Ông Nguyễn Xuân Thu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển đậu đỗ (thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) cho biết: Nhằm hỗ trợ nông dân Đồng Tháp tìm ra giống mè cho năng suất cao phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng, trong vụ hè thu năm 2022, Trung tâm phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và Nước sạch nông thôn tỉnh Đồng Tháp thực hiện mô hình “Tuyển chọn giống mè có năng suất cao và phát triển kỹ thuật canh tác chuẩn tại tỉnh Đồng Tháp”. Theo đó, mô hình được thực hiện kéo dài trong 2 năm (từ tháng 1/2022 đến tháng 12/2023) với diện tích dự kiến triển khai là 5 ha trên địa bàn huyện Cao Lãnh và Lấp Vò.
Trong vụ đầu tiên, mô hình trồng mè được triển khai với quy mô khoảng 0,7 ha tại địa bàn xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh. Theo đó, 9 giống mè được triển khai khảo nghiệm trong vụ hè thu này là những giống mè chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ từ Hàn Quốc, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển đậu đỗ và một số giống mè đang được nông dân sử dụng làm giống tại địa phương.
Mè trồng hơn 80 ngày cho thu hoạch. Qua đánh giá bước đầu trong số 9 giống mè khảo nghiệm có 2 giống mè là VS1 và VS5 của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển đậu đỗ được nông dân đánh giá cao về năng suất cũng như khả năng thích ứng với điều kiện tự nhiên tại Đồng Tháp.
Đồng Tháp là một trong những tỉnh có diện tích canh tác mè hàng năm rất lớn, đây là lợi thế trong việc giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Mặc dù có nhiều lợi thế trong phát triển cây mè, nhưng việc lựa chọn giống mè chất lượng để tái sản xuất vẫn chưa được nông dân đầu tư đúng mức. Mong muốn của ngành nông nghiệp Đồng Tháp, thông qua mô hình trình diễn tìm ra những giống mè cho năng suất cao, phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng để chuyển giao cho nông dân.