| Hotline: 0983.970.780

CSSP nâng tầm sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị

Chủ Nhật 08/05/2022 , 18:01 (GMT+7)

Dự án hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ (CSSP) tỉnh Bắc Kạn đã làm thay đổi tư duy sản xuất ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng lợi.

Ông Lô Văn Phỉnh ở bản Nà Cà, xã Đổng Xá, huyện Na Rì (tỉnh Bắc Kạn) đã trồng củ gừng được 20 năm nay. Trước đây trồng tự phát, khi thu hoạch xong phải chở bằng xe máy gần 40km bán cho tư thương ở ngoài thành phố Bắc Kạn, với giá cả bấp bênh, người dân chủ yếu làm theo kiểu lấy công làm lãi. Nhưng từ năm 2020 đến nay, được sự hỗ trợ của Dự án CSSP đã giúp gia đình có thu nhập cao và ổn định hơn rất nhiều.

Ông Phỉnh nói, trước đây mọi người trồng gừng bằng cách cuốc hố là thả củ giống vào trồng, khi gặp mưa thì cây trồng bị chết đến 20 - 30% do bị ngập úng. Nhưng từ khi có cán bộ dự án đến hướng dẫn kỹ thuật, từ cách đánh luống cho tới cách chăm sóc, bón phân, ủ rơm khô và cách thu hoạch để có hiệu quả cao nhất. Tôi trồng theo công thức 2 hàng 1 luống thì không còn tình trạng cây bị úng chết nữa, mà làm cỏ, bón phân lại thuận tiện. Khi thu hoạch thì dễ hơn, củ lại to hơn, nên năng suất cao hơn trước đây lên đến hơn 1,5 lần.

“Dự án CSSP đã liên kết với Công ty TNHH Việt Nam Misaki (công ty của Nhật Bản) đang hoạt động tại Khu công nghiệp Thanh Bình (Bắc Kạn). Công ty này bao tiêu sản phẩm cho bà con với giá là 7.000 đồng/kg, đến tận nơi thu mua, nên đầu ra của chúng tôi là rất ổn định, không lo bị tư thương ép giá như trước. Năm 2021, tôi trồng được 4.000m2, khi thu hoạch cũng được khoảng 150 triệu đồng, trừ chi phí thì gia đình thu lãi khoảng 120 triệu đồng. Năm nay theo đơn đặt hàng công ty Misaki, tôi trồng nhiều hơn, được 5.000m2”, ông Phỉnh chia sẻ.

Ông Lô Văn Phỉnh ở bản Nà Cà, xã Đổng Xá, huyện Na Rì đang rải rơm che phủ lên luống gừng theo hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ CSSP Bắc Kạn. Ảnh: TN.

Ông Lô Văn Phỉnh ở bản Nà Cà, xã Đổng Xá, huyện Na Rì đang rải rơm che phủ lên luống gừng theo hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ CSSP Bắc Kạn. Ảnh: TN.

Giống như ông Phỉnh, bà Nông Thị Mến cũng ở bản Nà Cà, năm 2021 gia đình trồng được 2.000m2 gừng, nhờ được hướng dẫn khoa học kỹ thuật nên hiệu quả cao gấp gần 2 lần trước đây. Sau khi thu hoạch, bà Mến thu về được khoảng 80 triệu đồng, trừ chi phí thì có lãi là 60 triệu đồng. Bà Mến rất phấn khởi, hoàn toàn tin tưởng nghe và làm theo những hướng dẫn của cán bộ Dự án CSSP và doanh nghiệp liên kết đang thực hiện.

Ông Nông Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Đổng Xá đánh giá, việc triển khai Dự án CSSP đã làm thay đổi tích cực đời sống của hàng trăm hộ dân tại địa phương. Việc đầu tư mở rộng một số tuyến đường kết nối với các bản vùng cao tạo điều kiện thông thương hàng hóa; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị về cây gừng, cây kiệu theo đúng kỹ thuật và theo hướng hàng hóa, kết hợp với bao tiêu sản phẩm đã đem lại thu nhập cao cho người dân. Nhiều hộ dân cũng được tiếp cận với nguồn vốn vay dự án để đầu tư sản xuất…

Những sản phẩm được Dự án hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ tỉnh Bắc Kạn liên kết với Công ty Misaki sản xuất thành thành phẩm để xuất khẩu sang Nhật Bản. Ảnh: TN.

Những sản phẩm được Dự án hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ tỉnh Bắc Kạn liên kết với Công ty Misaki sản xuất thành thành phẩm để xuất khẩu sang Nhật Bản. Ảnh: TN.

Không chỉ có xã Đổng Xá, tất cả các xã mục tiêu của Dự án CSSP thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh Bắc Kạn cũng đem lại hiệu quả, xây dựng được những vùng hàng hóa lớn theo chuỗi giá trị cao. Có thể kể đến như bí xanh thơm Ba Bể, có quy mô sản xuất lên tới hơn 122ha, sản lượng đạt khoảng 5.000 tấn; củ nghệ nếp với diện tích lên tới 250ha, sản lượng đạt khoảng 5.000 tấn và sản xuất ra những mặt hàng nổi bật gồm tinh bột nghệ nếp đỏ Bắc Kạn, tinh bột nghệ nếp đen Bắc Kạn, Vi-cumax nano curcumin, Trịnh Năng curcumin (đều đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh); cùng nhiều loại hình sản xuất khác (nuôi trâu bò vỗ béo, lợn đen, gà thả vườn, cây dong riềng…). Những mặt hàng kể trên đã giúp cho các sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn vươn ra được thị trường trong nước, một phần đảm bảo chất lượng xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài khó tính như châu Âu, Nhật Bản,…

Dự án CSSP đã giúp cho tỉnh Bắc Kạn có định hướng sản xuất trọng tâm, thế mạnh của từng địa phương, để xây dựng thành vùng hàng hóa, đủ sức cạnh tranh với thị trường trong nước và quốc tế. Cơ bản các chương trình của Dự án CSSP thực hiện tại tỉnh Bắc Kạn được người dân hưởng ứng tham gia, bởi người sản xuất được liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo ổn định thị trường giữa nguồn cung và cầu, không lo tình trạng được mùa mất giá như trước đây.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tinh hoa làng nghề và đặc sản 30 tỉnh thành hội tụ TP.HCM

500 sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản vùng miền của hơn 200 doanh nghiệp đến từ 30 tỉnh, thành phố giới thiệu, quảng bá tại TP.HCM.