Thiệt đơn thiệt kép
Thời điểm này đang là chính vụ khai thác cá Nam nhưng tại nhiều điểm neo đậu dọc bờ biển Quảng Trị, không khí trầm lắng hẳn. Tại các cảng cá, số tàu cập cảng bốc dỡ cá chỉ đếm được trên đầu ngón tay. 10 ngày nay, tàu không thể vươn khơi, ngư dân như ngồi trên đống lửa.
Ngư dân Nguyễn Ngọc Thiên, chủ tàu QT-96869 có công suất 720 CV, chiều dài 18m trú tại khu phố 5, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh (tỉnh Quảng Trị) cho biết, tàu của ông thuộc diện bắt buộc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình mới đủ điều kiện vươn khơi.
Ngày 16/4, sau khi tàu QT-96869 cập cảng cá Bắc Cửa Việt và tiếp xong nhiên liệu, vật tư chuẩn bị đi chuyến mới thì nhận được thông báo thiết bị giám sát hành trình không có tín hiệu và không đủ điều kiện vươn khơi.
Những tưởng, sự cố liên quan đến tín hiệu giám sát hành trình sẽ sớm được khắc phục. Tuy nhiên, đã 10 ngày trôi qua, thiết bị giám sát hành trình vẫn chưa có tín hiệu khiến ông Thiên đứng ngồi không yên.
Theo ông Thiên, với việc vay 2 tỷ đồng từ ngân hàng, vay nóng để đóng tàu, bình quân, mỗi tháng gia đình ông phải trả lãi trên dưới 20 triệu đồng, chưa kể tiền gốc. Vì vậy, tàu nghỉ 1 ngày đi biển trong thời điểm mùa đánh bắt cá Nam đang vào chính vụ đồng nghĩa với việc vợ chồng, con cái ông sẽ phải chạy vạy từng bữa.
Không chỉ gia đình ông Thiên, tại Quảng Trị hiện có 120 chủ tàu đang sử dụng thiết bị giám sát hành trình của Tập đoàn VTC và mạng viễn thông Vinaphon thông qua vệ tinh Thuraya do VNPT (Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam) cung cấp cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Nhiều tàu cá đã nằm im tại các khu neo đậu ven biển Quảng Trị cả chục ngày nay. Không thu được đồng nào từ việc khai thác hải sản nhưng tiền lãi, tiền gốc vay đóng tàu vẫn phải nộp khiến nhiều chủ tàu mất ăn mất ngủ.
“Riêng tiền tiếp vật tư đầu vào, chưa tính chi phí nhiên liệu cho 2 tuần đi biển của gia đình tôi đã gần 40 triệu đồng. Đó là chưa kể 6 lao động trên tàu không có việc làm, không có thu nhập trong khi lãi ngân hàng vẫn phải trả đều. Thiết bị giám sát hành trình có tín hiệu là yêu cầu bắt buộc để tàu được vươn khơi nhưng không ngờ đã mất tiền dịch vụ rồi lại còn không được ra khơi đánh cá nữa”, ông Thiện rầu rĩ.
Một thành viên Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tỉnh Quảng Trị cho hay, nhu cầu ra khơi đánh bắt cá vụ Nam hiện nay rất lớn. Tuy nhiên, vì lý do an toàn và theo đúng quy định của Luật Thủy sản, các cơ quan chức năng tại tỉnh Quảng Trị không thể cho phép các tàu cá xuất cảng. Điều này khiến nhiều ngư dân bức xúc, lo lắng.
“Hiện nay có 3 tàu cá của Quảng Trị xuất cảng vào ngày 15/4 đi đánh bắt xa bờ. Cả 3 tàu cá này đều sử dụng vệ tinh Thuraya do VNPT cung cấp và đều mất tín hiệu kết nối. Nếu thời tiết xấu xẩy ra thì không biết liên lạc, cảnh báo bằng cách nào. Hơn nữa, theo quy định, khi tàu mất kết nối sẽ không có căn cứ để hỗ trợ chi phí nhiên liệu. Vấn đề này nếu không được khắc phục sớm thì ngư dân sẽ rất khó khăn”, vị đại diện này chia sẻ.
Giải tán lao động nhưng vẫn phải trả lương
Những ngày cuối tháng 4, trời nóng như thiêu như đốt nhưng không ít ngư dân ngoại tỉnh cập bờ tại các cảng cá ven biển tỉnh Quảng Trị chỉ vào ra khu vực các cảng cá và các khu neo đậu để trông coi tàu thuyền. Tiền ăn, tiền ngủ, chi phí sinh hoạt phát sinh khiến nhiều chủ tàu phải lo chi phí cho bạn nghề bắt xe về quê. Không biết đến lúc nào, những con tàu mới tiếp tục vươn khơi.
