VnSAT hỗ trợ cơ sở vật chất, tập huấn kỹ thuật
Tổ hợp tác Buôn Sang (xã Ea H’Đing, huyện Cư M’gar, Đăk Lăk) được thành lập năm năm 2017, thời điểm này đơn vị không có cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động khó khăn. Sau 6 tháng đi vào hoạt động, Tổ hợp tác được dự án VnSAT hỗ trợ cơ sở vật chất, tập huấn khoa học kỹ thuật, nhờ vậy Tổ hợp tác hoạt động rất hiệu quả.
“Lúc mới thành lập ngoài tư liệu sản xuất là đất của người dân thì Tổ hợp tác như tờ giấy trắng chứ không có gì. Sau đó qua giới thiệu thì dự án VnSAT xuống thẩm định rồi hỗ trợ thì cơ sở vật chất của Tổ hợp tác mới hình thành”, ông Nguyễn Quang Vũ. Tổ trưởng Tổ hợp tác Buôn Sang chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Quang Vũ, sau 5 năm hoạt động, đến nay Tổ hợp tác có 76 thành viên với hiên tích hơn 200 ha trong đó trồng chủ yếu cà phê và sầu riêng.
Lãnh đạo Tổ hợp tác cho biết thời điểm mới thành lập đơn vị gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất không có, đường vào khu sản xuất lầy lội khó di chuyển, mỗi lần thu hoạch cà phê các thành viên phải thu xếp về từ lúc giữa buổi chiều để kịp về nhà. Khi tham gia dự án VnSAT được hỗ trợ tuyến đường giao thông dài hơn 2 km vào khu sản xuất. Đến nay người dân đúng giờ đi về như vậy tiết kiệm được rất nhiều chi phí, công lao động.
Ngoài ra, dự án còn tổ chức các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật cho thành viên tổ hợp tác để sản xuất cà phê. Sau khi được tập huấn, 3-4 năm nay tư duy sản xuất cà phê của người dân khác hẳn không còn làm manh mún nhỏ lẻ.
Trước đây người dân Tổ hợp tác tái canh cà phê manh mún, nhỏ lẻ, cây nào hư thì nhổ bỏ và không biết xử lý như ra sao. Nhưng sau khi được tập huấn các thành viên về mạnh dạn tổ chức tái canh đồng loạt. Hiện diện tích tái cảnh của Tổ hợp tác đã đạt 30-40% và tỷ lệ sống rất cao, cây sinh trưởng phát triển tốt, trong thời gian tới diện tích tái canh sẽ tăng lên vì đa số cà phê đã già cõi.
“Bây giờ đã có bộ giống chuẩn nên các thành viên an tâm tái canh. Ngoài ra, các thành viên được tham quan mô hình tưới tiết kiệm. Trước đây việc tưới cà phê trong mua khô rất khổ và tốn kém, do tưới phun trực tiếp vào gốc nên tốn 300-400 lít nước nhưng giờ đây tư duy này đã thay đổi. Người dân tự bỏ tiền túi ra lắp hệ thống tưới tiết kiệm, nhờ đó đã tiết kiệm được 50% chi phí sản xuất.
Dự án VnSAT đã mang lại cho người dân niềm tin. Niềm tin vào sản xuất nông nghiệp. Được tập huấn nên người dân tự tin trong việc trồng, chăm sóc và tái canh cây cà phê. Hiện nay các thành viên không trồng độc canh cây cà phê nữa mà thâm canh nhiều cây khác để tăng thu nhập đồng thời làm cây che bóng cho cà phê.
“Tổ hợp tác hoạt động rất hiệu quả sau khi được dự án VnSAT hỗ trợ. Hiện mỗi ha cà phê của đơn vị cho sản lượng 2,8 tấn/ha. Ngoài cà phê, các thành viên còn có thu nhập từ những cây trồng xen. Một năm đơn vị có nguồn thu hơn 22 tỷ đồng do sản xuất đa canh”, ông Vũ tự hào và cho biết, dự án VnSAT đã giúp tăng tính cộng đồng trong các hoạt động thực hiện công việc chung.
Giúp nhiều Tổ hợp tác, HTX hình thành
Giống như Tổ hợp tác Buôn Sang, Tổ hợp tác Đoàn Kết (xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) cũng được dự án VnSAT hỗ trợ cơ sở vật chất, tập huấn khoa học kỹ thuật cho các thành viên. Nhờ sự hỗ trợ của dự án VnSAT, Tổ hợp tác Đoàn Kết đã có cơ sở khang trang, tạo tiền đề cho đơn vị này phát triển.
