| Hotline: 0983.970.780

Dự án đô thị Đại học Hạ Long: Dừng lại là sáng suốt!

Thứ Năm 08/09/2022 , 10:27 (GMT+7)

QUẢNG NINH Trường Đại học Hạ Long hiện nay cơ sở đã rất khang trang, thoải mái cho sinh viên học tập. Tỉnh Quảng Ninh dừng việc mở rộng trường là hợp lý.

Trường Đại học Hạ Long được xây dựng khang trang, hiện đại bậc nhất của tỉnh Quảng Ninh nói riêng, của cả nước nói chung. Ảnh: Trường Đại học Hạ Long

Trường Đại học Hạ Long được xây dựng khang trang, hiện đại bậc nhất của tỉnh Quảng Ninh nói riêng, của cả nước nói chung. Ảnh: Trường Đại học Hạ Long

Trường Đại học Hạ Long được thành lập theo Quyết định số 1869/ QĐ-TTg ngày 13/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở sáp nhập 2 trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh và Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và du lịch Hạ Long. Trường Đại học Hạ Long là trường đại học công lập trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh với nhiệm vụ đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực và là trung tâm nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh và khu vực đồng bằng Bắc Bộ.

Thực hiện mục tiêu đưa Trường Đại học Hạ Long trở thành nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh, bên cạnh sự chú trọng chỉ đạo về nâng cao chất lượng đào tạo, tỉnh Quảng Ninh còn quan tâm đến việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho nhà trường.

Một góc Thư viện hiện nay của Trường Đại học Hạ Long. Ảnh: Trường Đại học Hạ Long

Một góc Thư viện hiện nay của Trường Đại học Hạ Long. Ảnh: Trường Đại học Hạ Long

Thời điểm cuối năm 2014, khi mới thành lập, cơ sở vật chất của Trường Đại học Hạ Long còn rất hạn chế. Nhà trường có 2 cơ sở. Cơ sở 1 đặt tại TP Uông Bí, có 3 dãy nhà học, trong đó có 2 dãy rất cũ kỹ được xây dựng từ năm 1986, 1 dãy được xây dựng từ năm 2005. Khu ký túc xá tại đây có 2 dãy cũng được xây dựng từ năm 1999. Cơ sở 2 đặt tại TP Hạ Long khi đó cũng chỉ có 1 dãy nhà 7 tầng gồm phòng học, phòng thực hành, hội trường, phòng làm việc và 1 dãy nhà 5 tầng gồm giảng đường, phòng làm việc. Tại cơ sở ở TP Hạ Long cũng chưa có khu ký túc xá, tất cả sinh viên đều phải thuê trọ nhà dân, gây khó khăn cho việc quản lý sinh viên của nhà trường

Từ năm 2015 trở lại đây, trên cơ sở quỹ đất hiện có, tỉnh Quảng Ninh đã "rót" rất nhiều tiền cho trường cải tạo toàn bộ công trình hiện trạng. Tại cơ sở 1 gồm: Khu làm việc; khu học tập; khu thực hành sư phạm; ký túc xá; nhà thư viện; nhà ăn sinh viên. Tại cơ sở 2 gồm: Nhà giảng đường 7 tầng; nhà giảng đường và làm việc 5 tầng.

Bên cạnh đó, nhà trường còn thực hiện xây mới nhiều hạng mục. Đơn cử: Tại TP Uông Bí, trường được xây mới khu nhà giảng đường và phòng làm việc các khoa quy mô 9 tầng, với diện tích xây dựng trên 1.000m2, gồm: Hội trường lớn 350 chỗ; 25 phòng học lý thuyết; 13 phòng làm việc các tổ bộ môn; 2 phòng hội thảo; 5 phòng chờ của giáo viên, khu vệ sinh.

Đồng thời, tại đây trường còn xây mới nhà học Khoa Thuỷ sản 3 tầng gồm 4 phòng thí nghiệm và 6 phòng học; nhà thực hành 1 tầng dùng các bể compozit đặt nổi trên nền để nuôi thử nghiệm các loại thuỷ sản và tảo; xây dựng bể thực hành ngoài trời...

