| Hotline: 0983.970.780

Dự án VnSAT tạo 'cú hích' cho tái canh cà phê

Thứ Tư 30/03/2022 , 10:05 (GMT+7)

Sự hỗ trợ kịp thời của Dự án VnSAT đã tạo thêm cú hích mạnh mẽ giúp chương trình tái canh cà phê cho thành quả ngọt.

Hoàn thiện quy trình tái canh

Ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết, từ sau giải phóng, ngành cà phê đã phát triển và có bước tiến khá vững chắc, đã hình thành được vùng sản xuất tập trung tại Tây Nguyên, Đông Nam bộ và một phần Tây Bắc.

Song song với vấn đề này, Việt Nam đã hình thành được ngành công nghiệp chế biến cà phê đáp ứng được cho chế biến cà phê nhân và rang xay, giúp chất lượng được cao nâng cao. Đây là những yếu tố giúp kéo ngành cà phê Việt Nam phát triển. Tuy nhiên, Cục Trồng trọt đánh giá đối với cà phê Việt Nam, hiện nay nền tảng quan trọng nhất vẫn là khâu sản xuất.

Ông Lê Văn Đức đánh giá, Dự án VnSAT đã giúp ngành cà phê tái canh hiệu quả. Ảnh: Bá Thắng.

Ông Lê Văn Đức đánh giá, Dự án VnSAT đã giúp ngành cà phê tái canh hiệu quả. Ảnh: Bá Thắng.

Hiện diện tích cà phê tại Việt Nam khoảng 680.000 ha. Tuy nhiên diện tích già cỗi, năng suất dưới 2 tấn/ha ngày càng cao. Chính vì vậy, Cục Trồng trọt cũng như Bộ NN-PTNT đã nhận thức chuyển đổi cơ cấu giống và tái canh là rất quan trọng.

Để triển khai việc này, Bộ NN-PTNT đã xây dựng đề án tái canh cà phê từ năm 2014. Trong đó, xác định từ năm 2014 - 2020, ngành nông nghiệp sẽ tái canh hơn 120.000 ha cà phê nhằm đưa các giống mới chín đều, năng suất cao vào trồng. Đến thời điểm này, cả nước cũng đã tái canh được 162.000 ha, trong đó đã có sự hỗ trợ rất lớn từ Dự án VnSAT.

Để tái canh hiệu quả, Bộ NN-PTNT đã giao Cục Trồng trọt xây dựng quy trình tái canh cà phê. Từ năm 2010, Cục Trồng trọt đã sớm có quy trình tái canh tạm thời, sau khi có những kiến thức mới, kinh nghiệm, Cục đã thực hiện chỉnh sửa và ban hành quy trình tái canh cà phê vào năm 2013. Sau đó, Cục Trồng trọt cũng tiếp tục nghiên cứu những quy trình có hiệu quả nhất, đến năm 2016 đã ban hành quy trình tái canh cà phê lần thứ 3.

Đến khi triển khai Dự án VnSAT, đã giúp người dân đào tạo kỹ thuật tái canh cũng như xác định rõ diện tích nào cần tái canh. Dự án VnSAT cũng giúp người dân nhận thức cũng như có kiến thức trong việc tái canh có hiệu quả hơn thời gian qua.

Dự án VnSAT đã giúp hình thành vùng trồng cà phê bền vững tại Tây Nguyên. Ảnh: Bá Thắng.

Dự án VnSAT đã giúp hình thành vùng trồng cà phê bền vững tại Tây Nguyên. Ảnh: Bá Thắng.

Nhờ xây dựng được quy trình chuẩn nên trong quá trình tái canh, năng suất cà phê đã tăng đều qua các năm. Để tái canh hiệu quả, Bộ NN-PTNT và các địa phương đã siết lại khâu quản lý giống. Đặc biệt, giống cũng được nhà nước đầu tư cho năng suất cao, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trên cơ sở những bộ giống được nhà nước công nhận, Bộ NN-PTNT đã tiếp tục đầu tư chương trình phát triển giống. Trong đó, Bộ giao Cục Trồng trọt triển khai, xây dựng những vườn ươm đầu dòng để cung cấp giống gốc, truy xuất được nguồn gốc ra thị trường.

Đối với chương trình giống, Dự án VnSAT đã được Ngân hàng Thế giới hỗ trợ xây dựng các hệ thống vườn ươm. Trên cơ sở này, các tỉnh đã chọn những vườn ươm chất lượng để đầu tư, sản xuất giống chất lượng. Đây là một trong những cái đạt được của Dự án, giúp hình thành được hệ thống giống chất lượng cho ngành hàng quan trọng là cà phê.

“Để phát triển ngành cà phê Tây Nguyên, cũng cần chú trọng vấn đề an ninh nguồn nước. Trong đó, Dự án VnSAT đã hỗ trợ những mô hình tưới tiết kiệm. Song song đó, chúng ta đã xây dựng vườn cà phê có 3 tầng tán. Tầng trên cùng là cây che bóng, tầng thứ 2 là cà phê và tầng cuối cùng là thảm thực vật để giảm sử dụng thuốc hóa học trong sản xuất cà phê.

Cà phê người dân đạt năng suất cao sau khi thực hiện tái canh. Ảnh: Bá Thắng.

Cà phê người dân đạt năng suất cao sau khi thực hiện tái canh. Ảnh: Bá Thắng.

Hiện nay, cà phê là ngành đi đầu trong việc chứng nhận chất lượng truy xuất nguồn gốc và xuất khẩu sang các thị trường cao cấp. Đây là cái mà ngành cà phê rất cố gắng trong thời gian vừa qua”, ông Lê Văn Đức nói thêm.

Ngoài ra, theo ông Đức, Dự án VnSAT đã hỗ trợ rất tích cực các HTX xây dựng mối liên kết giữa vùng sản xuất với chế biến cà phê. Việc này đã tạo động lực cho phát triển ngành cà phê cũng như nâng cao nhận thức của người sản xuất.

Hiện Cục Trồng trọt cũng như Bộ NN-PTNT đang tiếp tục xây dựng, đưa các giống cà phê mới ra thị trường để phục vụ việc tái canh cà phê có hiệu quả.

Về vấn đề này, ông Đức cho rằng đối với tái cơ cấu, ngành nông nghiệp Việt Nam đang tập trung theo hướng nâng cao chất lượng, an toàn và giá trị gia tăng. Chính vì vậy ngoài yếu tố kỹ thuật, yếu tố giống cũng rất quan trọng. Do đó, Cục Trồng trọt đã đề xuất Bộ NN-PTNT ban hành đề án cà phê đặc sản Việt Nam. Từ đó, cơ quan chức năng xác định vùng đủ điều kiện để đưa những giống cà phê tốt vào sản xuất cà phê đặc sản.

“Việc chúng ta tạo được bộ giống tốt có năng suất cao, thích ứng với biến đổi khí hậu và rải vụ là rất quan trọng. Trong một thời gian dài, Bộ NN-PTNT đã đầu tư và chọn công nhận giống cà phê vối, cà phê chè khá hoàn chỉnh. Chương trình tái canh cà phê của Dự án VnSAT là cơ hội để chúng ta đưa giống có năng suất tốt vào những vùng nguyên liệu mới để sản xuất.

Ngoài những giống có năng suất cao, Cục Trồng trọt cũng tiếp tục nghiên cứu, đưa ra những giống cà phê chịu hạn và rải vụ, từ đó hướng đến ngành nông nghiệp bền vững”, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt Lê Văn Đức cho biết.

Sự hỗ trợ của Dự án VnSAT đã giúp chương trình tái canh cà phê có thêm nguồn lực mới. Ảnh: Bá Thắng.

Sự hỗ trợ của Dự án VnSAT đã giúp chương trình tái canh cà phê có thêm nguồn lực mới. Ảnh: Bá Thắng.

Tạo sự lan tỏa cho phong trào tái canh

Trong thời gian 3 năm (từ 2018 - 2020), Dự án VnSAT tỉnh Đăk Lăk đã tái canh được 11.129/11.271 ha, bằng 98,7% kế hoạch. Trong đó, tỷ lệ đạt cao nhất là Thị xã Buôn Hồ, huyện Krông Năng, Ea H’leo và Krông Pắc, các huyện có tỷ lệ đạt thấp hơn là Cư M’gar, Cư Kuin và Krông Búk.

Hầu hết các diện tích tái canh của các huyện, thị xã vùng Dự án VnSAT Đăk Lăk đều thuộc vùng quy hoạch của tỉnh, giống và các biện pháp canh tác khác, cây che bóng, chắn gió cơ bản đáp ứng quy trình của Bộ NN-PTNT ban hành, nhờ vậy tỷ lệ cây sống cao, phát triển tốt và cho năng suất cao. Từ kết quả tái canh cà phê Dự án VnSAT, đã tạo sự lan toả, giúp nhiều nông dân ở các vùng vệ tinh học hỏi, làm theo.

Theo Dự án VnSAT Đăk Lăk, sau thời gian thực hiện, dự án tái canh cà phê cho nông dân đã kết thúc vào năm 2020 và đã được tổ chức hội nghị tổng kết. Những hộ gia đình được dự án hỗ trợ kỹ thuật, phân bón, cây giống tái canh đều mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội. Thời gian tới, dự án sẽ giám sát và đánh giá các tổ chức nông dân/HTX về thực hiện quy trình sản xuất và tái canh cà phê bền vững để tiếp tục thực hiện.

Hướng tới vùng nguyên liệu đạt chuẩn

Trong chuyến khảo sát các mô hình liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ cà phê của Dự án VnSAT tại các tỉnh Tây Nguyên, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đã đánh giá cao những kết quả đạt được và những tác động rất lớn của Dự án VnSAT đối với ngành hàng cà phê và kinh tế nông nghiệp địa phương.

Thứ trưởng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng đề án vùng nguyên liệu bền vững đạt chuẩn, đồng thời gợi ý để làm được việc này, phải xây dựng và phát triển các tổ khuyến nông cộng đồng, truyền thông và phát triển vùng nguyên liệu. Song song đó, hỗ trợ, tư vấn phát triển các HTX, kết nối thị trường cho nông dân; đẩy mạnh kết nối, liên kết chuỗi giữa các doanh nghiệp với HTX, nông dân sản xuất, chế biến, tiêu thụ cà phê.

“Để xây dựng được vùng nguyên liệu đạt chuẩn, Bộ NN-PTNT sẽ hỗ trợ đầu tư một phần đường giao thông, nhà kho, sân phơi, silo chứa cà phê... Vùng nguyên liệu sẽ thúc đẩy liên kết chuỗi cà phề bền vững, từ đó tạo sự lan tỏa ra các địa phương khác để có vùng nguyên liệu đạt chuẩn phục vụ trong nước và xuất khẩu”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết.

  • Tags:
Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.