| Hotline: 0983.970.780

Đưa nghề trồng nấm về ngoại thành

Thứ Hai 08/10/2012 , 10:23 (GMT+7)

Từ đầu năm 2012, Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật (Viện Di truyền nông nghiệp) phối hợp với Sở LĐ-TB&XH Hà Nội mở các lớp dạy nghề trồng nấm,...

Nắm bắt được nhu cầu khát việc làm tại xã ngoại thành của Thủ đô, từ đầu năm 2012, Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật (Viện Di truyền nông nghiệp) phối hợp với Sở LĐ-TB&XH Hà Nội mở các lớp dạy nghề trồng nấm, mục tiêu mang đến cho người dân ven đô một nghề mới có thu nhập ổn định.

ĐÀO TẠO THEO ĐƠN ĐẶT HÀNG

Ông Nguyễn Duy Trình, PGĐ Trung tâm CNSH thực vật chia sẻ, theo ký kết với Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, năm 2012 trung tâm sẽ đào tạo nghề trồng nấm theo "Chương trình 1956" cho 6 huyện ngoại thành: Phú Xuyên, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Quốc Oai, Sóc Sơn và Thanh Trì. Đến thời điểm hiện tại, trung tâm đã hoàn thành 7/11 lớp dạy nghề cho 250 học viên của 8 xã. Ông Trình đánh giá rất cao tinh thần học tập của nông dân, phần lớn bà con sau khi học xong đều nắm vững kỹ thuật và tự chủ động SX nấm tại nhà. Nhiều người còn mạnh dạn hợp tác với trung tâm để gắn kết việc SX và tiêu thụ nấm tươi.

Nhằm tăng hiệu quả chương trình dạy nghề, Trung tâm CNSH thực vật cử cán bộ, giáo viên về tận xã trực tiếp giảng dạy ngay tại nhà dân. Song song với đó, mỗi xã trung tâm phối hợp với chính quyền địa phương “vực” thành công một mô hình trồng nấm quy mô trang trại, gia trại để làm nơi tham quan, thực hành cho các học viên, vừa rèn được tay nghề lại có thêm thu nhập.

Đồng thời, đây sẽ là địa điểm thu mua nấm tươi cho trung tâm sau này khi hình thành được một mạng lưới SX nấm quy mô lớn. Bên cạnh việc được trực tiếp học làm nấm trong thời gian 3 tháng, các học viên còn được đi tham quan tại Trung tâm Nấm Văn Giang (Hưng Yên) để mở mang thêm kiến thức, nhiệt huyết và khí thế gắn bó với nghề trồng nấm.


Cán bộ kỹ thuật Trung tâm CNSH thực vật kiểm tra việc trồng nấm tại xã Đông Xuân, Thanh Oai

Là một trong những địa phương đi đầu trong phong trào đưa nghề trồng nấm tới nông dân, Chủ nhiệm HTX Nấm & dịch vụ Hải Tiến (xã Đông Xuân, Quốc Oai) Hoàng Văn Tiến khoe, sau khi được Trung tâm CNSH thực vật dạy nghề, gần như tất cả 43 học viên đã tự SX nấm, trước phục vụ bữa ăn trong gia đình, sau nhiều hộ đã có nấm đem bán ra thị trường. Mùa nào thức nấy, hè thì trồng nấm rơm, sang thu đông thì trồng nấm sò, nấm mỡ, nhiều hộ trồng được cả nấm linh chi.

“Trước đây, sau mỗi vụ thu hoạch lúa, người dân xã tôi lại lũ lượt kéo nhau đi làm thuê, làm mướn tứ xứ. Nhưng từ khi có nghề trong tay, bà con đã ở nhà trồng nấm, có bao nhiêu rơm rạ họ vơ vét sạch, đường làng ngõ xóm, kênh mương cũng vì thế mà thông thoáng hẳn”, anh Tiến tâm sự.