Năm 2020, Đại học Hạ Long cơ sở Uông Bí tiếp tục khánh thành giảng đường trung tâm với quy mô 19 tầng nổi, 1 tầng hầm với thiết kế hiện đại, tổng vốn đầu tư trên 540 tỷ đồng.

Cơ sở 2 tại TP Hạ Long. Ảnh tư liệu

Cơ sở 2 tại TP Hạ Long. Ảnh tư liệu

Còn tại TP Hạ Long, nhà trường được đầu tư, xây dựng mới công trình giảng đường 7 tầng với 27 phòng học lý thuyết, diện tích từ 50-90m2/phòng, đảm bảo từ 25-70 sinh viên/phòng; 3 phòng thực hành lễ tân, bàn, bar. Mặt khác, tỉnh Quảng Ninh cũng đầu tư cho nhà trường 2 khu ký túc xá mới gồm 1 khu ký túc xá 4 tầng và 1 khu ký túc xá 5 tầng; 1 nhà công vụ 3 tầng.

Mặc dù cơ sở vật chất của Đại học Hạ Long hiện nay đã rất tốt nhưng Quảng Ninh vẫn muốn mở rộng thêm, do đó tỉnh tiếp tục có chủ trương nghiên cứu quy hoạch đầu tư Dự án Trường Đại học Hạ Long giai đoạn 2 tại khu đô thị Chạp Khê, phường Nam Khê, TP Uông Bí.

Dự án này được tỉnh Quảng Ninh phê duyệt với diện tích 59ha, sau đó đơn vị nghiên cứu mở rộng quy hoạch lên 111,13ha. Mục đích của dự án nhằm góp phần nâng tầm công tác giáo dục, đào tạo của Trường Đại học Hạ Long, phát triển trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực cho Quảng Ninh và cả nước.

Tuy nhiên, nhiều năm nay dự án đô thị Đại học Hạ Long vẫn chưa triển khai khiến cuộc sống người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng do không thể thể sửa chữa, xây nhà vì nằm trong vùng quy hoạch. Các hộ dân đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương, mong chờ tỉnh sớm "chốt" phương án có triển khai nữa hay không để nhân dân yên tâm ổn định cuộc sống và sản xuất nông nghiệp.

Do nhà quá xuống cấp không an toàn, một số gia đình trong vùng quy hoạch đành bỏ nhà hoang đi ở nhờ nơi khác. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Do nhà quá xuống cấp không an toàn, một số gia đình trong vùng quy hoạch đành bỏ nhà hoang đi ở nhờ nơi khác. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Tại Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Quảng Ninh khoá XIV, ngày 9/7/2022, khi được đại biểu chất vấn về dự án này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh - Nguyễn Mạnh Cường cho biết dự án chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư bởi sau khi rà soát cho thấy, tổng mức đầu tư cho dự án Trường Đại học Hạ Long giai đoạn 2 từ vốn ngân sách khoảng 4.000 tỷ đồng là rất lớn, khó khả thi, do đó cần nghiên cứu đề xuất theo hướng huy động các nguồn lực xã hội hóa để thực hiện.

Dư luận đánh giá đây là quyết định vô cùng sáng suốt, "chi tiêu hợp lý" của HĐND tỉnh Quảng Ninh bởi số tiền đầu tư cho dự án quá lớn, trong khi Trường Đại học Hạ Long hiện tại cơ sở vật chất đã rất khang trang, hiện đại, nhiều năm tới khi lượng sinh viên tăng lên có lẽ cũng vẫn chưa dùng hết. Số tiền đó tỉnh dùng vào những việc khác bức thiết hơn.

Xem thêm
Tổng Bí thư Tô Lâm: Quân đội là điểm tựa vững chắc của nhân dân

Tổng Bí thư nhấn mạnh cần xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Australia có thể giúp đỡ Việt Nam trong chương trình 1 triệu ha lúa

Chiều 20/12, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski và cảm ơn Đại sứ với những đóng góp của ông trong nhiệm kỳ vừa qua.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.