| Hotline: 0983.970.780

Trồng dứa, thu nhập 200 - 240 triệu đồng/ha

Thứ Năm 02/12/2021 , 10:24 (GMT+7)

THANH HÓA Cây dứa gần như không có sâu bệnh, chịu hạn cực tốt, đem lại thu nhập cho người dân cao gấp 5 lần so với cây trồng khác.

Xã Hà Long, huyện Hà Trung (Thanh Hóa) là xã miền núi có diện tích trồng dứa nhiều nhất huyện, tới 650ha (chiếm 14% tổng diện tích tự nhiên toàn xã) với gần 700 hộ trồng dứa thương phẩm, hộ nhiều nhất tới 5ha, ít cũng 0,3ha. Cây dứa đem lại thu nhập cho người dân cao gấp 5 lần so với cây trồng khác, giúp xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho nhiều hộ gia đình ở địa phương này.

Năm nay, dứa của xã Hà Long năng suất cao, giá bán khá tốt (800 đồng/kg). Ảnh: Lê Cương.

Năm nay, dứa của xã Hà Long năng suất cao, giá bán khá tốt (800 đồng/kg). Ảnh: Lê Cương.

Khai thác lợi thế tiềm năng đất rộng, phù nhiêu, cùng với thâm canh cây lúa ăn chắc 3 vụ một năm, trước đây, cấp ủy chính quyền địa phương đã tập trung giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khuyến khích nông dân tổ chức sản xuất cây mía đường. Kết quả đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, giải quyết thêm nhiều việc làm, tăng thêm thu nhập nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân.

Tuy nhiên, do giá mía nhiều năm qua duy trì thấp, nên những năm gần đây nông dân không còn mặn mà với cây mía, địa phương đã cơ cấu lại sản xuất, nhanh chóng chuyển sang trồng đại trà cây dứa thương phẩm. Trên các loại đất có độ dốc không bị đọng nước, địa phương đã quy hoạch diện tích trồng dứa tập trung, đồng thời tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để bà con mạnh dạn đầu tư vốn phát triển cây dứa.

Vòng đời của cây dứa từ khi trồng, sinh trưởng phát triển đến khi thu hoạch ngắn nhất 12 tháng, nhưng chính vụ từ tháng 8 dương lịch năm trước đến tháng hai năm sau. Để đảm bảo khung lịch thời vụ sản xuất dứa, khâu làm đất chủ yếu được cơ giới hóa.

Đất trồng dứa được chia thành nhiều luống (tùy theo diện tích), mỗi luống rộng 2m, trồng cây cách cây 30cm, hàng cách hàng 80cm… Để có cây giống tốt, sau mỗi vụ thu hoạch lấy quả, cây dứa sẽ lên chồi và được sử dụng làm cây giống cho vụ sản xuất tiếp theo, người có nhu cầu cần mua làm giống giá bán từ 350 - 500 đồng/chồi…

Hiện nay, bà con xã Hà Long đã chuyển từ trồng mía sang trồng dứa do cây dứa có nhiều lợi thế. Ảnh: Lê Cương.

Hiện nay, bà con xã Hà Long đã chuyển từ trồng mía sang trồng dứa do cây dứa có nhiều lợi thế. Ảnh: Lê Cương.

Bà con đã chú trọng kỹ thuật chăm sóc cho dứa. Sau khi làm đất, bón lót từ 1,5 - 2 tấn NPK/ha, sau 3 tháng sẽ bón thúc với số lượng 1 tấn NPK + 450 kg phân đạm + 250 kg Kali. Cây dứa không phải tưới nước mà sinh trưởng phát triển hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên. Dứa là cây trồng gần như không có sâu bệnh phá hại, tuy nhiên cần chú ý phun thuốc phòng trừ từ 2 - 3 lần để đảm bảo dứa không bị nấm làm thối nõn.

Tùy theo diện tích, nông dân trồng dứa đầu tư từ 125 - 140 triệu đồng/ha (trong đó 40 - 50 triệu đồng thuê nhân công (mức thuê công nhật 300 ngàn đồng/người/ngày); chi phí vật tư, cây giống, phân bón từ 80 - 90 triệu đồng).

Niên vụ dứa năm 2020 - 2021, toàn xã Hà Long trồng 650ha dứa, năng suất đạt từ 40 tấn - 50 tấn/ha, sản lượng đạt từ 26 - 30 ngàn tấn, giá bán tại thời điểm hiện nay 800 đồng/kg, trừ chi phí sản xuất, mỗi ha cho thu nhập từ 200 - 240 triệu đồng. So với cây trồng khác, lợi nhuận từ cây dứa mang lại cao gấp 5 lần.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.