| Hotline: 0983.970.780

Đốt rừng sau khai thác: Vô vàn hệ lụy và lãng phí

Thứ Sáu 21/04/2023 , 17:19 (GMT+7)

QUẢNG TRỊ Đốt rừng sau khi khai thác để trồng không chỉ lãng phí, vừa gây ra rất nhiều hệ lụy về môi trường, đồng thời còn ảnh hưởng xấu tới việc xuất khẩu của ngành gỗ.

Bà Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Võ Dũng.

Bà Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Võ Dũng.

Ngày 21/4, tại TP Đông Hà (Quảng Trị), Hợp phần Quản lý rừng bền vững thuộc Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, phối hợp với Sở NN-PTNT Quảng Trị tổ chức Hội thảo Giảm phát thải khí nhà kính thông qua quản lý vật liệu hữu cơ sau khai thác rừng trồng.

Theo báo cáo tại hội thảo, việc quản lý vật liệu hữu cơ sau khai thác rừng trồng bằng biện pháp không đốt đã được nhiều nước trên thế giới nghiên cứu ứng dụng và trở thành điều kiện bắt buộc trong quá trình trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng.

Tại Indonesia, việc để lại vật liệu hữu cơ sau khai thác rừng trồng giúp tăng năng suất gỗ của rừng keo tai tượng lên 15%.

Theo các nghiên cứu, keo 6 năm tuổi sau khai thác, tổng lượng vật liệu hữu cơ khô còn lại là 32,4 tấn/ha (tương đương 55,8 tấn CO2). Ngoài ra, đốt vật liệu hữu cơ sau khai thác rừng trồng tác động tới quá trình phân cành, tạo tán của một số giống keo do các điều kiện môi trường như đất, nước, nhiệt độ, lượng mưa thay đổi.

Tại Việt Nam, nhiều chủ rừng đã đốt vật liệu hữu cơ sau khai thác rừng trồng trước khi trồng rừng dù họ biết rằng điều này có thể là nguyên nhân gây cháy rừng, phá vỡ cấu trúc đất, ảnh hưởng tới hệ sinh thái động, thực vật trong đất, tác động tới quá trình sinh trưởng của cây trồng, gây khói bụi và phát thải khí carbonic (CO2) ra môi trường.

Đốt rừng sau khai thác là thách thức đối với xuất khẩu gỗ rừng trồng Việt Nam. Ảnh: Võ Dũng.

Đốt rừng sau khai thác là thách thức đối với xuất khẩu gỗ rừng trồng Việt Nam. Ảnh: Võ Dũng.

Một số chủ rừng chọn cách không đốt vật liệu hữu cơ sau khai thác rừng trồng và cho rằng việc xử lý thực bì không đốt có nhiều lợi ích cả về kinh tế, môi trường, xã hội. Đây là điều kiện ưu tiên khi tham gia và duy trì chứng chỉ rừng với mục tiêu xuất khẩu gỗ rừng trồng.

Bài liên quan

Ông Nguyễn Văn Lục, Chi hội trưởng Chi hội Chứng chỉ rừng của Hợp tác xã Thủy Đông (xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) chia sẻ:

“Năm 2014, khi bắt đầu tham gia chứng chỉ rừng FSC, một số hội viên trong Chi hội đã áp dụng biện pháp không đốt vật liệu hữu cơ sau khai thác rừng trồng. Chi phí trồng đối với rừng đốt và không đốt là tương đương nhau. Nhưng đến kỳ khai thác, năng suất tại khu vực không đốt cao hơn 20 - 30 tấn gỗ/ha. Hiện gần 50% diện tích rừng keo của Hợp tác xã không đốt vật liệu hữu cơ sau khai thác rừng trồng để tham gia chứng chỉ rừng”. 

Bà Hoàng Thị Nguyên Hải, đại diện Công ty Biomass Fuel Việt Nam cảnh báo: “Năm 2023, các doanh nghiệp tại Nhật Bản kiểm soát gắt gao các tiêu chuẩn về chất lượng và bền vững cho sản phẩm viên nén nhập khẩu. Theo quy định mới của Liên minh châu Âu (EU), những sản phẩm như cà phê, ca cao, gỗ và cao su... nếu xuất xứ từ vùng đất có rừng bị tàn phá, suy thoái sẽ không được xuất khẩu vào thị trường này”.

Ông Nguyễn Văn Lục, Chi hội trưởng Chi hội Chứng chỉ rừng (Hợp tác xã Thủy Đông) cho biết, 50% diện tích rừng của HTX đã không đốt sau khi khai thác. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Nguyễn Văn Lục, Chi hội trưởng Chi hội Chứng chỉ rừng (Hợp tác xã Thủy Đông) cho biết, 50% diện tích rừng của HTX đã không đốt sau khi khai thác. Ảnh: Võ Dũng.

Điều này đặt ra yêu cầu phải thay đổi cách thức quản lý vật liệu hữu cơ sau khai thác rừng trồng theo hướng thân thiện với môi trường.

Nhằm góp phần giảm phát thải khí nhà kính và tăng cường khả năng hấp thụ carbon từ rừng tại Việt Nam thông qua các nỗ lực giảm mất rừng và suy thoái rừng tự nhiên, quản lý hiệu quả hơn rừng sản xuất, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã tài trợ và triển khai Hợp phần Quản lý rừng bền vững trong khuôn khổ Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) tại 7 tỉnh Lào Cai, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị và Quảng Nam trong giai đoạn từ 2020 đến 2025.

Mục tiêu tổng thể của Hợp phần Quản lý rừng bền vững là giảm phát thải khí nhà kính; tăng khả năng hấp thụ carbon thông qua quản lý hiệu quả hơn rừng sản xuất và cải thiện chất lượng, tính đa dạng và năng suất rừng sản xuất là rừng tự nhiên.

Hàng năm, trong vùng Dự án VFBC trồng lại khoảng 100 nghìn ha rừng keo. Nếu đốt vật liệu hữu cơ sau khai thác rừng trồng, lượng CO2 phát thải ra khoảng 5,5 triệu tấn/năm, chiếm gần 1% lượng khí CO2 phát thải trong năm 2020 của Việt Nam.

Theo ông Vũ Văn Hưng, Phó Trưởng ban Ban quản lý các dự án lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), Giám đốc Ban quản lý Dự án VFBC Trung ương: Quản lý vật liệu hữu cơ sau khai thác rừng trồng bằng biện pháp không đốt là thực hành quản lý rừng sản xuất thân thiện với môi trường. Đây là phương án phù hợp xu hướng phát triển của thế giới, đáp ứng mục tiêu phát triển rừng bền vững, góp phần nâng cao giá trị gỗ rừng trồng, ổn định cuộc sống của người trồng rừng quy mô nhỏ và đóng góp vào lộ trình giảm phát thải khí nhà kính của Chính phủ Việt Nam. 

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.