Ông Bùi Văn Hoàn, Tổ trưởng Tổ hợp tác Đoàn Kết cho biết, dự án VnSAT hỗ trợ đơn vị này hơn 2 km đường vào khu sản xuất, nhà kho và sân phơi. Do Tổ hợp tác được hình thành từ tổ 4C nên cơ sở vật chất thời gian đầu không có, sau khi thấy đơn vị khó khăn, dự án VnSAT và chính quyền địa phương đã hỗ trợ xây dựng đường vào khu sản xuất, xây dựng nhà kho, sân phơi.
Trước đây, đường lầy lội, khó đi, khi chở nông sản một lần chỉ được khoảng 20 bao. Tuy nhiên, sau khi được hỗ trợ làm đường thì có thể chở được 40 bao. Người dân, tổ hợp tác giảm được 50% tiền vận chuyển, thời gian di chuyển. Đặc biệt, những năm trước giá cà phê xuống thấp nên người dân muốn trữ lại để khi được giá bán nhưng không có kho nên không thể “găm hàng” chờ giá. Còn nay, khi dự án VnSAT hỗ trợ xây dựng nên người dân an tâm trữ cà phê khi chưa muốn bán.
“Từ khi các thành viên Tổ hợp tác được dự án VnSAT đào tạo, tập huấn về mô hình tái canh cà phê bền vững, người tham gia dự án đã có thể tự ghép cây cà phê. Trước đây, người dân chưa biết đến việc tái canh cà phê nhưng hiện nay họ nắm rất vững quy trình kỹ thuật, nhờ đó năng suất rất đạt giúp tăng thu nhập cho người nông dân”, ông Hoàn thông tin.
Tương tự, HTX Dịch vụ nông nghiệp Công Bằng Eakmat - Hòa Đông cũng được dự án VnSAT hỗ trợ cơ sở vật chất với tổng kinh phí gần 8 tỷ đồng. Trong đó, dự án hỗ trợ xây nhà kho, sân phơi rộng hàng nghìn mét vuông. Đặc biệt, VnSAT xây dựng tuyến đường giao thông kết nối nội đồng dài hơn 2 km giúp người dân đi lại, vận chuyển nông sản.
Ngoài hỗ trợ cơ sở vật chất, dự án VnSAT cũng tổ chức nhiều buổi tập huấn khoa học kỹ thuật để giúp các thành viên HTX phát triển cà phê theo hướng bền vững.
Lãnh đạo HTX dịch vụ nông nghiệp Công Bằng Eakmat - Hòa Đông cho biết, đơn vị tham gia dự án VnSAT từ năm 2015, thời điểm này HTX mới hình thành, gặp nhiều khó khăn nên các thành viên họp bàn tìm hỗ trợ từ dự án.
Theo bà H'Oanh Niê Kdăm, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Công Bằng Eakmat - Hòa Đông, nếu không có Dự án VnSAT thì đơn vị này không có được cơ sở vật chất làm tiền đề phát triển như hiện nay. “Trước khi tham gia dự án, HTX không có định hướng rõ ràng. Các lãnh đạo, thành viên HTX chưa nắm bắt được quy trình sản xuất cà phê bền vững. Sau khi tham gia dự án đã giúp các thanh niên thay đổi tư duy canh tác một cách rõ ràng”, lãnh đạo này nói thêm.
Bà H'Oanh Niê Kdăm, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Công Bằng Eakmat - Hòa Đông: “Được bạn bè giới thiệu về dự án VnSAT. Sau đó, chúng tôi đăng ký tham gia và được cơ quan chức năng hỗ trợ, tạo điều kiện. Thời gian đầu HTX tham gia dự án VnSAT các thành viên được tập huấn về khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất cà phê bền vững. Qua quá trình tập huấn từ dự án, các thành viên nắm bắt được khoa học kỹ thuật và chuyển đổi theo từng mô hình phù hợp giúp nâng cao thu nhập, từ đó kinh tế gia đình được ổn định. Cũng nhờ dự án đã giúp các thành viên trong HTX gắn kết lại với nhau, trao đổi kinh nghiệm sản xuất sao cho hiệu quả cao nhất và biết quan tâm đến cộng đồng nhiều hơn”.
Trang thông tin có sự đồng hành của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam - VnSAT