Cơ cấu sản xuất lúa ĐBSCL có rất nhiều giống lúa, tuy nhiên một số giống lúa có cơ cấu chính như IR50404, Jasmine85 và một số giống chủ lực khác nhưng đã sản xuất từ 10 - 30 năm. Các giống này đã có biểu hiện thoái hóa, lúa bị nhiễm sâu bệnh nhiều hơn, chất lượng gạo giảm so với giống chuẩn ban đầu, năng suất ngày càng giảm.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), Bộ NN-PTNT đã chủ động bắt tay vào thực hiện nhiều công việc quan trọng liên quan tới trồng trọt thích ứng với BĐKH ở khu vực này. Trong đó, khâu giống là yếu tố quan trọng góp phần đem lại thắng lợi cho vụ mùa sản xuất.
Để thích nghi trong điều kiện thời tiết đang diễn biến khó lường như hiện nay, Cục Trồng trọt đã điều tiết diện tích sản xuất lúa theo từng vụ, với xu hướng chủ đạo là giảm sản xuất lúa ở những vùng không thuận lợi cho sản xuất lúa như dễ bị ngập úng hay xâm nhập mặn. Theo chủ trương đó, từ năm 2017 đến nay, vùng ĐBSCL đã giảm được hàng trăm ngàn ha gieo trồng lúa kém hiệu quả.
Tuy giảm nhiều diện tích gieo trồng, nhưng sản lượng lúa ở ĐBSCL vẫn ổn định quanh mức 24 triệu tấn mỗi năm. Sự ổn định về sản lượng là nhờ Bộ NN-PTNT đã chuẩn bị những bộ giống lúa thích ứng với BĐKH ở ĐBSCL mà vẫn đảm bảo năng suất, chất lượng cao. Nhờ vậy, nếu như năm 2017, năng suất bình quân chung trên toàn vùng là 5,7 tấn/ha/vụ, thì đến năm 2021 đã ở mức 6 tấn/ha/vụ.
Bên cạnh đó, việc chuyển đổi cơ cấu giống trong sản xuất lúa ở ĐBSCL để thích ứng với BĐKH và bảo đảm sinh kế cho nông dân (tăng thu nhập) cũng đã được thực hiện một cách tích cực theo hướng tăng diện tích 5 nhóm giống lúa có giá trị cao và có thị trường xuất khẩu tốt, gồm: lúa thơm, lúa đặc sản, lúa chất lượng cao, nếp...
Để góp phần vào việc chọn tạo giống mới thích ứng BĐKH , Công ty Cổ phần Giống cây trồng Đồng Tháp (Doseco) là một trong những doanh nghiệp trong ngành giống ở ĐBSCL tiên phong tập trung xây dựng chiến lược chọn tạo giống mới vừa thích nghi với BĐKH, vừa đảm bảo về mặt chất lượng đủ tiêu chuẩn có thể phục vụ nhu cầu xuất khẩu.
Doseco từ khi thành lập đến nay luôn xác định chọn tạo ra các giống mới, giống bản quyền là chiến lược phát triển của công ty. Nhất là sau khi hợp tác với Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed (ThaiBinh Seed) năm 2019 thì vấn đề lai tạo, chọn lọc giống được đầu tư, đẩy mạnh hơn nữa.
Từ năm 2019 đến nay, hàng vụ, hàng năm Doseco hợp tác với ThaiBinh Seed, Viện Lúa ĐBSCL và các nhà chọn tạo giống nổi tiếng đã khảo nghiệm trình diễn hàng trăm giống lúa các loại.
Những cố gắng không mệt mỏi của Doseco đã có những tín hiệu khả quan, chọn được một số giống mới có triển vọng như giống TBR919 thời gian sinh trưởng 85 - 90 ngày, có khả năng thay thế phân khúc gạo phẩm cấp thấp IR50404.
Giống TBR97 thời gian sinh trưởng 90 – 95 ngày, có khả năng thay thế dòng gạo chất lượng; giống TBR39 thời gian sinh trưởng 100 - 110 ngày, có khả năng thay thế dòng gạo thơm; giống TBR819 thời gian sinh trưởng 100 – 105 ngày, có năng suất vượt trội so với các giống cơ cấu chủ lực.
Vụ đông xuân 2021 - 2022 và năm tiếp theo, Doseco và ThaiBinh Seed sẽ tiếp tục hợp tác, khảo nghiệm, sản xuất thử các giống TBR819, TBR919, TBR97, TBR39 tại các tỉnh ĐBSCL và Đông Nam bộ, sớm hoàn thiện bổ sung hồ sơ để Bộ NN-PTNT công nhận chính thức các giống này trong thời gian sớm nhất.
Ông Lê Văn Minh ở ấp Bình Thuận, xã Long Bình, Thị xã Long Mỹ (Hậu Giang) có hơn 25 năm trong nghề sản xuất lúa cho rằng: Những năm gần đây, người sản xuất lúa đang bị áp lực ở khâu giá vật tư đầu vào đều tăng cao.
Trong đó hiện nay, giá phân bón tăng cao liên tục từ 60-80% so với cùng kỳ năm rồi gây khó khăn cho nông dân. Khó khăn nữa trong vụ mùa, nông dân sản xuất lúa thường đối diện với BĐKH, làm gia tăng tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn, dịch hại cũng tăng lên.
Có giống lúa thích nghi và phù hợp tốt sẽ giúp nông dân có nhiều điều kiện canh tác tốt hơn, giảm thiểu được thiệt hại, tăng thu nhập...