Có đến 5 cửa hàng kinh doanh loại hình này ở một đoạn phố ngắn. Không khỏi băn khoăn, sao có thể, có cách nào khác để người dân vẫn được kiếm sống mà không cản trở giao thông? Phải qui định chỗ kinh doanh loại này cần khuôn viên để xe từ từ vào ra? Hay là chuyển hoạt động về đêm, khi thành phố ngủ?
Sự bất an lớn dần khi chiếc Chaly của mình nhích lên dốc cầu và phía trước các con dân ba gác cũng như vậy. Những cuộn tôn dài gấp đôi chiều xe, những bó thép hoặc bó ống nhựa còn gấp đôi những cuộn tôn, hãi hùng, chúng có thể tuôn rào rào xuống.
Đến đường bằng, họ nổ máy phành phành và người đi đường cứ thế tự giãn cách. Băn khoăn, vì sao cảnh sát không bao giờ có động thái “hỏi thăm” những gã xe hung thần vô tư ấy? