Dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ (CSSP) tỉnh Bắc Kạn được triển khai từ năm 2017 (có hiệu lực từ ngày 7/8/2017). Tuy nhiên, do bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn nước ngoài giai đoạn 2016 - 2020 cho dự án CSSP của cấp có thẩm quyền chậm, đến tháng 10/2018 dự án mới thực hiện đơn rút vốn đầu tiên với số kinh phí 10 tỷ đồng.
Năm 2019, dự án được giao kế hoạch vốn nước ngoài chậm và không đủ (giao vào tháng 6/2019, với số kinh phí gần 4,9 tỷ đồng). Do giao kế hoạch vốn ODA chậm và không đủ nên tính từ năm 2017 đến hết quý II/2019, dự án gần như mới hoàn thành các hoạt động chuẩn bị đầu tư.
Từ năm 2020 - 2023, khi được giao đầy đủ vốn ODA, dự án đã đẩy nhanh tiến độ các hoạt động đầu tư trực tiếp cho cộng đồng, người dân. Sau 7 năm, CSSP đã có những đóng góp thiết thực, hiệu quả, góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống của hàng nghìn hộ dân tại tỉnh Bắc Kạn.
Trước đây, gia đình chị Phùng Mùi Dất ở thôn Nà Dài, xã Hà Hiệu (huyện Ba Bể) quẩn quanh với đồng ruộng chỉ đủ ăn, thu nhập đã thấp lại bấp bênh, thường xuyên là hộ nghèo trong thôn. Gần đây, chị Dất tham gia tổ hợp tác nuôi lợn do dự án CSSP thành lập. Tham gia tổ hợp tác, chị được vay vốn mua con giống, sau một vài lứa, gia đình tích góp được ít vốn. Có vốn, chị Dất mở rộng nuôi gà, đầu tư trồng rừng, làm ăn thuận lợi nên chỉ sau vài năm chị đã xây được nhà mới. Năm 2021, gia đình chị Dất thoát nghèo.
Chị Dất cho biết, hỗ trợ từ nguồn vốn dự án CSSP đã tạo điều kiện ban đầu để gia đình phát triển sản xuất. Dự án cũng giúp các hộ kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt nên làm ăn hiệu quả hơn, từ chỗ lo từng bữa ăn, nay gia đình đã bắt đầu có của ăn, của để.
Năm 2021, tuyến đường bê tông liên thôn Bản Phắng ở xã Trung Hòa (huyện Ngân Sơn) được đầu tư từ nguồn vốn dự án CSSP. Từ khi có đường mới, nông sản được thương lái thu mua tận nhà, nhờ đó lợi nhuận cũng cao hơn. Từ chỗ canh tác 2 vụ/năm, nay có đường đi lại thuận tiện bà con đã sản xuất thêm 1 vụ màu, nhờ đó đời sống người dân khấm khá hơn.
Bà Hà Thị Luân (xã Trung Hòa) chia sẻ, khi chưa có đường muốn chở phân bón đến ruộng phải vác, nay xe máy, xe tắc tơ đến tận nơi, rất thuận tiện. Có đường, người dân cũng đầu tư mua máy móc làm đất nên có thể tăng vụ, nông sản làm ra vận chuyển cũng dễ dàng.
Tại tỉnh Bắc Kạn, do cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, giao thông nông thôn đi lại khó khăn nên dự án CSSP tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng gắn với vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Trong 7 năm qua, dự án đã đầu tư 226 công trình gồm đường giao thông, kênh mương, nước sinh hoạt, kè chống sạt lở. Trong số này có 212 công trình gắn với các chuỗi giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp và 14 công trình phục vụ khu vực nội thôn, bản.
Việc xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng đã góp phần quan trọng trong thúc đẩy sản xuất phát triển và hình thành vùng nguyên liệu tại các thôn, bản tham gia dự án. Diện tích một số loại cây trồng trong vùng thực hiện dự án như, cây mỡ, cây keo tăng gấp 3 lần, cây quế và cây hồi tăng gấp 10 lần, cây ăn quả tăng gấp 2,9 lần…
Khi hạ tầng nông thôn được đầu tư, sản xuất mở rộng, việc liên kết trong sản xuất được chú trọng thông qua việc thành lập các tổ, nhóm. Đến thời điểm này, dự án đã thành lập được 622 tổ hợp tác, trong đó có 352 tổ liên kết bằng hợp đồng với các doanh nghiệp, hợp tác xã và các đầu mối tiêu thụ sản phẩm.
Trong số này có 569/622 tổ hợp tác được tài trợ từ Quỹ Tài trợ cạnh tranh cho các tổ hợp tác (CSG) với tổng số hộ hưởng lợi hơn 7.000 hộ và hàng trăm tổ, nhóm sở thích liên kết trực tiếp với các doanh nghiệp, hợp tác xã thông qua quỹ APIF. Việc liên kết đảm bảo tính hiệu quả và bền vững cho các tổ hợp tác, tạo sinh kế, tăng cơ hội tìm việc làm cho người dân, đặc biệt là lao động nữ, người dân tộc thiểu số.
Dự án CSSP cũng hướng đến phát triển dịch vụ tài chính nông thôn với mục tiêu có ít nhất 10 nhóm tiết kiệm tín dụng mới với khoảng 240 thành viên được thành lập mới và vay vốn trong năm 2023. Đến thời điểm hiện tại đã duy trì 126 tổ tiết kiệm và vay vốn với trên 1.000 thành viên tham gia. Tính từ đầu kỳ dự án đến nay, nguồn quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển đã thực hiện tại 81 xã, phường, thị trấn, thành lập được 463 tổ tiết kiệm vay vốn với tổng dư nợ khoảng 50 tỷ đồng.
Với việc linh hoạt trong vay vốn, thủ tục nhanh chóng đã giúp cho người dân khắc phục khó khăn trong phát triển kinh tế và mở rộng quy mô sản xuất. Ngoài ra, việc thành lập các quỹ tiết kiệm đã khuyến khích chị em tạo thói quen tiết kiệm từ những khoản tiền nhỏ, tạo lập nguồn vốn để đầu tư cho sản xuất hoặc tiêu dùng khi cần thiết.
Ông Hoàng Văn Giáp, Giám đốc Ban điều phối Dự án CSSP tỉnh Bắc Kạn cho biết, tính đến hết tháng 4/2024, dự án CSSP tại tỉnh Bắc Kạn đã đạt được hầu hết mục tiêu đề ra. Năm 2024 là năm cuối cùng thực hiện dự án sau khi được gia hạn, dự án tập trung hoàn thành các công trình cơ sở hạ tầng và các hợp phần khác. Ban điều phối cũng đang thực hiện các hoạt động khảo sát, đánh giá, tài liệu hóa kết quả của dự án và tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực cần thiết cho các đơn vị liên quan nhằm đảm bảo tính bền vững sau khi dự án kết thúc.