Để giữ bạn nghề, các chủ tàu đều phải xuất tiền lộ phí cho các lao động về quê kèm theo tiền công đi khai thác.
Ông Lê Bá Khỏe, chủ tàu NA- 90213, quê tại thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) cho hay, từ ngày 18/4, ông và các bạn thuyền vào cảng cá Bắc Cửa Việt để tiếp vật tư nhiên liệu. Tuy nhiên, tín hiệu thiết bị giám sát hành trình mất nên phải neo đậu tại đây. Tiền dịch vụ, tiền ăn uống, chi phí… tất tần tật cũng hết mấy triệu đồng/ngày. Cả con tàu có 8 lao động, ai cũng chán nản, muốn về quê. Ông đành tạm chi cho mỗi người 5 - 7 triệu đồng để về. Trên con tàu khai thác xa bờ chỉ còn lại 2 cha con ông ở lại trông.
“Mỗi chuyến biển tôi thường đi 4 - 5 ngày. Vụ cá Nam năm nay đang thuận lợi, trừ chi phí, mỗi chuyến như thế ít cũng lãi được 100 - 150 triệu đồng, may mắn có thể được vài trăm triệu đồng. Đang phấn chấn vì được mùa cá thì thiết bị giám sát hành trình gặp sự cố, chủ tàu không những thất thu mà còn phải chi tiền lương để giữ bạn nghề, nộp tiền lãi suất, tiền gốc hàng tháng. Chỉ mong vài ngày nữa sẽ được vươn khơi”, ông Khỏe nhìn ra phía con tàu đang neo đậu nói với vẻ đầy suy tư.
Ông Lê Văn Đức, chủ tàu cá NA-90288, quê thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Nghề lưới chụp của ông, nếu may mắn có thể lãi 200 - 300 triệu/chuyến biển 5 - 7 ngày. Nhưng nay, biển không đi được, một mình ông phải ở lại canh tàu, còn các bạn thuyền đã bỏ về quê.
“Trước lúc về, tôi cũng phải chi tiền cho các bạn thuyền nhưng không biết rồi họ có quay lại làm nghề với mình nữa không”, ông Đức lo lắng.
Trước việc 120 tàu của địa phương và nhiều tàu cá của các địa phương khác đang neo đậu tại các huyện ven biển không thể ra khơi do mất thiết bị giám sát hành trình, ngày 25/4/2024, Sở NN-PTNT Quảng Trị đã gửi công văn Bộ NN-PTNT, Cục Thủy sản.
Theo đó, việc mất tín hiệu ảnh hưởng đến công tác quản lý, giám sát tàu cá và sản xuất của bà con ngư dân địa phương.
Để có cơ sở triển khai thực hiện đúng quy định và tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi bám biển, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị đề nghị Bộ NN-PTNT hướng dẫn các phương án xử lý trong trường hợp những ngày tới thiết bị giám sát hành trình vẫn tiếp tục mất tín hiệu.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Phòng Khách hàng doanh nghiệp (Trung tâm kinh doanh thuộc VNPT Quảng Trị) cho hay, dù là đơn vị cung cấp dịch vụ mạng viễn thông nhưng VNPT Quảng Trị không thể có phương án khắc phục bởi Thuraya là vệ tinh mà Tập đoàn VNPT thuê của một đối tác tại Hàn Quốc. Trước sự cố nói trên, đến nay, đối tác này cũng chưa có phản hồi.
“Khó khăn là thiết bị giám sát hành trình của Tập đoàn VTC cung cấp chỉ sử dụng được mạng Vinaphon thông qua vệ tinh Thuraya, không thể sử dụng bất cứ một mạng viễn thông nào khác. Đây là sự cố ngoài tầm kiểm soát, sắp tới nếu được đề xuất, chúng tôi sẽ kiến nghị các phương án dự phòng theo hướng điều chỉnh để các thiết bị có thể dùng chung mạng viễn thông khi sự cố xẩy ra”, ông Hùng cho hay.
Khi được hỏi, thời gian mạng viễn thông bị mất tín hiệu, khách hàng có phải trả tiền cước phí và có được đền bù thiệt hại hay không, ông Hùng cho biết, điều này phải căn cứ theo hợp đồng và thuộc thẩm quyền, quyết định của Tập đoàn VNPT.