| Hotline: 0983.970.780

Đưa gì về làng?

Thứ Sáu 28/02/2014 , 10:58 (GMT+7)

Ở nhiều làng quê bây giờ, người nông dân tự ví mình như những cánh chim. Miệt mài kiếm ăn, cắp nhiều thứ từ nơi khác về làm tổ. Đó là cách họ khẳng định, không thể sống được ở quê rồi.

Ở nhiều làng quê bây giờ, người nông dân tự ví mình như những cánh chim. Miệt mài kiếm ăn, cắp nhiều thứ từ nơi khác về làm tổ. Đó là cách họ khẳng định, không thể sống được ở quê rồi. Chỉ có điều, những cánh chim sau khi vắt hết sức lực ở xứ lạ, đến lúc quay về “tổ ấm” thì tả tơi, héo hắt.

>> Làng khuyết

Bệnh tật, chết chóc, góa bụa

Nếu phải tìm một điển hình nhất về vấn đề nông dân không thể bám làng để sống thì khó có nơi nào rõ nét hơn vùng muối Hộ Độ (huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Theo thống kê mới nhất, 80% lao động ở xã bãi ngang này phải bỏ làng đi tha phương. Sau tết, Hộ Độ vắng đến mức có cảm tưởng rằng đây là xã chỉ có người già và trẻ con mà thôi.

Từ xưa đến nay, nông dân Hộ Độ sống dựa vào nghề muối. Nhưng nếu nhìn vào một thống kê khác về nghề muối hiện tại của xã thì chẳng khác gì nông dân xứ này đang dựa vào một cái cột mục ruỗng.

Đồng muối Hộ Độ rộng gần 100 ha nhưng người dân chỉ còn làm chừng 35 ha. 36 hộ làm. Lực lượng nòng cốt SX muối nếu không phải ông già bà lão thì cũng mẹ góa, con côi. Tuyệt không thấy một người khỏe mạnh nào. Quá đau đớn cho một vùng muối nổi tiếng, nhưng mà hợp lý. Muối rớt giá thê thảm, lỗ liên tiếp nên ruộng bỏ hoang, dân bỏ làng là phải.


Sống bằng nghề muối nhưng Hộ Độ bây giờ chỉ còn người già hoặc trẻ con

Ông Phan Đình Hinh, Phó Chủ tịch UBND xã Hộ Độ, khá trăn trở trước thực trạng nông dân bỏ làng tha phương cầu thực nhưng lại không thể nghĩ ra cách gì để giữ dân ở lại. “Diêm dân vắt sức làm ra hạt muối, côi cút ngược xuôi tìm cách bán, không bán được thì phải rời làng kiếm sống thôi, chẳng còn cách nào khác”.

Dân Hộ Độ bỏ làng đã trở thành truyền thống. Cả xã có 1.823 hộ dân, 7.718 nhân khẩu, 13 xóm, xóm nào cũng bỏ làng hơn 2/3. Những chuyến rời làng do bí bách, cùng quẫn chứ họ không được lựa chọn. Nếu nghi ngờ thì cứ nhìn vào cuộc sống thường nhật ở Hộ Độ sẽ biết.

Trưởng thôn Vĩnh Phúc, ông Trương Quang Hợp dẫn tôi đi một vòng quanh làng. Vắng teo! Chỉ cách TP. Hà Tĩnh tầm 7 cây số thôi mà nơi này cứ như một thế giới khác. Thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Nhiều mái nhà tranh lụp xụp, hoặc giả những căn nhà gia chủ cố chuyển thành nhà xây nhưng xây đến nửa chừng thì kiệt sức, chưa hoàn thiện được. 

Ông Hợp nói rằng, bây giờ không sống được ở làng nữa nhưng bỏ làng đi bán sức lao động cũng chẳng khá khẩm gì. Đã thế, chính sách hộ nghèo lại bị cắt giảm vì người ta cứ tính rời làng thu nhập sẽ cao.

Vĩnh Phúc có 222 hộ, 21 hộ nghèo. Dường như con số này đã bị khống chế vì trưởng thôn Hợp nói rằng thực tế còn nhiều hơn. Tôi muốn đến một vài gia đình, ông trưởng thôn cũng mạnh dạn khuyên nên tìm những nhà nào có người ở nhà, bởi nếu gọi điện mà mình không có gì cho thì lại tội người ta.

Thôn Vĩnh Phúc có khá nhiều góa bụa, nhiều người tâm thần, nhiều người bệnh tật… Đó là hậu quả của một thời gian dài các ông chồng bỏ làng đi làm ăn không may gặp tai nạn lao động, bệnh tật lần lượt qua đời.

Ông trưởng thôn vừa bấm ngón tay vừa đếm: Bà Khánh, bà Lương, chị Ánh, chị Thụ, chị Hương... Phụ nữ góa chồng, đàn ông góa vợ. Anh Trần Quang Sáng vợ chết, một mình nuôi 3 đứa con với một mẹ già. Tất cả đều là hệ lụy từ chuyện rời làng mà ra cả.

Căn nhà của mẹ con bà Nguyễn Thị Lương (60 tuổi) rách như tổ đỉa. Bà Lương cũng là một góa bụa. Chồng mất sớm vì bệnh tật. Một mình bà nuôi hai đứa con, cả hai lại thuộc dạng “ăn rồi nói chưa” nên càng thêm khổ. Chưa bao giờ bà Lương dám đi khám dù biết trong người mình đủ thứ bệnh.

