Ông Nguyễn Văn Vương ở xã Phú Thọ, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp có 3 ha đất ruộng ở ở ấp Phú Thọ C đã tham gia mô hình sinh kế mùa lũ (thuộc dự án WB 9) bằng hình thức canh tác 2 vụ lúa, nuôi vịt và dẫn dụ cá tự nhiên vào ruộng.
Tham gia mô hình, ông Vương được tập huấn văn bản pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, ghi chép sổ nhật ký sản xuất và chọn giống lúa chất lượng cao từ hệ thống cung cấp lúa giống tốt của Cty CP Giống cây trồng Đồng Tháp (Doseco).
Vụ đông xuân và hè thu năm 2020, ông Vương chọn loại giống lúa chất lượng cao OM 4900 của Trại Thực nghiệm sản xuất giống cây trồng An Phong (thuộc Doseco) để canh tác trên 3ha. Mỗi vụ, ông Vương xuống giống bằng phương pháp sạ hàng với 300kg lúa giống. Trong vụ đông xuân, ông Vương bón 300kg phân Ure, 450kg phân DAP, 150kg phân Kali và chỉ phun 1 lần thuốc trừ cỏ, 1 lần thuốc phòng ngừa bệnh cho lúa.
Còn vụ hè thu, ông bón 210kg phân Ure, 180kg phân DAP, 210kg phân Kali, 270kg phân NPK 20-20-15, xịt 1 lần thuốc BVTV và 1 lần thuốc trừ cỏ.
Song song với trồng lúa, mỗi vụ ông Vương kết hợp thả nuôi 3.000 con vịt. Riêng vụ hè thu, ông còn thả nuôi 5.000 con cá lóc và dẫn dụ cá tự nhiên vào ruộng. Kết quả vụ đông xuân, lúa đạt năng suất 7,9 tấn/ha và vụ hè thu đạt gần 4,5 tấn/ha.
Ông Nguyễn Văn Vương phấn khởi nói: So với ruộng lúa đối chứng, vụ đông xuân có lợi nhuận 4.775.000 đồng/ha, vụ hè thu lợi nhuận 4.878.000 đồng/ha. Bởi, trong quá trình canh tác áp dụng chương trình “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm”, không phun thuốc BVTV khi lúa chưa được 40 ngày tuổi để bảo vệ thiên địch có lợi. Đặc biệt đã chọn được giống lúa tốt, thích nghi với đồng ruộng nhà mình do trại An Phong cung cấp.
Tính chung, vụ đông xuân ông Vương có thu nhập từ lúa và nuôi 3.000 con vịt được 151,5 triệu đồng, vụ hè thu thu từ lúa kết hợp thả nuôi 5.000 con cá lóc giống và nuôi 3.000 con vịt được 73,8 triệu đồng.
Mùa nước nổi, củng cố lại hệ thống ao, mương và đê, thiết kế thêm 2 ao trữ cá đồng tự nhiên cập bờ xáng, lên đê bao lửng quanh toàn bộ diện tích mô hình 3 ha, chuẩn bị lưới và cừ tràm để nhử cá và thả nuôi 3.000 con vịt đẻ. Trồng thêm bông điên điển quanh đê bao và trồng bông súng trong ao, có thu nhập thêm gần 20 triệu đồng.
Như vậy, qua 1 năm thực hiện mô hình sinh kế mùa lũ thuộc dự án WB 9, với 3 ha ruộng, trừ chi phí ông Vương còn thu lợi nhuận trên 160 triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Oanh, Phó Giám đốc Trại Thực nghiệm sản xuất giống cây trồng An Phong cho biết: Năm 2020, trại đã cung cấp cho Doseco khoảng 50 tấn lúa giống nguyên chủng để cung ứng cho nông dân gồm: OM 4900, OM 9582, OM 5451, VD 20…
Đây là những loại giống quen thuộc, dễ làm, dễ chăm sóc, phù hợp với thổ nhưỡng, thời gian sinh trưởng từ 98 - 105 ngày cho năng suất khá, giá lúa thương phẩm ổn định ở mức cao. Các loại giống của trại bán ra có giá dao động từ 11.000 - 14.500 đồng/kg. Bên cạnh nguồn giống lúa tốt, trại còn liên kết sản xuất với các HTX, Hội quán, Câu lạc bộ, Tổ sản xuất...
Ông Lê Văn Lâm, chủ đại lý lúa giống Út Lâm ở xã Tân Phú, huyện Thanh Bình cho biết: Đại lý của tôi thành lập hơn 10 năm nay, chuyên cung cấp lúa giống lúa cho Doseco ở các huyện Thanh Bình, Tam Nông, Tân Hồng và Hồng Ngự. Mỗi mùa vụ cung cấp từ 2 - 3 tấn lúa giống các loại, chủ yếu là giống OM 6976, OM 4900, OM 9582, OM 5451, VD 20…
Ông Nguyễn Văn Tài ở xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình cho biết: Hai năm gần đây, ông sử dụng giống lúa OM 5451 do trại An Phong cung cấp để sản xuất trên 1ha. Lúa cứng cây, đẻ nhánh khỏe, ít bị đổ ngã, bông to, đều dễ chăm sóc. Năng suất bình quân từ 7 tấn/ha trở lên. Hạt gạo thon dài, mềm cơm luôn bán giá cao, chi phí đầu tư thấp và bán được giá.
Còn ông Lê Văn Tâm ở xã Tân Phú, huyện Thanh Bình canh tác 4 ha lúa giống OM 6976 của Doseco. Vụ hè thu 2020 thu hoạch đạt năng suất 5,5 -5,7 tấn/ha, bán giá gần 6.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí đầu tư và công chăm sóc, còn lãi gần 50 triệu đồng.