| Hotline: 0983.970.780

Vụ mùa thắng lợi vùng Đông Nam Bộ - Tây Nguyên

Thứ Hai 20/09/2021 , 15:52 (GMT+7)

Vụ hè thu 2021, Công ty Dịch vụ nông nghiệp Lộc Trời đã liên kết sản xuất lúa và được mùa lớn ở 5 tỉnh khu vực Đông Nam Bộ - Tây Nguyên.

Ông Trần Ngọc Dũng, tổ trưởng tổ hợp tác Trần Ngọc Dũng ở Thị trấn Lương Sơn, huyện Bắc Bình (Bình Thuận) cảm thấy rất vui khi thu hoạch xong 2ha lúa vụ hè thu năm nay.

Cả 2ha lúa của ông vụ này đều đạt năng suất từ 6,5 - 7 tấn/ha, cá biệt có nơi hơn 8 tấn/ha, sản lượng cao chưa từng có trong gần 20 năm làm ruộng của ông cùng các thành viên trong tổ hợp tác. Giá lúa bán từ 5.500 - 5.900 đ/kg. 

Đây là thành quả từ việc hợp tác liên kết sản xuất của ông cùng Công ty Dịch vụ nông nghiệp Lộc Trời (Tập đoàn Lộc Trời) khu vực Đông Nam Bộ - Tây Nguyên.

Lúa OM18 trên cánh đồng ở huyện Bắc Bình. Ảnh: Lộc Trời.

Lúa OM18 trên cánh đồng ở huyện Bắc Bình. Ảnh: Lộc Trời.

Vừa tiết kiệm chi phí, vừa được mùa lớn

Từ đầu năm 2021, tổ hợp tác Trần Ngọc Dũng đã bắt đầu liên kết với Công ty Dịch vụ nông nghiệp Lộc Trời tổ chức sản xuất lúa theo quy trình canh tác tiên tiến do Lộc Trời áp dụng.

Đây là hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, đồng thời thực hiện Nghị định số 62/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 về quản lý, sử dụng đất trồng lúa và chuyển đổi giống lúa canh tác. Trong vụ đông xuân, diện tích liên kết sản xuất là 35ha.

Vụ hè thu lần này, tổ hợp tác Trần Ngọc Dũng tăng diện tích liên kết sản xuất lên 65ha, là 1 trong 4 tổ hợp tác tại huyện Bắc Bình chuyển đổi sang canh tác giống lúa OM18 theo quy trình canh tác của Lộc Trời, thay cho những giống truyền thống trước đây đã giảm chất lượng.

Ban đầu, bà con nông dân cũng còn e ngại do chưa quen giống mới, sợ xung đột với khí hậu, thổ nhưỡng… Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của lực lượng kỹ sư nông nghiệp “3 cùng” của Tập đoàn Lộc Trời, cùng việc áp dụng nghiêm túc quy trình canh tác của Lộc Trời, việc canh tác OM18 đã mang lại nhiều hiệu quả cho bà con.

Theo ông Dũng, canh tác giống OM18 rất ít sâu bệnh, chi phí cũng giảm do từ việc tiết kiệm giống. Theo thói quen canh tác của bà con, lượng giống sạ bình quân khoảng 30 – 35 kg/1.000m2 (1.000m2 bằng với 1 sào của địa phương). Khi chuyển đổi sang giống OM18, bà con đã giảm lượng giống, trung bình chỉ còn khoảng 20 – 22 kg/1.000m2, giúp tiết kiệm được khoảng 1,5 triệu/ha tiền giống.

Anh em kỹ sư '3 cùng' của Lộc Trời cùng hỗ trợ nông dân vận chuyển lúa về nhà tại Bắc Bình, Bình Thuận. Ảnh: Lộc Trời.

Anh em kỹ sư "3 cùng" của Lộc Trời cùng hỗ trợ nông dân vận chuyển lúa về nhà tại Bắc Bình, Bình Thuận. Ảnh: Lộc Trời.

Theo ông, lượng giống này còn cao so với khuyến cáo nên sắp tới, anh em kỹ sư “3 cùng” tiếp tục hỗ trợ tư vấn cho bà con nông dân, phấn đấu đến vụ đông xuân năm 2021 - 2022 sẽ tiếp tục giảm lượng giống còn 15 - 18 kg/1.000m2.

Bà con nông dân cũng tiết kiệm được tiền phân bón trong suốt mùa vụ. Đơn cử, ở giai đoạn 10 – 15 ngày sau sạ, ở cữ phân đầu tiên, bà con thường sử dụng từ 80 – 150 kg/ha, nhưng với quy trình của Lộc Trời, bà con chỉ cần sử dụng từ 50 – 60 kg phân đạm black/ha, nhưng vẫn giúp cây lúa cầm màu lâu và bộ rễ phát triển tốt. Như vậy, trên mỗi ha, bà con tiết kiệm được từ 30 – 40 kg cho mùa vụ.

Thời điểm này đang là giai đoạn thu hoạch lúa hè thu ở Bắc Bình. Một điểm đặc biệt là bà con nơi đây sử dụng xe bò để thu gom và vận chuyển lúa đến điểm tập kết. Các anh em “3 cùng” của Lộc Trời cũng hỗ trợ bà con nhiệt tình trong mùa thu hoạch, kể cả việc điều khiển xe vận chuyển. Tất cả mọi người đều rạng rỡ trong một mùa vui.

Mở rộng liên kết sản xuất vụ thu đông

Hiệu quả vượt trội ở Bắc Bình không phải là trường hợp cá biệt. Vụ hè thu năm nay, Công ty Dịch vụ nông nghiệp Lộc Trời đã liên kết sản xuất ở 14 huyện thuộc 5 tỉnh khu vực Đông Nam Bộ - Tây Nguyên bao gồm Bình Thuận, Đồng Nai, Tây Ninh, Đăk Lăk, Gia Lai, với tổng số 32 HTX, tổ hợp tác trên tổng diện tích 2.614ha.

Các giống được trồng chủ yếu là OM18 và OM5451 (giống lúa xuất khẩu chủ lực của Việt Nam do Lộc Trời cung cấp). Kết quả đến thời điểm này, tất cả các khu vực canh tác đều đạt năng suất cao. Lộc Trời cũng hỗ trợ bà con trong khâu tiêu thụ sản phẩm.

Lộc Trời cùng chung tay vào thắng lợi lớn vụ mùa và hè thu tại các tỉnh Đông Nam Bộ - Tây Nguyên. Ảnh: Lộc Trời.

Lộc Trời cùng chung tay vào thắng lợi lớn vụ mùa và hè thu tại các tỉnh Đông Nam Bộ - Tây Nguyên. Ảnh: Lộc Trời.

Vụ hè thu vừa qua là một chuyển biến lớn của hơn 20 thành viên trong tổ hợp tác xã Lương Sơn. Giống lúa mới được bà con hưởng ứng nhiều, và đặc biệt là quy trình của Lộc Trời cùng sự hỗ trợ của lực lượng “3 cùng” rất hiệu quả.

Thời điểm chuẩn bị xuống giống vụ thu đông sắp tới, các bao giống của Lộc Trời được bà con đặt hàng rất nhiều, sẵn sàng cho một mùa vụ mới.

“Sau 2 vụ còn bỡ ngỡ, chúng tôi thấy việc chuyển đổi giống lúa và canh tác theo quy trình của Lộc Trời đã mang lại hiệu quả kinh tế cho mỗi hộ gia đình, lợi nhuận trên 1 ha giữa giống lúa cũ và mới này có sự thay đổi rất lớn, sắp tới bà con sẽ tham gia nhiều hơn”, ông Trần Ngọc Dũng chia sẻ.

“Tôi mong là Lộc Trời sẽ hỗ trợ bà con nhiều hơn nữa trong thời gian tới, không chỉ vụ thu đông năm nay mà còn ở các vụ mùa tiếp theo”, ông nói thêm.

Hiện nay, Lộc Trời là tập đoàn dịch vụ nông nghiệp hàng đầu Việt Nam với diện tích canh tác lúa trên 1 triệu ha, sở hữu bản quyền giống lúa OM5451 chủ lực cho xuất khẩu, có Viện nghiên cứu với 7 trung tâm nghiên cứu trực thuộc cùng năng lực tổ chức sản xuất quy mô lớn (với 1.300 kỹ sư nông nghiệp “3 cùng”), khả năng đảm bảo các tiêu chí khắt khe nhất như BRC, SMETA, HACCP, HALAL,... tiêu chuẩn Mỹ, Nhật, Châu Âu.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.