Chị thân mến!
Do truyền thống, gia đình lớn chúng tôi chủ trương tam đại đồng đường. Đất do cha mẹ để lại, được quy hoạch, trở thành mặt tiền của một quốc lộ dẫn vào trung tâm. Tôi là con trai cả, vợ chồng tôi sinh được con trai đầu và đến lượt, con trai tôi cũng sinh được đích tôn cho ông bà tôi.
Nhà rộng hai tầng, có khuôn viên, có thiên nhiên. Không gì hạnh phúc hơn khi vợ tôi về hưu sớm, có việc làm lụng suốt ngày, vui và khỏe ra. Đến lượt tôi, hưu cũng 5 năm nay rồi chị, hoa kiểng cây thổ cư, tôi cũng tất bật không kém. Con trai tôi nhờ mảnh đất nền bên hông nhà làm ăn nhỏ lẻ và độc lập, thu nhập cũng đỡ. Cô vợ nó thì nội tướng cơm nước cho cả nhà .
Khi hai cháu nội của chúng tôi lớn dần lên thì khác. Đích tôn năm nay lớp 11, em gái nó lớp 7. Vấn đề nằm ở những câu chuyện của ba thế hệ. Chị cũng hình dung được, con trai tôi tháo vát giỏi giang nhưng cũng không tránh được kiểu sống của thế hệ nó, làm hùng hục nhưng xong một ngày thì nhậu, không dám kéo bạn về chỗ tôi thì nó đi nhậu ở nhà bạn bè.
Rồi chửi thề, chị ơi, ngóng nghe chuyện của tụi nó bây giờ thấy mười câu thì hết 5 câu có chửi thề. Đã lâu rồi cha con tôi không nói chuyện thời cuộc với nhau nữa, nó nói chúng tôi thủ cựu, trong sạch để chịu thiệt, không giàu như người ta.
Đến đứa cháu trai đây mới hóc búa. Nó ăn ngủ với điện thoại, không thèm ngước lên giao lưu với ông bà hay cha mẹ, bữa ăn cũng cắm cúi ăn rồi chạy lên phòng. Nói thì nó không trả lời, không đối thoại, nó đóng cửa, coi như bất khả xâm phạm. Phải nói nó giỏi điện tử, nó bày cho tôi, nó chỉ dẫn ba mẹ nó vanh vách. Nhưng không đọc sách, con người ta không có sách thì khác nào robot đúng không chị?
Không biết tôi có tự mãn vô lối về cái gọi là tam đại đồng đường này không? Già thêm nữa chắc mình như ốc đảo trong chính cơ ngơi của mình? Mười năm, mười lăm năm nữa thì sao chị?
-------------------
Bạn thân mến!
Bây giờ nhà rộng, có đất như bạn gọi là biệt thự rồi. Nói về mặt ở, như vậy là “cha tây”, theo ngôn ngữ dân mình trong này. Ai chẳng muốn tam đại đồng đường, ngày xưa còn tứ đại nữa ấy chứ. Rất nhiều người sống như bạn khi có điều kiện. Bởi họ nghĩ, cha mẹ già cậy con cái, con để nhìn thấy nó làm ăn, chia sẻ với nó chuyện nuôi nấng con cái nó và những đứa cháu là liều thuốc của ông bà đó chứ.
Cũng tùy hoàn cảnh mà chọn kiểu sống. Như tôi, tôi độc lập vì còn viết lách, bạn bè của riêng mình. Nếu tôi có mảnh đất rộng ấy, ngay từ đầu tôi sẽ làm hai cơ ngơi, không cần to mà cần riêng tư.
Con cái ở bên cạnh, giúp nhau khi cần, mình vẫn yên tĩnh với cái bếp, những câu chuyện của vợ chồng già mình. Khi một người đã ra đi, thì người còn lại vẫn sống như vậy được. Bàn thờ mình ôm, người lẻ tiếp tục ôm bàn thờ người đi sớm và sau đó, con cái tiếp thu, như một chỗ lưu niệm.
Đã nhà hai tầng, khó thu xếp kiểu khác được. Và bạn ở sát sườn với con, chung đụng với các con và cháu, bạn sao làm ngơ được? Mọi thứ bạn thấy cứ là khó chịu hoài hoài thôi. Ví như ba nó nhậu và chửi thề, cách vách, bạn sẽ không nghe, chung nhà, bạn bịt tai sao?
Chuyện làm ăn của cánh trung niên bây giờ, đúng như bạn tả, cho dù riêng lẻ không hùn hạp không dây mơ rễ má với ai nhưng vẫn cứ là ăn nhậu. Vui, buồn, bù khú, để tách những thành viên trong nhà ra, để nói văng mạng hoặc nói thầm những điều chỉ có cánh họ biết. Đành vậy bạn ơi, chính họ cũng không biết họ đang chửi thề đâu. Vì thói quen, đã thành phản xạ vô điều kiện, thành văn hóa (dù ta nhìn, ta thấy nó cực kỳ xuống cấp, tệ hại).
Việc đứa đích tôn nghiện smartphone kia, là bệnh của thời đại rồi đó bạn. Chúng ta cảm thấy bị ra rìa bởi chúng. Chập nhận và thích nghi. Có người ông người bà còn học vi tính, còn lập facebook để tương tác với cháu con, biết nó làm gì, viết gì, nghĩ gì, bè bạn ra sao trên đó.
Không đầu hàng, bạn thử sống cùng với điện tử và vi tính đi, bạn sẽ thấy mình có đồng hành với con cháu. Đừng biến mình thành chầu rìa, lạc hậu, nhà quê, ngờ nghệch, tức cười trước mắt chúng.
Vậy nhé, vừa chung sống, vừa thích nghi, vừa khoan dung, vừa dấn bước, đừng nghĩ chuyện già bỏ già tàn sớm quá, nhé.