Cùng Chủ nhiệm HTX Nấm & dịch vụ Hải Tiến đi thăm và kiểm tra một vòng các hộ trồng nấm ở xã Đông Xuân, chúng tôi thấy ấn tượng với gia đình anh Nguyễn Thanh Sang ở thôn Đồng Bò. Trước đây anh Sang làm công nhân phụ hồ khắp trong Nam ngoài Bắc. Trong một lần về thăm nhà thấy có lớp dạy nghề trồng nấm nên tò mò đến xem rồi thích luôn. Dù đăng ký học muộn hơn các học viên khác cả tuần, nhưng nhờ say mê nên sau khi kết thúc khóa đào tạo, anh bắt tay vào dựng nhà xưởng và trồng nấm.

 Với 100 m2 nhà xưởng, hiện mỗi ngày Sang thu hoạch trên 3 cân nấm rơm tươi, cộng với thu gom từ các hộ khác, anh đem bán vào mấy nhà chùa ở nội thành hết sạch, thu nhập bình quân luôn ổn định ở mức 4- 5 triệu đồng/tháng, chẳng thua kém đi làm công nhân, song lại nhàn nhã.

CẦN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ

Qua khảo sát, tham quan các xã mở lớp dạy nghề trồng nấm ở ngoại thành Hà Nội, chúng tôi nhận thấy hiệu quả từ chủ trương là không thể phủ nhận, song có một thực tế cả phía Trung tâm CNSH thực vật và Sở LĐ-TB&XH đều thừa nhận, đó là quy mô SX nấm của học viên sau đào tạo phần lớn chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ, tự phục vụ nhu cầu gia đình là chính.

“Hiện nay hầu hết học viên sau học nghề vẫn còn nghe ngóng không dám SX với quy mô lớn. Nhưng tôi khẳng định, bà con làm nấm ra đến đâu sẽ hết đến đó vì nhu cầu nấm của Thủ đô hiện nay lên tới 50 tấn/ngày. Giả dụ nếu không bán hết, chúng tôi sẽ thu mua lại toàn bộ theo giá thị trường để bán cho Cty Chế biến nấm Hải Dương. Hiện, mỗi năm Cty này cần tới 35.000 tấn nấm tươi để chế biến XK nhưng sản lượng nấm của nước ta mới đạt 270.000 tấn/năm, ăn tươi còn chưa đủ chứ chưa nói gì đến chế biến”, PGĐ Trung tâm CNSH thực vật Nguyễn Duy Trình.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, một phần do tâm lý của bà con sợ làm ra nhiều không có đầu ra, mặt khác khi trồng nấm với quy mô lớn sẽ đòi hỏi chi phí đầu tư khá lớn cho nhà xưởng và các thiết bị phục vụ việc bảo quản, sơ chế nấm tươi.

Theo PGĐ Trung tâm CNSH thực vật Nguyễn Duy Trình, để đề án 1956 đạt hiệu quả cao hơn nữa rất cần có chính sách hỗ trợ sau đào tạo để nhân rộng các mô hình. Để làm được việc này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban ngành của địa phương. Ví dụ, như Sở TN-MT hỗ trợ tiền dành cho việc bảo vệ môi trường từ việc hạn chế đốt rơm rạ chuyển sang để người dân trồng nấm, một "mũi tên trúng được hai đích".

Đồng tình quan điểm này, bà Hoàng Thu Phong, Trưởng phòng Quản lý đào tạo nghề (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) nhấn mạnh, các xã ngoại thành là địa bàn phù hợp để dạy nghề trồng nấm vì có nguồn nguyên liệu rơm rạ, mùn cưa, lõi ngô rất rồi rào. Vị trí địa lý gần trung tâm nên đầu ra cho sản phẩm vô cùng thuận lợi. Kinh phí và chi phí dành cho việc trồng nấm không quá lớn với người nông dân.

Chính vì vậy, TP. Hà Nội xác định, trồng nấm là một nghề cần đầu tư, chú trọng vào những năm tiếp theo.

Xem thêm
Nghệ An: Tôm chết hàng loạt, nghi do bệnh mới

Tôm chết nhiều trên diện tích khoảng 25ha, trong đó phần đa xuống giống chưa được bao lâu. Đây là hồi chuông báo động đối với nghề hoàng kim một thời ở Nghệ An.

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối nhiều ngày, ngư dân khốn đốn

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối khiến ngư dân như ngồi trên đống lửa. Nhiều chủ tàu cập cảng tại Quảng Trị rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm