| Hotline: 0983.970.780

Đừng đốn cây măng cụt

Thứ Năm 30/06/2011 , 11:14 (GMT+7)

Người ta đốn măng cụt vì nhà vườn cần lợi ích cấp thời mà cây măng cụt lại không thỏa mãn...

Măng cụt Cái Mơn (Bến Tre) nổi tiếng một thời; nhưng nay, nhà vườn đốn đi để nhường đất cho cây khác. Trước đây vùng này, măng cụt có diện tích đến vài ngàn ha, mà giờ chỉ còn vài trăm ha thưa thớt.

Đã lâu ăn lại phập phù

Người ta đốn măng cụt vì nhà vườn cần lợi ích cấp thời mà cây măng cụt lại không thỏa mãn. Theo ông Nguyễn Hữu Mạnh (Ba Mạnh), nhà vườn măng cụt có trên 100 cây, cho biết: “Cây măng cụt trồng rất lâu mới cho trái. Sớm cũng khoảng mười năm mới có trái chiếng. Bù lại, cây có tuổi thọ rất cao, 40-50 năm vẫn còn trái nhiều. Cây măng cụt có tán rộng, nên chiếm nhiều đất”. Mặt khác, theo ông Ba Mạnh, cho đến giờ nhiều nhà vườn chưa tận dụng được các biện pháp khoa học hữu hiệu trong việc kích thích ra hoa, trái. Nên nông dân ở đây thường bảo, trồng măng cụt “hên xui”, cho trái hay không tùy thời tiết…

Các nhà khoa học đến vùng măng cụt làm thí nghiệm giúp nhà vườn: phủ bạt bờ vườn, khấc gốc vạt thân, tỉa cành xiết nước, xử lí phân thuốc…; nhưng nhiều nhà vườn vẫn không tận dụng được các khuyến cáo hiệu quả, nên thường để cây măng cụt có trái trễ vụ, gặp mưa và bệnh xì mủ trái xuất hiện thì cũng chưa có biện pháp khắc phục.

Có nhà vườn trồng măng cụt chung với chôm chôm và mô hình này không hiệu quả. Vì vậy, giải pháp của họ là đốn cây măng cụt vì cây chôm chôm sớm cho trái, dễ xử lí ra hoa, hơn nữa trái chùm dễ hái. Mặt khác, một cây chôm chôm thu hoạch được bình quân cả trăm kí. Trong khi cây măng cụt, có mùa cũng chỉ vài chục; mà giá hai loại trái cây này đôi lúc cũng ngang ngửa. Thật ra, măng cụt loại 1, đầu mùa có giá khá cao khoảng 50.000 đồng/kg. Nhưng vào mùa mưa, măng cụt rớt giá thê thảm, có khi chỉ còn trên chục ngàn đồng/kg, vì 1 trái ăn, 4-5 trái bỏ. Trong trường hợp này, nếu tính lợi ích kinh tế, cây tắc (cây hạnh) vẫn hiệu quả hơn. Thế nên, nhiều nhà vườn không ngần ngại đốn những cây măng cụt 10 năm tuổi, để lấy diện tích trồng hạnh.

Mô hình dừa – măng cụt hiệu quả

Ông Ngô Văn Trang, Bí thư Đảng ủy xã Long Thới, cũng là một nhà vườn ở huyện Chợ Lách cho rằng: “Không rõ ông bà ta có kinh nghiệm gì không; nhưng giải pháp trồng xen măng cụt trong vườn dừa đến giờ vẫn hiệu quả. Vì dừa ở tầng cao, còn măng cụt ở tầng dưới, không ảnh hưởng gì nhau. Hàng tháng nhà vườn có thu nhập dừa; đến năm lại có thêm mùa vụ măng cụt”. Mấy năm trước, do dừa mất giá người ta đốn dừa và dĩ nhiên cây măng cụt cũng chịu chung số phận. Còn những vườn dừa vẫn giữ được cây măng cụt thì cả dừa và măng cụt vẫn được duy trì.

Ông Lê Thiện Lợi, người có vườn măng cụt xen với dừa cho biết thêm: “Tôi có gần 80 chục gốc măng cụt tối thiểu cũng 15 năm tuổi, đang cho trái. Nhờ trồng xen với dừa nên tạm ổn. Đầu mùa, tôi bán một chục măng cụt lớn được tới 150.000 đồng. Bây giờ, giá đã xuống chỉ còn khoảng 15.000 đồng/kg. Tất nhiên, không bao giờ tôi muốn đốn nó. Hơn nữa, đang trồng theo hướng GAP, chắc tình hình cây măng cụt sẽ được cải thiện”. Nói chung, đề xuất cho cây măng cụt là những vườn dừa nào chưa trồng xen ca cao thì được khuyến khích trồng xen măng cụt, nhất là những vườn miệt Cái Mơn. Lãnh đạo địa phương và nhiều nhà vườn ở đây cũng thống nhất.

Có thể xử lí ra hoa, trái

Để cây măng cụt cho hoa sớm, kết thúc mùa vụ trước mưa, theo TS. Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện cây ăn quả miền Nam, cho biết: “Cái chính là khấc gốc, kế đó là xiết nước; đồng thời phải bón phân đúng thời điểm và đúng loại; ngay cả thời điểm cây cho trái xong thì cần bón phân để phục hồi cây; điều mà nhiều nhà vườn lại quên mất”. Cũng theo TS Châu, hiện nay có nhiều nhà vườn trồng măng cụt xử lí ra hoa thành công, như ở Kế Sách (Sóc Trăng), Cầu Kè (Trà Vinh) và nhiều nơi khác. Không được đốn cây măng cụt, mà phải trồng thêm. Vì hiện chúng ta đang thiếu; mà măng cụt là trái cây ngon đặc sản, được xếp tốp đầu.

Nhà vườn Cái Mơn cần tìm biện pháp xử lí cây măng cụt từ sự giúp đỡ của các nhà khoa học và việc học hỏi những nhà vườn trồng măng cụt thành công ở nhiều nơi. Hi vọng, cây măng cụt không vắng bóng ở vườn Cái Mơn mà vẫn gắn bó với vùng đất của họ.

Xem thêm
Bảo toàn đàn vật nuôi giữa nắng nóng kỷ lục

BÌNH ĐỊNH Đang trong giai đoạn nắng nóng cao độ kỷ lục, người chăn nuôi tại Bình Định áp dụng nhiều biện pháp nhằm bảo toàn sức khỏe đàn vật nuôi.

Chó, mèo thả rông lông nhông khắp phố

BÌNH DƯƠNG Có rất nhiều người tại Bình Dương bị chó thả rông cắn phải đi tiêm phòng dại khiến người dân rất bức xúc vì nạn chó lông nhông khắp phố.

Lấy doanh nghiệp là đầu tàu để phát triển bền vững ngành mía đường

Cơ quan chức năng cần có giải pháp nhằm củng cố và phát triển chuỗi liên kết sản xuất trong bối cảnh cây mía đang dần mất vị thế.

'Bắt bệnh, bốc thuốc' cho vườn cam thoái hóa

HÀ TĨNH Nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, những vườn cam có 30 - 50% số cây 'ốm yếu', suy kiệt, có nguy cơ phải phá bỏ đã được giữ lại.