Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, tính đến nay cả nước có hơn 10.000 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, chiếm tỷ lệ khoảng hai phần ba. Hơn 30% là sản phẩm OCOP 4 sao. Đã có 42 sản phẩm 5 sao và gần 1% sản phẩm tiềm năng 5 sao.
Qua hơn 5 năm thực hiện, các địa phương đã khai thác được tiềm năng, thế mạnh để phát triển sản phẩm OCOP, điển hình như vùng Đồng bằng sông Hồng chiếm hơn 30% tổng sản phẩm OCOP cả nước, vùng miền núi phía Bắc chiếm gần 20% và vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm gần 20%.
Có sự tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng nhưng Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cho rằng, sự tham gia của các chủ thể vào Chương trình OCOP chưa thực sự chủ động; hoạt động đổi mới, sáng tạo trong phát triển sản phẩm tuy có kết quả nhưng vẫn còn hạn chế so với tiềm năng. Đồng thời, công tác xúc tiến thương mại còn manh mún, thiếu đồng bộ, chưa tạo được điểm nhấn nổi trội và đặc sắc.
Để kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP nhiều hơn nữa, sáng 5/12, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) và Tạp chí Công thương phối hợp tổ chức hội nghị giao thương về mặt hàng này.
Phát biểu khaị mạc, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, Bộ Công thương đã xây dựng được cơ sở dữ liệu về các sản phẩm OCOP và hệ thống các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn cả nước thông qua chuyên mục về Chương trình OCOP tại website: https://sanphamvungmien.vn.
Ngoài ra, đẩy mạnh công tác truyền thông, các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho các sản phẩm OCOP và các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.
Về khung chính sách, Bộ Công thương đưa một số tiêu chí làm căn cứ để địa phương xây dựng Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Cùng với đó, cấp kinh phí và trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ 25 địa phương xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.
Một số địa phương, bằng nguồn kinh phí bản thân, đã triển khai xây dựng các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP theo tiêu chí của Bộ Công thương và có bộ nhận diện điểm bán thống nhất như Hà Nội (gần 90 điểm), Quảng Ninh (30 điểm), Bắc Kạn (10 điểm), Bến Tre (12 điểm).
"Chương trình OCOP đã tạo phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ, góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô sản xuất hàng hoá gắn với liên kết chuỗi của các địa phương; góp phần hình thành nhiều vùng sản xuất", ông Tuấn chia sẻ.
Lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước nhìn nhận, danh mục các sản phẩm OCOP ngày càng đa dạng, phong phú, có chất lượng tốt và truy xuất được nguồn gốc. Nhiều sản phẩm mẫu mã đẹp, tinh xảo, độc đáo, phát huy được lợi thế tài nguyên bản địa, văn hóa truyền thống với ứng dụng khoa học công nghệ, ngày càng được nhiều khách hàng tin dùng và đánh giá cao về chất lượng.
Đặc biệt, các sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của địa phương, vùng miền đã được kết nối vào hệ thống các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn cả nước, cũng như xuất hiện tại những hệ thống phân phối lớn như Go!, MM Mega Market, Saigon Co.op, Winmart, Winmart+…
Nhiều địa phương đã và đang thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hóa thông qua các hoạt động văn hóa - du lịch. Điển hình có Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Nghệ An, Đồng Tháp... Nhờ kết hợp du lịch, địa phương thúc đẩy hoạt động sản xuất và thu mua, hình thành được chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm hiện đại và bền vững.
Xác định khâu tiêu thụ, tìm kiếm và phát triển thị trường là giải pháp quan trọng nhằm khuyến khích chủ thể chủ động, tích cực tham gia phát triển sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, đặc sản vùng miền và hàng hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Vụ Thị trường trong nước nhận định, cần đưa hàng hóa đến gần hơn với người tiêu dùng
Một trong số các sáng kiến được Phó Vụ trưởng Tuấn nêu: "Cần tăng cường sự hiện diện của sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền tại các trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc, khu vực bán hàng tại sân bay, khu du lịch".
Điều này càng trở nên hữu ích bởi người tiêu dùng Việt đã hình thành thói quen lựa chọn, chú trọng những sản phẩm có thương hiệu, uy tín.
Trên cơ sở đó, Hội nghị tập trung thảo luận giải pháp gia tăng tiêu thụ và đa dạng hóa kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP, với các diễn giả đại diện cho cơ quan quản lý nhà nước, diện doanh nghiệp phân phối; đại diện kênh bán hàng thương mại điện tử các sản phẩm OCOP. Kết thúc hội nghị, các đơn vị liên quan đã ký thỏa thuận hỗ trợ kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP.