Tại Diễn đàn kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên năm 2021 sáng 25/9, nhiều ý kiến được đưa ra để tăng sức hấp dẫn cho nông sản khu vực này.
Đẩy mạnh mẫu mã, thương hiệu
Ông Paul Lê, đại diện Central Retail cho biết, để kết nối với 5 tỉnh Tây Nguyên, hệ thống siêu thị sẽ hỗ trợ tất cả các sản phẩm OCOP để đưa đến với người tiêu dùng Việt Nam. Ngoài ra, Tây Nguyên cũng có nhiều sản phẩm hàng đầu thế giới, do đó doanh nghiệp sẽ hỗ trợ các nhà sản xuất về bao bì và thương hiệu để tiếp cận tốt hơn với khách hàng nước ngoài.
“Các tỉnh Tây Nguyên là nguồn cung rất lớn cho các siêu thị của Central Retail cả về sản phẩm tươi sống lẫn chế biến và chúng tôi đã có nhiều hoạt động để quảng bá sản phẩm của khu vực này đến trụ sở của Central Retail tại Thái Lan, ví dụ như cà phê sữa đá”, ông Paul Lê cho biết thêm.
Theo đại diện của Central Retail, điều cần làm hiện nay là chúng ta phải hợp tác với nhau để làm sao nâng cao được thương hiệu cho các nông sản của Tây Nguyên. Trong tương lai, Central Retail sẽ xây dựng thêm nhiều trung tâm thương mại thương hiệu GO! để giúp người tiêu dùng Đông Nam Á tiếp cận sản phẩm Việt Nam và ngược lại.
Chia sẻ sâu hơn về thị trường trong nước, bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ cho rằng, các sản phẩm của Tây Nguyên có rất nhiều đặc sản và có mặt tại nhiều siêu thị lớn của cả nước nhưng mong muốn địa phương vào cuộc tích cực hơn để các nhà bán lẻ có thể làm việc trực tiếp với nhà sản xuất để đưa sản phẩm tiếp cận rộng hơn với người tiêu dùng.
“Các nhà bán lẻ luôn rộng cửa chào đón các nhà sản xuất để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Nhưng 2 bên cũng cần mối liên kết chặt chẽ hơn, đặc biệt là trong điều kiện dịch bệnh để có thể bán hàng đa kênh, đưa sản phẩm tốt nhất ra thị trường”, bà Hậu nói.
Đại diện Hiệp hội bán lẻ ví dụ, các sản phẩm như sầu riêng, bơ khi đến Hà Nội thì người tiêu dùng cần phải biết khi nào thì ăn được, ăn ngon nhất. Muốn giải quyết được vấn đề này, cần có sự liên kết, tư vấn từ nhà sản xuất với nhà bán lẻ, khi thực hiện được điều này thì thương hiệu của cả 2 bên đều được nâng lên trong lòng người tiêu dùng.
Ngoài ra, bà Hậu cũng gợi ý về việc xây dựng những gian hàng OCOP vùng miền đặc trưng để người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận sản phẩm hơn, đặc biệt Tây Nguyên là khu vực có nhiều sản phảm OCOP đặc trưng.
“Rất mong các địa phương, ngoài mong muốn tiêu thụ sản phẩm thì cần tạo điều kiện cho nhà sản xuất, nhà bán lẻ lưu thông hàng hóa được thuận tiện, giảm chi phí trung gian”, bà Hậu kiến nghị thêm vì việc chi phí tăng sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của khối bán lẻ.
Mở rộng mô hình trạm trung chuyển, thu mua nông sản
Theo bà Trần Kim Nga, Giám đốc Đối ngoại Mega Market, hiện nay 5 tỉnh Tây Nguyên là nguồn cung lớn cho các siêu thị của Mega Market, đặc biệt là Lâm Đồng với 15.000 tấn rau củ quả, Đăk Lăk là bơ, chanh leo, sầu riêng, Đăk Nông là chanh leo, khoai lang còn Gia Lai và Kon Tum thì đang làm việc để mở rộng nguồn cung.
Để tăng hiệu quả liên kết, theo bà Nga, Mega Market đang phối hợp với Lâm Đồng, thành lập trạm thu mua, trung chuyển tại địa phương, từ đó làm việc trực tiếp với nông dân bằng cam kết sản lượng, sản phẩm, xuyên suốt từ lúc chọn giống đến khi thu hoạch để có sản phẩm tươi ngon, chất lượng và an toàn.
“Các kỹ sư nông nghiệp của Mega Market sẽ làm việc tại trạm cùng nông dân để phát triển bền vững, thu hoạch được những sản phẩm tốt, đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ và xuất khẩu của Mega Market. Đây là một mô hình tốt và thành công khi Mega Market làm việc và giúp đỡ nông dân trong quá trình sản xuất”, bà Trần Kim Nga chia sẻ.
Khi làm việc với các địa phương, Giám đốc Đối ngoại của Mega Market hy vọng được hợp tác để phát triển bền vững để người nông dân yên tâm về đầu ra, chắc chắn được tiêu thụ khi thu hoạch.
“Mega Market mong muốn xây dựng mô hình như ở Lâm Đồng với các địa phương khác như Kon Tum, Đăk Nông”, bà Nga nhấn mạnh và chia sẻ thêm với riêng Lâm Đồng, hy vọng tỉnh có chính sách chống dịch linh hoạt, sát với thực tế để tạo điều kiện cho doanh nghiệp lưu thông hàng hóa được thuận lợi.