Mỗi ngày bà đạp xe theo cánh đàn ông trong làng đi làm thợ đụng. Chẳng dám nề hà việc gì, bởi chê việc đồng nghĩa với đói. Hai thằng con dù thương lắm nhưng cũng phó mặc chúng, không chăm sóc, thuốc men, muốn làm gì thì làm.


Căn nhà rách như tổ đỉa của mẹ con bà Lương

Trưởng thôn Hợp nói: "Bố mẹ bỏ làng đi làm ăn xa thì con cái có nhiều nguy cơ dính vô nghiện ngập, tệ nạn. Ở Hộ Độ bây giờ cứ 10 giờ đêm là công an đi tuần theo lệnh giới nghiêm, nhưng trẻ con vẫn cứ bập vào quán nét, trộm cắp như thường".

74 tuổi vẫn rời làng mưu sinh

Đàn ông Hộ Độ đã rời làng đi gần hết. Mấy năm nay đàn bà cũng phải đi. Cánh phụ nữ vùng muối tự chia thành hai dạng. Có con nhỏ, cha mẹ già ốm đau thì lên thành phố hoặc đi những tỉnh gần. Còn không vướng víu gì thì đi biền biệt, vào Tây Nguyên, lên Tây Bắc… Người Hộ Độ nói rằng, họ là vùng quê dân bỏ làng đi nhiều nhất. Đến người già, đàn bà con gái, trẻ con còn phải đi thì còn ai nữa?

Buổi sáng đứng ở cầu Hộ Độ có thể bắt gặp hàng trăm người phụ nữ vùng quê này rồng rắn đạp xe rời làng. Đi nhiều đến mức, xã Hộ Độ phải kêu gọi lên cấp trên xin chính sách hỗ trợ việc làm để giữ họ ở lại với gia đình, nhưng vô vọng.


Phụ nữ Hộ Độ đạp xe đi làm thuê

Ông Phan Đình Hinh kể, năm ngoái UBND tỉnh Hà Tĩnh có chủ trương phát triển chăn nuôi, nhưng mức hỗ trợ thấp, qui mô lại cao nên không nhà nào theo nổi. Đàn bà ở vùng muối Hộ Độ bây giờ cũng không còn khái niệm độ tuổi lao động nữa. Từ những thiếu nữ mới học xong đến các cụ bà sáu bẩy chục tuổi đều có thể phải rời làng đi làm thuê.

Phải đợi mất một ngày mới gặp được bà Đào Thị Khánh (74 tuổi), một trong những người phụ nữ già nhất ở Hộ Độ đang phải rời làng kiếm sống. Sinh ra làm nông dân đã khổ, nông dân làm muối lại càng khổ mà khổ như bà Khánh lại ít người bì. Chồng chết sớm để lại cho bà hai đứa con. Ngày trước, thời muối còn được giá ba mẹ con còn có thể nuôi nhau. Đến thời giá muối lao dốc, mẹ con bà lần lượt bỏ làng đi làm thuê hết.


Đã 74 tuổi nhưng bà cụ Khánh vẫn phải rời làng kiếm sống

Người con gái đầu tên là Nguyễn Thị Hương đi cắt cỏ thuê tận trong Đồng Nai. Đi được một thời gian thấy người ta báo tin về bị tai nạn chết. Con trai thứ tên Nguyễn Danh Quyền, không dám lấy vợ để dành sức đi làm thuê nuôi mẹ, nhưng đi biền biệt cả năm mới về một lần mà chẳng đỡ đần mẹ được đồng nào. Năm ngoái có về vay ngân hàng làm cái nhà để bà Khánh ở. Xây được phần thô xong lại bỏ đi vì tiền cạn.

Nhà không xong, lại phải gánh khoản nợ gần 80 triệu đồng nên ở tuổi 74, bà Khánh vẫn phải theo cánh phụ nữ làng lên TP. Hà Tĩnh tìm việc làm kiếm sống qua ngày. Mỗi ngày bà kiếm được khoảng 10 ngàn. Trong nhà hầu như chẳng có vật dụng gì đáng giá.

Tôi hỏi bà Khánh chuyện hộ nghèo, những mong có chính sách hỗ trợ gì đó để cho bà đỡ khổ. Không. “Nhà tui có được hộ nghèo mô chú. Xin mãi nhưng thôn với xã không cho vào danh sách. Họ nói là tui có con trai nuôi, nhưng thằng Quyền đi biền biệt, nỏ gửi tiền nuôi được ngày mô”, giọng bà Khánh khắc khổ. (Hết)

 

Năm 2010, khi quy hoạch lại ruộng đất theo Chương trình xây dựng NTM, Hộ Độ đưa 55 ha vào quy hoạch SX muối sạch, những mong sẽ có chương trình hỗ trợ từ cấp trên để phục hồi lại nghề muối. Tỉnh Hà Tĩnh cũng ban hành Quyết định 24 để hỗ trợ.

Theo quyết định này, xã phải đối ứng 30% khi làm kênh mương nội đồng, mỗi km gần 1 tỷ đồng. Một mương thôi đã 15 tỷ rồi. Hỗ trợ kiểu ấy khiến diêm dân bỏ ruộng muối rời làng ngày một đông hơn. Chỉ những dịp quan trọng hay có chương trình phổ biến pháp luật, thậm chí là đào tạo nghề xã mới cho người bủa đi tìm. Phó Chủ tịch xã Hộ Độ Phan Đình Hinh

 

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Vụ học sinh Khánh Sơn ngộ độc: Phát hiện rong biển cơm cuộn có vi khuẩn

Cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa đã kết thúc điều tra, chỉ ra nguyên nhân 29 học sinh ở huyện Khánh Sơn bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cơm cuộn.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm