| Hotline: 0983.970.780

Tiếp vụ trang trại chăn nuôi lợn 'bức tử' môi trường

ĐTM duyệt một đằng, chủ trại thực hiện một nẻo

Thứ Hai 09/05/2022 , 13:36 (GMT+7)

Theo ĐTM được duyệt, trang trại của ông Phạm Trần Sum phải xây dựng 1 bể biogas, 3 hồ lắng, 1 hồ sinh học song chủ trại đã không thực hiện đúng cam kết.

Sự cố hay cố tình vi phạm?

Liên quan đến vụ việc 2 trang trại chăn nuôi lợn của ông Phạm Trần Sum và ông Đinh Thăng Long, ở xã Xuân Mỹ, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) bị tố "bức tử' môi trường mà Báo Nông nghiệp Việt Nam phản ánh, mới đây, ông Lê Bá Chung, quản lý trang trại của ông Phạm Trần Sum thừa nhận phía trang trại có những hạng mục vi phạm nhất định.

Theo ĐTM được duyệt, trang trại của ông Phạm Trần Sum phải xây dựng hồ sinh học trồng bèo. Ảnh: Thanh Nga.

Theo ĐTM được duyệt, trang trại của ông Phạm Trần Sum phải xây dựng hồ sinh học trồng bèo. Ảnh: Thanh Nga.

Cụ thể, hồ lắng số 2 bị vỡ và chủ trại chưa xây dựng hồ sinh học trồng bèo theo đúng hồ sơ đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được phê duyệt.

“Hệ thống xử lý môi trường của trang trại có bể biogas, các hồ lắng (1 hồ kỵ khí, 1 hồ tùy nghi, 1 hồ hiếu khí), hồ cuối cùng là ao bèo sau đó chảy ra mương chung nhưng hiện hồ lắng thứ 2 bị vỡ và hồ trồng bèo cũng vỡ nhập vào mương chung”, ông Chung giải thích.

Mặc dù liên tục nhấn mạnh hồ sinh học trồng bèo bị vỡ song khi chúng tôi chất vấn là hồ sinh học này chủ trại chưa xây dựng theo đúng ĐTM được duyệt thì ông Chung chỉ biết im lặng.

Ghi nhận thực tế tại hiện trường, hồ sinh học mà ông Chung nói chưa tồn tại, điều này khiến dư luận đặt dấu hỏi, chủ trang trại đã cố tình không xây dựng hệ thống xử lý môi trường theo quy định?!.

Trên thực tế, hồ này chưa tồn tại. Ảnh: Thanh Nga.

Trên thực tế, hồ này chưa tồn tại. Ảnh: Thanh Nga.

Người dân thôn Hồng Mỹ, xã Xuân Mỹ cho biết, tình trạng vỡ bờ bao hồ lắng, gây ô nhiễm môi trường ở trang trại ông Phạm Trần Sum đã xảy ra từ lâu song chủ trại không khắc phục. Toàn bộ nước thải từ hồ lắng thứ 2 chảy tràn ra mương chung của xã Xuân Mỹ rồi đổ thẳng ra rào Mỹ Dương.

Khi được hỏi về giải pháp khắc phục, ông Lê Bá chung cho biết, trang trại đang xin ngành chức năng cho đắp lại toàn bộ các hồ lắng bị vỡ, xây dựng hồ sinh học trồng bèo để nước thải chảy tuần tự theo ĐTM, xong trước 30/6/2022.

Nước thải từ hồ lắng thứ 2 của trại ông Sum chảy trực tiếp ra mương thoát nước của xã Xuân Mỹ. Ảnh: Thanh Nga.

Nước thải từ hồ lắng thứ 2 của trại ông Sum chảy trực tiếp ra mương thoát nước của xã Xuân Mỹ. Ảnh: Thanh Nga.

“Xác định làm trại lợn thì khẳng định trại nào cũng có vấn đề hết, không vấn đề này thì vấn đề kia. Quan điểm của trại là thẳng thắn thừa nhận, lỗi nào khắc phục được thì xin khắc phục, còn cái nào liên quan pháp lý bị xử phạt thì trại cũng chấp nhận chịu phạt. Vì thực ra có những thứ mình sai”, ông Chung nói thêm.

Được biết, trang trại của ông Sum hiện nuôi gần 300 lợn nái trong tổng quy mô 450 con nái.

