| Hotline: 0983.970.780

Đồng Nai phát sinh 4 ổ bệnh dại, 2 người tử vong vì chó cắn

Thứ Ba 01/08/2023 , 12:36 (GMT+7)

Từ đầu năm đến nay, huyện Trảng Bom, Đồng Nai phát sinh 4 ổ bệnh dại, 2 người tử vong do cho cắn, hiện địa phương đang triển khai nhiều giải pháp phòng, chống.

Đa số chó, mèo tại khu vực xảy ra ổ dịch tại huyện Trảng Bom chưa tiêm ngừa vacxin dại. Ảnh: Lê Bình.

Đa số chó, mèo tại khu vực xảy ra ổ dịch tại huyện Trảng Bom chưa tiêm ngừa vacxin dại. Ảnh: Lê Bình.

Tử vong sau hơn 7 tháng bị chó cào xước da

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai vừa phát đi thông báo có người tử vong do bệnh dại trên địa bàn xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom. Đây là ca tử vong do bệnh dại mới nhất trên địa bàn tỉnh và cũng thuộc địa bàn có tỉ lệ tiêm ngừa vacxin dại trên chó mèo rất thấp.

Người bị tử vong là anh Trần Văn P (sinh năm 1987, tổ 6, ấp 1, xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom). Bệnh nhân bị chó cào vào ngày 29/12/2022 gây trầy xước da ở vị trí cổ tay trái, không chảy máu. Anh P không tiến hành xử lý vết thương và không đi tiêm vacxin phòng dại. Ngày 12/7, bệnh nhân có triệu chứng bệnh dại như sợ gió, sợ nước, sợ ánh sáng... Đến ngày 14/7, bệnh nhân tử vong.

Con chó tấn công anh P được xác định là chó cỏ, khoảng 3 tháng tuổi, nặng 4kg. Con chó này còn cắn vợ và hai con của anh P, nhưng may mắn, ba người này đã tiêm vacxin phòng bệnh dại. Con chó trên đã bị tiêu hủy trong ngày, nhưng gia đình không báo cáo với chính quyền địa phương để tổ chức lấy mẫu.

Trước tình hình báo động trên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai đã đến điều tra dịch tễ, thống kê ban đầu tại 28 hộ nuôi chó, mèo khu vực gần nhà anh Trần Văn P. Qua thống kê, có tổng 73 con chó, mèo nhưng chỉ có 11 con được tiêm phòng vacxin phòng dại, tỷ lệ vỏn vẹn 15%.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai thông tin, qua kiểm tra đa số chó, mèo khu vực quanh nhà anh P nuôi thả rông, không rọ mõm, song rất may chưa có trường hợp chó bệnh hay nghi ngờ bệnh. Đoàn kiểm tra cũng ghi nhận 1 con chó lạ nghi dại, có biểu hiện điên cuồng cắn người và chó trong khu vực. Con chó này đã bị người dân tiêu hủy nhưng không báo cáo với chính quyền địa phương để tổ chức lấy mẫu. 

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn hai xã liền kề nhau của huyện Trảng Bom đã xuất hiện hai ổ dịch bệnh dại trên chó. Cụ thể là vào tháng 3/2023 tại xã Tây Hòa và ca tử vong dại trên người của bệnh nhân P được nghi nhiễm từ tháng 12/2022.

"Từ các yếu tố trên cho thấy, mầm bệnh đã lưu hành âm thầm trên đàn chó, mèo ở diện rộng. Có thể rất nhiều cá thể chó, mèo đã nhiễm mầm bệnh mà chưa được tiêm phòng vacxin dại. Khi chó có biểu hiện bệnh người dân tự ý tiêu hủy không báo cáo với chính quyền địa phương để tổ chức lấy mẫu khiến mầm bệnh nguy cơ cao lây lan ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng". Ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai nhận định.

Mới đây nhất, Chi cục Thú y vùng IV (Cục Thú y) thông báo về mẫu bệnh phẩm xét nghiệm chó hoang bị bệnh dại ở ấp Bàu Bông, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch. Như vậy, đây là ổ dịch chó dại thứ 4 tại Đồng Nai tính từ đầu năm 2023 đến nay.

Việc thiếu quản lý chó mèo, ý thức của người dân chưa tốt về phòng chống bệnh dại trong cộng đồng khiến cho bệnh dại dễ phát tán nhanh mầm bệnh. Ảnh: Lê Bình.

Việc thiếu quản lý chó mèo, ý thức của người dân chưa tốt về phòng chống bệnh dại trong cộng đồng khiến cho bệnh dại dễ phát tán nhanh mầm bệnh. Ảnh: Lê Bình.

Đẩy mạnh tiêm vacxin phòng bệnh dại

Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm 2023, toàn tỉnh phát hiện các ca bệnh dại trên chó tại huyện Vĩnh Cửu và Trảng Bom và buộc phải tiêu hủy 5 con chó. Một thực tế đáng buồn và báo động, người nuôi chó, mèo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai còn rất chủ quan, chưa chấp hành các quy định về phòng chống dịch bệnh.

Ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai thông tin, số liệu tiêm phòng vacxin bệnh dại hiện nay tại nhiều huyện còn khiêm tốn, chưa thể đảm bảo yêu cầu về phòng chống bệnh dại, nhất là trong bối cảnh có nhiều ổ dịch diễn ra như vừa qua.

“Chó, mèo đa phần thả rông, không có rọ mõm và người dắt. Một số địa phương chậm triển khai tiêm phòng vacxin chống dịch, bao vây ổ dịch. Chúng tôi sẽ tăng cường kiểm soát và tập huấn cũng như cho anh em triển khai quyết liệt các biện pháp xử lý, đồng thời tuyên truyền cho người dân về việc tự giác đưa chó, mèo đi chích ngừa dại sớm nhất”, ông Nguyễn Trường Giang chia sẻ.

Với quyết tâm sớm kiểm soát được những vùng dịch và không xảy ra tình trạng chó dại cắn người, gây nguy hiểm cho tính mạng người dân, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai đang quyết liệt rà soát và thống kê đàn chó mèo trên địa bàn để phủ vacxin dại.

Trong đó, đặc biệt chú trọng tăng cường công tác tuyên truyền về trách nhiệm phải tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo cho các hộ gia đình. Yêu cầu các hộ có nuôi chó, mèo đăng ký, khai báo và cam kết nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình, khi cho ra khỏi nhà phải được xích, rọ mõm và có người dắt để phòng chó, mèo cắn người. Ngoài ra, Đồng Nai cũng đề xuất thành lập đội bắt chó chạy rông cấp huyện, thành phố để bảo đảm yêu cầu phòng, chống bệnh dại.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, tính đến hết tháng 6/2023, toàn tỉnh đã triển khai tiêm phòng trên 57.035 con chó, mèo đạt tỷ lệ khoảng 96% tổng đàn diện tiêm tại 11 huyện, thành phố.

Ngành thú y tỉnh Đồng Nai đang phấn đấu sẽ phủ vacxin ngừa bệnh dại tại địa phương đạt hơn 90%. Ảnh: Lê Bình.

Ngành thú y tỉnh Đồng Nai đang phấn đấu sẽ phủ vacxin ngừa bệnh dại tại địa phương đạt hơn 90%. Ảnh: Lê Bình.

Tỉnh Đồng Nai cũng đang có xu hướng tăng đàn chó, mèo với đối tượng nuôi làm cảnh, thú cưng. Tuy nhiên, xu thế tất yếu này phải gắn liền với những yêu cầu về kiểm soát, phòng chống dịch.

Kiểm soát bệnh dại, không chỉ chú trọng phòng ngừa trên vật nuôi, Đồng Nai cũng đang đẩy mạnh tuyên truyền người dân nâng cao ý thức chủ động tiêm vacxin phòng dại nếu bị chó mèo cắn, cào cấu. Đây là biện pháp bắt buộc nhằm tránh những hệ lụy xấu về sức khỏe nếu lỡ chẳng may vật nuôi mang mầm bệnh dại.

Theo bác sĩ Đinh Thị Hợi, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai, thời gian gần đây có khá nhiều người dân trên địa bàn tỉnh đã đến các cơ sở tiêm chủng để tiêm ngừa vacxin dại. Đặc biệt là sau khi có 2 ca tử vong do bệnh dại trên địa bàn huyện Trảng Bom.

Bác sĩ Hợi khuyến cáo, người dân khi bị chó mèo hoặc các loài động vật cắn, cào nhất là các vết cắn trúng ngay dây thần kinh như cổ, bộ phận sinh dục, đầu ngón tay… phải nhanh chóng đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn tiêm vacxin phòng dại, do bệnh dại là bệnh tổn thương cấp tính cả hệ thần kinh trung ương, người mắc bệnh nguy cơ tử vong 100% và hiện chưa có thuốc chữa.

“Với những người thường xuyên chăm sóc các loại động vật hoang dã, bác sĩ thú y cũng nên chích ngừa dự phòng ngay cả khi chưa bị phơi nhiễm với virus dại nhằm đảm bảo an toàn. Vacxin ngừa dại hiện là các vacxin thế hệ mới nên rất an toàn kể cả phụ nữ mang thai, cho con bú, trẻ dưới 1 tuổi, người mắc bệnh nền cũng đều có thể tiêm ngừa”, bác sĩ Đinh Thị Hợi khuyến cáo.

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể lây từ động vật sang người. Trong vòng 5 năm qua, trên cả nước, bệnh dại đã làm chết 410 người, trên 2,7 triệu người phải điều trị dự phòng, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Bệnh dại hiện không thể điều trị. Khi lên cơn dại, 100% trường hợp tử vong. Phương pháp phòng bệnh là tiêm vacxin ngừa dại ngay sau khi bị chó cắn.

Xem thêm
Vùng cao nuôi con đặc sản: [Bài 1] Lợn đen không đủ để bán

Nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Định đang phát triển mạnh nghề nuôi heo đen, giống heo bản địa còn được gọi là heo đồng bào được tiêu thụ rất mạnh.

Sầu riêng rụng quả non hàng loạt do sốc nhiệt

KHÁNH HÒA Nhiều diện tích sầu riêng ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa đang thời kỳ quả non bị rụng hàng loạt do sốc nhiệt.

Quảng Ngãi xây dựng mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa

Các đơn vị đã phối hợp tổ chức gieo sạ bằng máy sạ cụm 12 hàng trên diện tích 5.000m2 tại mô hình ở cánh đồng lúa xã Đức Chánh (Mộ Đức, Quảng Ngãi).