| Hotline: 0983.970.780

Dùng ngân sách xây trường trên đất tranh chấp!

Thứ Ba 03/03/2020 , 10:17 (GMT+7)

Bị tòa án xử thua kiện, huyện Phú Quốc (Kiên Giang) vẫn ngang nhiên xây trường học trên đất của dân, không thèm thực hiện giải phóng mặt bằng…

Công trình dùng vốn ngân sách nhưng được xây trên đất tranh chấp.

Công trình dùng vốn ngân sách nhưng được xây trên đất tranh chấp.

Lãnh đạo huyện "mắt nhắm, mắt mở"

Ngày 29/1/2019, ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc ký Quyết định số 170/QĐ-UBND, phê duyệt Báo cáo kinh tế- kỹ thuật công trình xây dựng mới nhà hiệu bộ Trường Tiểu học Cửa Dương 1. Nội dung Quyết định số 170/QĐ-UBND nêu rõ: Công trình được xây dựng gồm 6 phòng xây mới với diện tích 343,28m2. Tổng mức đầu tư hơn 4,59 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh Kiên Giang.

Tuy nhiên, quyết định của UBND huyện Phú Quốc chỉ nêu địa điểm xây dựng công trình là: “Xã Cửa Dương, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang”, mà không ghi rõ vị trí cụ thể sẽ xây dựng.

Ngày 27/3/2019,  Phòng GD- ĐT huyện Phú Quốc có văn bản gửi Thường trực UBND huyện Phú Quốc cho biết do địa điểm trước đây đã chọn để thực hiện Dự án thuộc Gành Gió vướng quy hoạch lộ giới giao thông bên hông trường, vì vậy  huyện Phú Quốc đã quyết định chuyện vị trí xây dựng tại điểm trường Ông Lang. 

Nhưng đến nay, điểm trường Ông Lang cũng vướng quy hoạch lộ giới nên Phòng GD- ĐT đã phối hợp với UBND xã Cửa Dương, Ban Quản lý Dự án Đầu tư- Xây dựng huyện tiến hành khảo sát và thống nhất chọn mảnh đất mới rộng 3.929 m2 để xây dựng, là đất do xã quản lý với cũng tại vị trí ấp Ông Lang, nằm chếch xéo, đối diện điểm trường Ông Lang hiện hữu. Phòng GD- ĐT huyện Phú Quốc xin chủ trương của Huyện ủy xây nhà hiệu bộ trên mảnh đất này.

Tuy nhiên, việc Ban Quản lý Dự án Đầu tư- Xây dựng huyện và UBND xã Cửa Dương xác định mảnh đất 3.929 m2 đất có vị trí “chếch xéo đối diện trường Ông Lang” là đất do UBND xã đang quản lý là sai.  Bởi trên thực tế, đây là mảnh đất đã từng có tranh chấp giữa người dân sở tại với UBND xã Cửa Dương đã có bản án của tòa từ năm 2016. TAND huyện Phú Quốc từng tuyên hủy những quyết định hành chính của UBND xã Cửa Dương.

 

Dấu hiệu cố ý làm trái?

Được biết, trước đó, ngày 8/12/2015, UBND xã Cửa Dương ban hành Quyết định số 225/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Trương Thị Hiền với nội dung: Vào ngày 5/4/2014, phát hiện bà Hiền đang thực hiện hành vi chiếm 4.349m2 đất. Đến ngày 24/8/2015, bà Hiền tiếp tục chiếm 6.497m2 đất.

Không đồng ý với các quyết định này, bà Hiền đã khởi kiện ra Tòa án nhân dân (TAND) huyện Phú Quốc.

Tại Bản án sơ thẩm số 11/2016/HC-ST ngày 31/5/2016 của TAND huyện Phú Quốc đã tuyên hủy các quyết định về xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Trương Thị Hiền do UBND xã Cửa Dương ban hành.

Cụ thể, TAND huyện Phú Quốc nhận định: “UBND xã Cửa Dương cho rằng, đất Nhà nước quản lý, nhưng không có thủ tục hành chính thể hiện việc quản lý diện tích đất nằm ở thửa nào và địa phương thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng quỹ đất này ra sao theo quy định tại Điều 49 Luật Đất đai 2013 và hướng dẫn tại Điều 11 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ.

Đồng thời, UBND xã Cửa Dương không chứng minh được diện tích 6.497,88m2 là đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích theo quy định tại Điều 132 Luật Đất đai 2013”.

Sau đó, đại diện UBND xã Cửa Dương có kháng cáo. Ngày 27/9/2016, TAND tỉnh Kiên Giang đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Tại Bản án số 23/2016/HCPT, TAND tỉnh Kiên Giang quyết định bác toàn bộ nội dung kháng cáo của đại diện UBND xã Cửa Dương, giữ nguyên các quyết định của bản án hành chính sơ thẩm.

Như vậy, căn cứ vào quyết định cuối cùng của TAND tỉnh Kiên Giang thì mảnh đất trên không thuộc quản lý của UBND xã Cửa Dương. Vậy tại sao đến năm 2019, UBND huyện Phú Quốc vẫn xác định đây là đất đang thuộc quản lý của xã và cố tình rót ngân sách đầu tư xây dựng điểm trường trên mảnh đất này mà không làm thủ tục giải phóng mặt bằng, đền bù, hỗ trợ, tái định cư cho người dân sở tại. 

Điều này cho thấy lãnh đạo huyện Phú Quốc đang đứng trên luật pháp, coi thường quyết định của Tòa và có dấu hiệu của hành vi cố ý làm trái.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.