Kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống ngành thủy sản Việt Nam, cuối giờ chiều 31/3, tại huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, Bộ NN-PTNT phối hợp UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức thả hơn 5 triệu con giống thủy sản xuống vùng biển huyện Vân Đồn.
Trong số hơn 5 triệu con giống thủy sản được thả về tự nhiên đợt này có 4,9 triệu con giống tôm sú, số còn lại là giống cá vược, cá chẽm và cá hồng Mỹ cùng một số loại thủy sản khác. Để chuẩn bị cho sự kiện này, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã bố trí 2 tàu kiểm ngư và một số phương tiện thực hiện thả con giống.
Dẫn thông tin trên báo chí về việc rác thải vẫn còn tồn tại ở Vịnh Hạ Long, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, việc thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản cần gắn với việc gìn giữ môi trường sống xanh, sạch của sông, của biển. "Thả cá xuống biển, đưa rác thải nhựa lên", cần là thông điệp hành động của tất cả chúng ta", Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.
Hoạt động thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản này đã khẳng định cam kết, vai trò của Việt Nam với quốc tế trong việc bảo tồn, gìn giữ, cân bằng hệ sinh thái biển trong quá trình phát triển kinh tế, đảm bảo hài hòa sinh kế của người dân.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan (thứ 2 từ phải sang), Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký (bìa phải), Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy (thứ 2 từ trái sang) và Cục trưởng Cục Kiểm ngư Nguyễn Quang Hùng (bìa trái) thả con giống thủy sản chiều 31/3.
Buổi lễ thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản ngày 31/3 thuộc chuỗi sự kiện do Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức, nhân kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống ngành Thủy sản và 10 năm ra mắt lực lượng Kiểm ngư.
Hoạt động ý nghĩa này được các địa phương trên cả nước triển khai đồng bộ nhằm góp phần quan trọng trong việc phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm. Với Quảng Ninh, trong những năm vừa qua, ngành thủy sản tỉnh luôn có vị trí vai trò quan trọng và đóng góp trên 55% giá trị sản xuất trong cơ cấu ngành nông, lâm, ngư nghiệp.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, thời gian sắp tới, các cơ quan quản lý chuyên ngành ở Trung ương và địa phương sẽ tiếp tục thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và hiểu biết pháp luật của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là ngư dân và vai trò của cộng đồng dân cư, trong việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.