| Hotline: 0983.970.780

Dự án điện mặt trời san phẳng rừng phòng hộ ven biển

Thứ Sáu 17/09/2021 , 13:40 (GMT+7)

Cánh rừng dương chắn gió, chắn cát nằm dọc biển xã Mỹ An (huyện Phù Mỹ, Bình Định) bỗng dưng bị dự án điện mặt trời san phẳng, khiến người dân vô cùng hoang mang.

Phá rừng, chiếm đất

Ghi nhận hiện trường, từ đường ven biển ĐT 639 đi sâu vào trong rừng dương khoảng 500m thì không thấy còn dây dương nào còn đứng, thay vào đó là la liệt những cây dương đã bị đốn hạ, trốc cả gốc. Rừng dương bạt ngàn ngày xưa giờ chỉ còn là những bãi cát trống. Hầu hết thân cây gỗ bị chặt đã được vận chuyển đi nơi khác, cành lá cây dương đã được đốt dọn sạch sẽ.

Đo đếm bằng mắt, chúng tôi ước lượng có khoảng hơn 5ha rừng dương có chức năng phòng hộ ven biển nằm trên địa bàn  2 thôn Xuân Bình và Xuân Phương thuộc xã Mỹ An (huyện Phù Mỹ, Bình Định) đã bị san phẳng. Diện tích rừng dương bị triệt hạ nói trên nằm tiếp giáp với dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ 3.

Dự án này do Công ty CP phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch làm chủ đầu tư, triển khai tại 2 xã Mỹ Thắng và Mỹ An (huyện Phù Mỹ) có công suất 100 MWp, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 2.048 tỉ đồng.

Hơn 5ha rừng phòng hộ ven biển nằm trên địa bàn xã Mỹ An (huyện Phù Mỹ, Bình Định) bị dự án của Công ty Cổ phần Phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch phá tan hoang. Ảnh: V.Đ.T

Hơn 5ha rừng phòng hộ ven biển nằm trên địa bàn xã Mỹ An (huyện Phù Mỹ, Bình Định) bị dự án của Công ty Cổ phần Phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch phá tan hoang. Ảnh: V.Đ.T

Một thực tế khiến ai cũng không khỏi ngạc nhiên, là cả cánh rừng dương mênh mông bị triệt hạ mà cả chủ rừng là Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ và chính quyền địa phương là UBND xã Mỹ An không hề hay biết, không ngăn chặn. Càng ngạc nhiên hơn khi bao nhiêu nhân công và máy móc đại cơ giới do doanh nghiệp  huy động để cưa hạ, đào gốc rừng dương từ ngày này qua ngày kia mà vẫn “qua mắt” được cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Nếu người dân không phát hiện, báo cáo thì không biết đến nay còn bao nhiêu diện tích rừng bị xâm lấn nữa!?

Theo các bậc cao niên ở xã Mỹ An, rừng phòng hộ ven biển nằm trên địa bàn xã này được trồng nhiều thời kỳ khác nhau, nên rừng dương cũng có nhiều lứa tuổi khác nhau, từ khoảng 10 đến 20 năm tuổi.

Nhìn những cây dương có đường kính lớn bị cưa hạ, gốc đã bị phương tiện cơ giới trốc lên di chuyển đến nơi khác, 1 người dân thôn Xuân Bình không kiềm được bức xúc, nói:

“Cánh rừng phòng hộ ven biển này có chức năng chắn gió, chắn cát. Đặc biệt, nó như bức tường thành che chắn bão tố cho người dân hàng chục năm nay, vậy mà giờ bị phá tan hoang. Không chỉ làm ban ngày, doanh nghiệp còn huy động cả nhân lực và xe cơ giới làm cả ban đêm, nên cánh rừng mới nhanh tan hoang như thế này. Không còn rừng, trong thời gian tới chắc chắn dân làng sẽ bị “ăn” bão cát đã đời”. 

Nhiều cây dương có đường kính khá lớn bị cưa hạ. Ảnh: V.Đ.T

Nhiều cây dương có đường kính khá lớn bị cưa hạ. Ảnh: V.Đ.T

Một người dân khác cũng ở thôn Xuân Bình phản ánh thêm: “Trước đây, diện tích  rừng phòng hộ ven biển này được bảo vệ rất chặt chẽ. Thế nhưng thời gian gần đây, hằng đêm, cứ vào chập tối là chúng tôi nghe tiếng máy móc ầm ầm kéo đến, sau đó là tiếng cưa máy cắt cây xoàn xoạt. Người dân chúng tôi báo cáo vụ việc cho chính quyền, UBND xã cử cán bộ xuống kiểm tra, nhưng sau đó doanh nghiệp vẫn tiếp tục chặt phá, đến nay có cả hàng ngàn cây dương bị cưa hạ. Đến khi UBND huyện Phù Mỹ biết và thành lập đoàn kiểm tra thì doanh nghiệp mới dừng”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Long Thăng, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ, đơn vị chủ rừng, thừa nhận: “Diện tích rừng bị phá có trên 5,26ha, cánh rừng này khoảng hơn 10 năm tuổi, thuộc rừng phòng hộ ven biển. Hiện chúng tôi đã kiểm tra, báo cáo vụ việc lên UBND huyện. UBND huyện cũng đã thành lập tổ kiểm tra, xử lý do Phòng TN-MT huyện chủ trì”.

