẻ đã không còn, heo bệnh, heo chết cũng không còn đường để xâm nhập vào thị trường. Người tiêu dùng không còn bị mua nhầm thịt heo bệnh, heo chết được bày bán lẫn lộn với thịt heo chất lượng.

Khi cơ sở giết mổ động vật tập trung hoạt động, chỉ còn heo sạch lưu thông trên thị trường. Ảnh: V.Đ.T.

Khi cơ sở giết mổ động vật tập trung hoạt động, chỉ còn heo sạch lưu thông trên thị trường. Ảnh: V.Đ.T.

“Khoản hỗ trợ tháo dỡ lò giết mổ nhỏ lẻ 5 triệu đồng/hộ thật ra là để khuyến khích chủ những lò mổ nhỏ lẻ dừng hoạt động, cam kết đưa động vật đến lò giết mổ tập trung. Lò nấu nước làm heo trước đây tại nhà có thể không đập cũng được nhưng phải chuyển đổi mục đích sử dụng, ví như trước đây để nấu nước làm heo nay nấu cháo phục vụ chăn nuôi heo.

Ngành chức năng và chính quyền xã, phường thường xuyên kiểm tra để ngăn chặn triệt để tình trạng lén lút mổ heo tại nhà”, anh Nguyễn Ngọc Thạnh, chuyên viên thú y của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã An Nhơn cho hay.

“Trước đây, khi còn giết mổ nhỏ lẻ còn xảy ra tình trạng thịt heo bệnh, heo chết lưu thông ngoài thị trường. Nhưng khi toàn bộ heo đều được giết mổ tại cơ sở giết mổ động vật tập trung lực lượng thú y kiểm tra lâm sàng gia súc đưa vào nhà máy, loại thải những con heo bệnh đưa vào giết mổ. Đồng thời, truy xuất được nguồn gốc của con heo bệnh ấy giúp cho công tác phòng, chống dịch bệnh động vật hiệu quả hơn”, ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định cho hay.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm