Giống lúa DTS 9 đang sản xuất tại Trại giống An Phong |
Doseco và TCty Giống cây trồng Thái Bình đã ký kết hợp đồng với 6 đại lý trong tỉnh và 20 đại lý ngoài tỉnh, đầu tư cung ứng giống cho 5 HTXNN với khoảng 10 cánh đồng liên kết trên diện tích 3.000ha sản xuất lúa lương thực.
Công tác quảng bá sản phẩm được chú trọng tuyên truyền qua báo in, đài truyền hình, các sự kiện diễn ra trong tỉnh và tham gia các cuộc hội chợ triển lãm, phối hợp các HTX đầu tư xây dựng cánh đồng liên kết…
Doseco đã xây dựng mạng lưới sản xuất giống lúa nguyên liệu trên tổng diện tích năm 2017 là 811,92ha. Trong đó, có 768,67ha sản xuất giống lúa xác nhận và 43,15ha sản xuất giống lúa nguyên chủng.
Cty xác định 11 giống lúa chủ lực gồm nhóm giống lúa chất lượng cao: OM 4900, OM 5451, OM 7547, OM 6162; nhóm giống lúa thơm: VD 20, Zacmine 85, NH9 và nhóm giống lúa trung bình: IR 50404, IR 13240-108 (Butyl), OM 576, OM 6976.
Cty trực tiếp sản xuất giống 6ha tại Trại Thực nghiệm sản xuất giống cây trồng An Phong, huyện Thanh Bình và mạng lưới sản xuất giống của các HTX, câu lạc bộ, với 50 nông hộ sản xuất từ 250 - 300ha.
Ông Hoàng Văn Tấn, GĐ Trại Thực nghiệm sản xuất giống cây trồng An Phong cho biết: Trại đang hợp tác sản xuất hơn 10 loại giống lúa nguyên chủng: OM 7347, OM 5451, OM 9582, OM 576, Zacmine 85, BC 15, TPR 225, IR 13240-108 (Butyl) và 2 loại giống đặc sản DTS 9 và DTS 19 của tỉnh Đồng Tháp (đang đề nghị Bộ NN-PTNT công nhận).
Vụ ĐX này, Trại sản xuất 3 loại giống lúa siêu nguyên chủng là OM 7347, OM 5451 và Butyl trên 5.000m2. Lúa đã được 85 ngày… Dự kiến, cung cấp cho nông dân khoảng 2 tấn lúa giống để canh tác trên 30ha. Ba loại giống lúa này có đặc tính kháng sâu bệnh, dễ canh tác và rất thích hợp với thời tiết, đất đai ở đồng bằng Nam Bộ và vùng Đông Nam Bộ. Ngoài ra, Trại đang trình diễn 23 giống lúa của Viện Lúa đồng bằng sông Cửu long. Các giống lúa đang trổ đều…
Trong quá trình sản xuất lúa giống, Cty luôn xây dựng các quy định, quy trình chất lượng như: quy trình sản xuất lúa giống nguyên chủng và xác nhận, quy trình quản lý chất lượng giống từ khâu kiểm định đến kiểm nghiệm hạt giống, quy trình chế biến giống: sấy, sàng lọc, tồn trữ lúa giống, quy định về mã hiệu lô giống, quy định về nhiệm vụ của cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ kiểm tra chất lượng sản phẩm.
Cánh đồng sản xuất giống của Doseco |
Đồng thời, tổ chức kiểm định ruộng lúa giống mỗi vụ từ 3 – 4 lần; tiếp nhận lúa nguyên liệu giống có kiểm nghiệm nhanh hạt giống, đánh giá màu sắc, độ ẩm… Quá trình chế biến hạt giống có phân công cán bộ kiểm tra chất lượng sản phẩm kiểm tra thường xuyên, đảm bảo chất lượng chế biến. Các lô giống thành phẩm được kiểm nghiệm, đánh giá từng chi tiết như: độ ẩm, độ sạch, lúa cỏ, hạt khác giống, tỷ lệ hao hụt.
Tất cả các lô giống nguyên chủng và xác nhận đều được lấy mẫu gửi Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng vùng Nam Bộ kiểm nghiệm cấp giấy chứng nhận chất lượng lô giống.
Ông Nguyễn Văn Hồng cho biết: Từ tháng thứ 6 hằng năm, phòng kỹ thuật và các nhà máy, Trại giống tổ chức lấy mẫu các lô giống, kiểm tra tỷ lệ nẩy mầm, trung bình mỗi tháng một lần. Từ tháng 10 đến tháng 12 lấy mẫu kiểm tra tỷ lệ nẩy mầm mỗi tháng 2 lần.
Cty thực hiện đầy đủ các quy định về “công bố hợp quy” đối với tất cả các chủng loại giống, cấp độ giống. Từ đó, chất lượng các loại giống lúa của Cty xuất bán đảm bảo an toàn, luôn được khách hàng ưa chuộng và rất an tâm chọn sử dụng.
Năm 2017, Doseco xuất bán gần 6.000 tấn lúa giống nguyên chủng và xác nhận các loại. Doanh thu đạt trên 62 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế trên 1,5 tỷ đồng. |