Đó là nhận định tại Hội thảo lần thứ nhất về xây dựng tầm nhìn chiến lược Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, do UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức nhằm đưa ra các chiến lược ứng xử với xu thế già hóa dân số và bên cạnh đó để giữ chân nông dân tiếp tục sản xuất nông nghiệp phục vụ cho tỉnh nhà phát triển.
Do đó, Đồng Tháp cần phải phát huy các lợi thế của mình về nông nghiệp như lúa gạo, trái cây, hoa, thủy sản, lâm nghiệp và dự trữ tự nhiên để có thể phát triển. Ngoài ra, cần quan tâm phát triển công nghệ 4.0 để nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, phát triển mạng lưới giao thông đồng bộ, đào tạo nguồn nhân lực cho từng lĩnh vực.
Bên cạnh đó, vị trí địa lý của Đồng Tháp cho phép một sự phát triển đa trung tâm dựa trên 4 vùng đô thị chủ đạo, gồm: Chuỗi đô thị và hành lang kinh tế ven sông Tiền sẽ là trục động lực phát triển kinh tế đô thị chiến lược của tỉnh Đồng Tháp, tạo ra các chuỗi giá trị đô thị có quan hệ hữu cơ chặt chẽ với các vùng sản xuất và nông thôn. Vùng kinh tế biên giới thượng nguồn sông Tiền là cửa ngõ giao thương quốc tế, nắm giữ vai trò quan trọng và tiên phong trong liên kết và hợp tác liên vùng. Vùng kinh tế sinh thái - nông nghiệp trung tâm Đồng Tháp Mười đóng vai trò là vùng sản xuất nông nghiệp đổi mới với tính thích ứng cao, vườn ươm cho những giá trị phát triển bền vững trong tương lai.
Cụm kinh tế hậu cần ven sông Hậu là đầu mối hạ tầng, dịch vụ quan trọng giúp kết nối hoàn thiện các chuỗi giá trị cho tỉnh Đồng Tháp và cụm đô thị trung tâm vùng ĐBSCL.
Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, ngày nay, người ta không chỉ làm giàu bằng đôi bàn tay mà còn phải làm giàu bằng tư duy. Những khái niệm kinh tế học thay đổi rất nhiều, buộc người ta phải điều hành quốc gia bằng kinh tế tri thức, kinh tế số.