Diện tích rừng dương bị triệt hạ nói trên nằm tiếp giáp với Dự án hợp phần giai đoạn 3 Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ 3. Ảnh: V.Đ.T

Diện tích rừng dương bị triệt hạ nói trên nằm tiếp giáp với Dự án hợp phần giai đoạn 3 Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ 3. Ảnh: V.Đ.T

Sai phạm đã rõ

Theo ông Lê Xuân Thương, Chủ tịch UBND xã Mỹ An, dự án Nhà máy điện năng lượng mặt trời Phù Mỹ 3 do Công ty CP Phát triển tầm nhìn năng lượng sạch làm chủ đầu tư, được tỉnh giao đất để triển khai xây dựng nhà máy tại Mỹ An có diện tích đất sử dụng là 56ha. Trong đó, dự án được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 thực hiện trên diện tích 13ha, giai đoạn 2 thực hiện trên diện tích 43ha. Sau khi cơ quan chức năng cắm mốc xác định ranh giới và giao đất, chủ đầu tư thi công nhà máy và xây dựng tường rào bao quanh. Ông Thương cho rằng, do khu vực thi công nhà máy điện nằm cách xa trung tâm xã, nên khi người dân báo cáo vụ doanh nghiệp chặt phá rừng lúc ấy xã mới biết.

Hiện phần tường rào doanh nghiệp cho xây dựng đang nằm ngổn ngang trên bãi cát. Ảnh: V.Đ.T

Hiện phần tường rào doanh nghiệp cho xây dựng đang nằm ngổn ngang trên bãi cát. Ảnh: V.Đ.T

“Sau khi nhận được phản ánh của người dân về việc doanh nghiệp điện gió lấn phá rừng phòng hộ, chúng tôi báo cáo lên huyện và huyện thành lập tổ công tác gồm nhiều đơn vị vào cuộc kiểm tra, làm rõ. Trước mắt, địa phương yêu cầu doanh nghiệp tạm dừng triển khai thi công phần diện tích rừng bị phá để tổ công tác liên ngành kiểm tra, xác định lại diện tích doanh nghiệp lấn chiếm bao nhiêu diện tích để xử lý”, ông Thương cho hay.

Trước sự việc trên, UBND huyện Phù Mỹ giao Phòng TN-MT chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng thành lập tổ công tác để xác định doanh nghiệp có vi phạm hay không. Tại thời điểm kiểm tra, qua đo đạc, ngành chức năng đã xác định được mốc tọa độ mà trước đây Nhà nước đã giao và hiện trường thực tế có sự xê dịch về hướng Đông hàng trăm mét, diện tích dôi dư là 5,26ha. Hiện phần tường rào doanh nghiệp xây dựng bị xô ngã nằm ngổn ngang trên bãi cát.

Nguyên nhân diện tích dôi dư 5,26ha được doanh nghiệp báo cáo là do các nhà thầu thi công từng công đoạn của dự án không xác định được mốc tọa độ đã giao. Mặt khác, chủ đầu tư thiếu kiểm tra, giám sát nên mới xảy ra sai sót.

Những gốc dương to bị xe cơ giới của doanh nghiệp đào trốc khỏi mặt đất để di chuyển đến nơi khác. Ảnh: V.Đ.T

Những gốc dương to bị xe cơ giới của doanh nghiệp đào trốc khỏi mặt đất để di chuyển đến nơi khác. Ảnh: V.Đ.T

“Sai phạm của doanh nghiệp thì đã rõ, chúng tôi đã báo cáo UBND huyện để có hướng xử lý”, một lãnh đạo Phòng TN-MT huyện Phù Mỹ khẳng định.

Chiều 10/9, UBND huyện Phù Mỹ tổ chức cuộc họp với đại diện lãnh đạo Sở TN-MT và NN-PTNT Bình Định để giải quyết việc Công ty CP phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch lấn chiếm rừng phòng hộ khi xây dựng dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ 3.

Theo ông Phan Hữu Duy, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, UBND huyện này đã giao Phòng TN-MT huyện phối hợp các ngành chức năng kiểm tra, xác định một số diện tích đất đã giao cho doanh nghiệp thực hiện dự án điện mặt trời bị chồng lấn, đồng thời đề xuất hướng giải quyết, báo cáo UBND huyện chỉ đạo xử lý tiếp theo.

Doanh nghiệp bị yêu cầu dừng thi công phần diện tích rừng bị phá để ngành chức năng kiểm tra, xác định lại diện tích bị lấn chiếm để xử lý. Ảnh: V.Đ.T

Doanh nghiệp bị yêu cầu dừng thi công phần diện tích rừng bị phá để ngành chức năng kiểm tra, xác định lại diện tích bị lấn chiếm để xử lý. Ảnh: V.Đ.T

“Chúng tôi yêu cầu doanh nghiệp rút toàn bộ máy móc ra khỏi hiện trường không được tiếp tục thi công. Trước mắt, chúng tôi chỉ đạo đơn vị chủ rừng là Ban quản lý rừng phòng hộ huyện làm kiểm điểm vì tắc trách trong việc quản lý rừng. Đồng thời chỉ đạo các ngành chức năng tổng hợp vụ việc, làm cả những ngày cuối tuần để báo cáo huyện. Trong vụ việc này ai sai đến đâu chúng tôi sẽ xử lý đến đó”, ông Phan Hữu Duy khẳng định.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất