| Hotline: 0983.970.780

Đừng cố "chạy" cho đủ 19 tiêu chí

Thứ Hai 04/10/2010 , 11:54 (GMT+7)

Bắt đầu từ đâu trong 19 tiêu chí xây dựng NTM thì nên tùy vào hoàn cảnh thực tế của các địa phương.

Tác giả bài viết - ông Nguyễn Minh Nhị
Theo tôi, bắt đầu từ đâu trong 19 tiêu chí xây dựng NTM thì tùy vào hoàn cảnh thực tế của các địa phương.

Tùy vào đặc thù của từng vùng sẽ phát sinh những nhu cầu cấp thiết khác nhau. Nhưng theo suy nghĩ của tôi, điều kiện kinh tế vẫn là cơ bản nhất. Vì vậy, cần phải cần nhận ra thế mạnh của địa phương là gì, từ đó tìm cách hỗ trợ để họ phát triển đời sống, phát triển kinh tế. Về cách triển khai cũng không nên áp đặt mà phải phù hợp với hoàn cảnh sống, phù hợp với trình độ dân trí và điều kiện sản xuất của người dân. Mình còn nghèo, ít vốn thì phải biết đầu tư vào cái gì sinh lợi nhanh nhất thì làm.

Chẳng hạn đối với vùng đồng bào dân tộc Khmer thì không nhất thiết cứ phải đầu tư xây nhà văn hóa ở xã ngay lúc này, mà hoạt động văn hóa có thể diễn ra tại các chùa. Vì đây là không gian sinh hoạt văn hóa của họ. Hoặc xã gần trường thì có thể tạm thời mượn sân trường làm điểm sinh hoạt văn hóa. Nguồn tiền đó mình có thể đầu tư phát triển giao thông, thủy lợi, hỗ trợ sản xuất cho người dân. Vì đây là vấn đề cần thiết hơn và là cách đầu tư sinh lợi hơn so với đổ tiền vào xây dựng nhà văn hóa. Xây dựng NTM chỉ có thể thành công khi địa phương tự phát huy được nội lực của chính mình chứ Nhà nước không thể tìm đầu ra nguồn tiền khổng lồ để hỗ trợ được.

Nhưng muốn huy động được sức dân thì chính quyền phải hỗ trợ người dân phát triển sản xuất trước đã. Chứ dân còn đói, còn nghèo thì lấy gì mà huy động. Giỏi lắm thì họ cũng chỉ đóng góp được ngày công lao động là cùng. Nhưng cũng chỉ được vài ngày thôi, vì họ còn phải đi kiếm cái ăn nữa chứ. Vì vậy, lo phát triển đời sống kinh tế cho dân vẫn là nhiệm vụ hàng đầu trong xây dựng NTM. Khi đời sống người dân đã khá hơn thì họ sẽ có điều kiện đóng góp để xây dựng cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, phải tạo được niềm tin thì dân mới nhiệt tình đóng góp.

Chẳng hạn khi làm đường giao thông nông thôn, nếu biết huy động thì người dân sẽ sẵn sàng hiến đất, góp vốn để cùng làm với Nhà nước. Còn anh thu hồi đất của dân áp giá đền bù rẻ, sau đó lấy lý do đã đầu tư cơ sở hạ tầng rồi bán lại cho dân giá trên trời sao được? Nhưng khi bán cho quan chức, người nhà thì lại giá rẻ, thậm chí là chia chác, biếu xén không cho nhau thì dân nào tin vào chính quyền nữa chứ. Chính vì vậy, nơi nào Đảng, Chính quyền tốt thì việc xây dựng xã NTM sẽ nhanh hơn, dễ thành công hơn.

Bất kỳ ở thời nào, vai trò của chính quyền cơ sở cũng đều rất quan trọng. Khi tôi còn làm Chủ tịch tỉnh An Giang, tôi đã có nhiều quyết định về chủ trương phát triển nông thôn như đào tạo cán bộ trình độ đại học đưa về phục vụ cơ sở, hỗ trợ địa phương xây dựng giao thông nông thôn, phát triển sản xuất… Tuy nhiên, lãnh đạo ở địa phương cũng có người năng động, người chỉ cần tà tà miễn là hoàn thành nhiệm vụ là được, chờ hết tháng lĩnh lương. Tất nhiên, người năng động sẽ mệt hơn vì phải làm nhiều hơn. Nhưng nơi nào chính quyền năng động thì dân được nhờ.

Ngay trong một huyện, cùng một điều kiện như nhau, chích sách hỗ trợ phát triển như nhau nhưng xã giàu, xã nghèo là vậy. Mình phải biết linh hoạt, không thể cứ ngồi chờ ở trên cho cái gì thì làm cái đấy. Ngay cả việc xây dựng xã NTM hiện nay, cũng không cứ phải cố chạy cho đủ 19 tiêu chí để được công nhận. Nếu cứ nguyên tắc theo kiểu máy móc, khi không làm được thì sinh ra tiêu cực, báo cáo láo để lấy thành tích, để được là xã NTM cho bằng chị bằng em. Mà phải tùy điều kiện đặc thù từng vùng để có sự linh hoạt thực hiện.

Điều kiện tự nhiên, văn hóa mỗi vùng miền khác nhau nên nhu cầu khác nhau. Chẳng hạn ở vùng cao, khan hiếm nước thì người dân rất cần có cái bồn để chứa nước để dùng trong mùa hạn. Trong khi vùng đồng bằng, sông rạch chằng chịt, đi đâu cũng gặp nước thì bồn nước lại không quan trọng bằng cái xuồng để đi lại. Ở ĐBSCL, xây dựng cơ sở hạ tầng rất tốn kém do kênh rạch nhiều, nền đất yếu. Mình làm được một cái nhà, một con đường thì nơi khác làm được 2-3 cái.

 Hơn nữa, địa bàn ấp, xã rất rộng nên không thể cứ áp dụng tiêu chí mặt đường rộng 4-5m như ngoài ĐBSH được. Phát triển giao thông là cần thiết nhưng đường liên ấp chỉ cần xe máy đi lại thuận tiện là được. Còn vận chuyển hàng hóa nông sản thì đã có đường thủy. Vậy thì việc gì cứ phải làm đường rõ to mới gọi là NTM, mà muốn làm to cũng chẳng thể làm nổi. Trong khi đó, nguồn tiền còn cần cho rất nhiều việc khác.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.