| Hotline: 0983.970.780

Đồng Nai: Sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang phát triển mạnh mẽ

Thứ Sáu 12/08/2022 , 19:24 (GMT+7)

Ngày 12/8, Hội Nông dân, Sở NN-PTNT, Sở KH-CN tỉnh Đồng Nai phối hợp tổ chức tọa đàm 'Giải pháp phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ tại Đồng Nai'.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, sản xuất nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao, không chỉ ở thị trường Việt Nam mà cả thị trường xuất khẩu.

Nông nghiệp hữu cơ đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết những thách thức trong sản xuất và tiêu thụ thực phẩm sạch, an toàn trong tương lai, bao gồm: sản xuất thực phẩm lành mạnh, an toàn và giá cả phải chăng; giảm ô nhiễm, phát thải từ sản xuất, chế biến, kinh doanh đến tiêu dùng thực phẩm; thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo vệ nguồn đất, nước, không khí, đa dạng sinh học.

Quang cảnh Tọa đàm 'Giải pháp phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ tại Đồng Nai'. Ảnh: Minh Sáng.

Quang cảnh Tọa đàm “Giải pháp phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ tại Đồng Nai”. Ảnh: Minh Sáng.

Đồng Nai xác định, phát triển nông nghiệp hữu cơ là một trong 4 nhiệm vụ đột phá trong nhiệm kỳ 2020-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh đã có nhiều chương trình, kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ. Hiện UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt đề án Phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030. Cụ thể, mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ có 500 ha cây ăn trái, 630 ha diện tích cây công nghiệp và 200 ha rau đạt chứng nhận hữu cơ…

Thời gian qua, tỉnh Đồng Nai cũng đã tổ chức ký kết hợp tác đồng hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ với Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm, hai bên phối hợp xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ đối với một số sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Ông Trần Lâm Sinh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai phát biểu tại Toạ đàm. Ảnh: Minh Sáng.

Ông Trần Lâm Sinh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai phát biểu tại Toạ đàm. Ảnh: Minh Sáng.

Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai Trần Lâm Sinh cho biết, phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ là 1 trong 4 nhiệm vụ đột phá của tỉnh Đồng Nai.

Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh đã có nhiều chương trình, kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ. Đến nay, toàn tỉnh có 3,5 ha hồ tiêu đạt chứng nhận sản phẩm hữu cơ của Hợp tác xã Lâm San ở huyện Cẩm Mỹ. Toàn tỉnh có 600 hộ nông dân ứng dụng kỹ thuật IMO và MEVI (tự ủ phân hữu cơ, làm thuốc bảo vệ thực vật sinh học) vào sản xuất trồng trọt cho hơn 200 ha cây ăn trái, rau màu; hơn 100 hộ chăn nuôi, trang trại ứng dụng kỹ thuật trên để xử lý môi trường trong chăn nuôi.

Theo ông Sinh, mục tiêu của tỉnh đề ra là đến năm 2025, diện tích nhóm đất nông nghiệp hữu cơ đạt khoảng 1,5% trên tổng diện tích đất nông nghiệp, tương đương với khoảng 33 ngàn ha. Hiện chương trình hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ đang được triển khai lồng ghép thông qua một số chính sách đã được ban hành.

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, thành viên Hội đồng Khoa học Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền giải đáp các thắc mắc của bà con nông dân tại Toạ đàm. Ảnh: Minh Sáng.

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, thành viên Hội đồng Khoa học Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền giải đáp các thắc mắc của bà con nông dân tại Toạ đàm. Ảnh: Minh Sáng.

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, thành viên Hội đồng Khoa học Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền cũng cho rằng, sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam trong những năm gần đây đang phát triển mạnh mẽ, nhất là trong nghiên cứu, triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất và chế biến nông sản. Nông nghiệp hữu cơ đã góp phần bảo đảm hệ sinh thái bền vững, thực phẩm an toàn.

Tại Toạ đàm, các đại biểu rất quan tâm đến danh mục, tiêu chuẩn vật tư đầu vào cho sản xuất hữu cơ. Ảnh: Minh Sáng.

Tại Toạ đàm, các đại biểu rất quan tâm đến danh mục, tiêu chuẩn vật tư đầu vào cho sản xuất hữu cơ. Ảnh: Minh Sáng.

Tọa đàm còn giới thiệu một số mô hình sản xuất hữu cơ tiêu biểu trên địa bàn tỉnh; tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ; các chính sách phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ; xu hướng của người tiêu dùng trong lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt với nông nghiệp hữu cơ; cơ hội thị trường cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Đồng thời, các đại biểu cũng quan tâm đến danh mục, tiêu chuẩn vật tư đầu vào cho sản xuất hữu cơ; chính sách hỗ trợ cho nông dân, HTX, trang trại khi đầu tư theo hướng nông nghiệp hữu cơ.

“Hội Nông dân sẽ tiếp tục phối hợp với các Sở, Ban, ngành, địa phương trong tỉnh triển khai có hiệu quả kế hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh đến năm 2025; đồng thời tạo điều kiện cho hội viên, nông dân, các tổ hợp tác, hợp tác xã, tổ hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp chủ động tham gia vào các chương trình, đề án, đóng góp vào việc xây dựng và phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ trong thời gian tới”, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh.

Xem thêm
Trung Quốc vẫn sẽ là điểm đến tiềm năng nhất của sắn Việt Nam

Tuy nhiên, tại thị trường này, sắn và tinh bột sắn của Việt Nam đang phải cạnh tranh mạnh với Thái Lan, Lào và Campuchia.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Bảo vệ sức khỏe trái tim: Chìa khóa cho cuộc sống khỏe mạnh

Hiện nay, nhiều người chưa thật sự quan tâm đúng mực đến sức khỏe của trái tim, dẫn đến nhiều hệ lụy từ các bệnh lý tim mạch.  

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.