| Hotline: 0983.970.780

Dự báo mưa lụt chưa sát thực tế, vượt qua mọi kịch bản ứng phó

Thứ Năm 16/11/2023 , 16:17 (GMT+7)

THỪA THIÊN -HUẾ Dù địa phương đã xây dựng 3 kịch bản ứng phó nhưng mưa lũ đã vượt qua mọi kịch bản. Lượng mưa đổ về các hồ chứa rất lớn khiến nhiều nơi còn lúng túng.

Người dân tiến hành dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa sau khi nước rút. Ảnh: Công Điền.

Người dân tiến hành dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa sau khi nước rút. Ảnh: Công Điền.

Đến chiều 16/11, thời tiết tại tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tốt dần lên. Tranh thủ trời hửng nắng người dân tiến hành dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, khắc phục hậu quả của đợt mưa lụt vừa qua.

Ngay khi nước vừa rút, vợ chồng ông Nguyễn Hiền ở thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên - Huế) bắt tay dọn dẹp nhà cửa. Đợt mưa lụt vừa qua, dù ông Hiền thường xuyên cập nhật thông tin thời tiết và có sự chuẩn bị trước nhưng vẫn không tránh được thiệt hại.

“Nước lụt lên nhanh quá, chỉ trong vòng mấy tiếng nước đã tràn vào nhà nên không kịp trở tay. Tôi phải gọi điện nhờ hàng xóm tới giúp kê cao các đồ vật điện tử lên nhưng vẫn bị ngập do mực nước cao quá”, ông Hiền chia sẻ.

Ông Hiền thừa nhận, đợt này người dân có phần chủ quan vì các đợt mưa trước các cơ quan dự báo chưa thật chuẩn xác. Điều này vô tình làm cho người dân thờ ơ với các bản tin dự báo thời tiết, dù được thông tin thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.

Đến chiều 16/11, một số tuyến đường ở thành phố Huế vẫn còn ngập cục bộ, giao thông đi lại gặp khó khăn. Ảnh: Công Điền.

Đến chiều 16/11, một số tuyến đường ở thành phố Huế vẫn còn ngập cục bộ, giao thông đi lại gặp khó khăn. Ảnh: Công Điền.

Là một trong những địa phương vùng trũng nằm ven sông Bồ, xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền) thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai. Mặc dù người dân đã quen sống với mưa lũ từ hàng trăm nay nhưng trong đợt mưa lụt vừa qua, đây là một trong những địa phương chịu khá nhiều thiệt hại.

Ông Hoàng Công Thông ở xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền) cho biết, đợt mưa lụt lần này vượt qua dự tính của những nông dân như ông. Chỉ sau một đêm toàn bộ 5 sào rau má và các loại rau màu của gia đình ông đều bị ngập úng, khả năng mất trắng hoàn toàn.

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế tặng quà người dân vùng lụt sáng 16/11. Ảnh: Công Điền. 

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế tặng quà người dân vùng lụt sáng 16/11. Ảnh: Công Điền. 

Theo ông Trần Kìm, Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ, do ảnh hưởng của mưa lụt nên gần 200 hộ của xã đều bị nước lụt nhấn chìm. Ngoài ra, nhiều diện tích hoa màu của người dân chuẩn bị cho vụ Tết Nguyên đán sắp tới nhiều khả năng mất trắng. “Hiện nước vẫn chưa rút hết nên công tác kiểm kê thiệt hại vẫn chưa thể tiến hành. Sau khi thời tiết tốt lên chúng tôi sẽ thống kê, kiểm đếm thiệt hại để có phương án hỗ trợ cho người dân”, ông Kìm thông tin.

Ngay trong sáng 16/11, khi nước lụt vừa rút, trong câu chuyện của phần lớn người dân tỉnh Thừa Thiên Huế đều xoay quanh những thiệt hại do mưa lũ gây ra. Có nhiều ý kiến khác nhau nhưng tựu trung đều cho rằng, đợt mưa lũ diễn ra trong thời gian ngắn nhưng để lại nhiều dư chấn trong lòng người dân địa phương.

Mực nước trên sông Hương vẫn đang rút chậm. Ảnh: Công Điền.

Mực nước trên sông Hương vẫn đang rút chậm. Ảnh: Công Điền.

Thống kế đến chiều 16/11 của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, mưa lụt đã làm 1 người chết, 1 người mất tích do lật ghe trong khi di chuyển về nhà. Mưa lớn cũng làm sạt lở đất đá vùi lấp và làm bị thương 2 người.

Mưa lụt làm khoảng 85% tuyến đường của 36 phường, xã của thành phố Huế bị ngập. Các tuyến đường khu vực Bắc sông Hương (Vạn Xuân, Chi Lăng, Bạch Đằng, Mai Thúc Loan ....) ngập bình quân 0,8-1,2m. Tại khu vực Nam sông Hương, các tuyến đường chính như Hùng Vương, Trường Chinh, Trần Quang Khải, Bến Nghé, Đống Đa, Tố Hữu, Lê Minh, Huỳnh Tấn Phát, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Hữu Thọ, Đặng Văn Ngữ, Phan Anh,... ngập bình quân 0,5-1m.

Nhiều người dân tỉnh Thừa Thiên Huế đặt câu hỏi về tính chính xác của dự báo thời tiết. Ảnh: Công Điền.

Nhiều người dân tỉnh Thừa Thiên Huế đặt câu hỏi về tính chính xác của dự báo thời tiết. Ảnh: Công Điền.

Cùng với đó, hơn 16.000 ngôi nhà của tỉnh Thừa Thiên - Huế bị nước nhấn chìm. Hàng chục tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường liên thôn, liên xã bị ngập cục bộ, gây chia cắt giao thông.

Điểm qua những con số thiệt hại và ý kiến người dân để thấy rằng, dù thiên tai là không thể lường nhưng các cơ quan chức năng cần phải đưa ra mọi kịch bản, phương án ứng phó. Cùng với đó, công tác dự báo thời tiết cũng cần phải chính xác hơn nữa. Nếu chính quyền, các cơ quan chức năng và người dân có sự phối hợp nhịp nhàng trong công tác ứng phó thiên tai thì việc giảm tối đa thiệt hại do gây ra là điều có thể thực hiện.

Tại buổi làm việc giữa Đoàn công tác Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng, chống thiên tai do ông Vũ Xuân Thành, Phó Chánh văn phòng làm Trưởng đoàn với lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vào chiều 15/11 và sáng 16/11, các ý kiến thống nhất đều cho rằng, công tác chỉ đạo và phối hợp với đơn vị quản lý hồ thủy lợi Tả Trạch và các hồ thủy điện được thực hiện nhịp nhàng, góp phần điều tiết hợp lý nguồn nước, vừa đảm bảo cắt lũ, vừa đảm bảo an toàn hồ đập.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, công tác dự báo lượng mưa trong đợt này chưa sát với diễn biến thực tế. Mặc dù địa phương đã xây dựng 3 kịch bản ứng phó nhưng diễn biến mưa lũ đã vượt qua mọi kịch bản. Lượng mưa đổ về các hồ chứa rất lớn khiến nhiều nơi còn lúng túng.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Sở NN-PTNT 13 tỉnh, thành phố vùng Trung bộ ký giao ước thi đua năm 2025

Ninh Thuận Khối thi đua Sở NN-PTNT 13 tỉnh, thành phố vùng Trung bộ đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.