“Những vi phạm của trang trại ông Sum ngành chức năng cần xử lý nghiêm. Đây không chỉ là sự cố do vỡ hồ lắng mà chủ trại cố tình không làm các hồ xử lý môi trường (hồ sinh học) theo quy định”, một người dân xin giấu tên nói.

Đá bóng trách nhiệm

Khác với sự cầu thị của trại ông Sum, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường tại trang trại chăn nuôi lợn thịt của ông Đinh Thăng Long (nay cho ông Trần Kim Nhật thuê lại) cũng rất cao, song cả chủ trại và người đang thuê trại tổ chức chăn nuôi đều bàng quan, thậm chí thờ ơ với công tác bảo vệ môi trường.

Phân lợn từ chuồng nuôi trại ông Long chảy thẳng ra các bãi đất trống khiến cây cỏ chết khô. Ảnh: Thanh Nga.

Phân lợn từ chuồng nuôi trại ông Long chảy thẳng ra các bãi đất trống khiến cây cỏ chết khô. Ảnh: Thanh Nga.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hệ thống xử lý môi trường của trại đã có dấu hiệu xuống cấp và quá tải, đặc biệt, mương dẫn chất thải từ chuồng nuôi đến bể biogas không có nắp đậy, bốc mùi hôi thối, một lượng khá lớn phân chảy tràn trực tiếp ra các bãi đất trống khiến cỏ cây chết khô.

Ông Trần Kim Nhật hồn nhiên nói: “Đây không phải chảy ra môi trường vì nó đang trong đất trang trại”. Vị này còn chỉ tay vào hố tách phân chỉ rộng chừng 3 - 4m2 khẳng định, hàng ngày phân của gần 400 con lợn thịt được công nhân đứng thu gom tại hố này để cho vào bì trước khi để phần nước chảy vào biogas(!).

Theo ông Nhật, năm 2018 ông thuê trại của ông Long để chăn nuôi lợn thịt. Theo hợp đồng, phía ông Long đảm bảo hệ thống bảo vệ môi trường đủ điều kiện cho phía ông Nhật chăn nuôi lợn theo đúng quy mô 900 con/lứa và chịu trách nhiệm lấy mẫu quan trắc nước thải định kỳ.

Hệ thống mương dẫn chất thải vào bể biogas không có nắp đậy khiến phân lợn tràn ra môi trường, đóng thành từng mảng dày cộm. Ảnh: Thanh Nga.

Hệ thống mương dẫn chất thải vào bể biogas không có nắp đậy khiến phân lợn tràn ra môi trường, đóng thành từng mảng dày cộm. Ảnh: Thanh Nga.

Tuy nhiên, ông Long lại đá “quả bóng trách nhiệm” cho phía ông Nhật, đồng thời khẳng định, việc để xảy ra vi phạm về môi trường phía ông Nhật phải chịu trách nhiệm.

“Bác chỉ chịu trách nhiệm về pháp lý, về văn bản thôi còn không chịu trách nhiệm về chăn nuôi. Bác không liên quan chi đó mà bác chịu trách nhiệm. Họ (phía ông Nhật) để xảy ra như thế rồi kêu bác vô dọn à, họ phải có ý thức bảo vệ môi trường chứ, phải làm theo đúng quy định nhà nước chứ?”, ông Long nói.

Đồng thời cho biết thêm, trang trại của ông đã có đánh giá tác động môi trường, bây giờ quá trình chăn nuôi lâu ngày chất thải tăng lên nếu hệ thống bảo vệ môi trường có vấn đề gì thì cơ quan quản lý nhà nước phải yêu cầu phía ông Nhật khắc phục.

Bể tách phân 'tí hon' của trại ông Long. Ảnh: Thanh Nga. 

Bể tách phân "tí hon" của trại ông Long. Ảnh: Thanh Nga. 

Dư luận cho rằng, với sự thờ ơ, đùn đẩy trách nhiệm và ý thức bảo vệ môi trường như trên của ông Long và ông Nhật, cơ quan chức năng huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh cần có giải pháp răn đe nhằm bảo vệ môi trường sống, sức khỏe cho nhân dân.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiều bến xe 'bỏ thì thương, vương thì tội'

Tiền Giang Trong thời gian dài, bến xe thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) rất ít phương tiện ra vào đón khách, bốc dỡ hàng hóa, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.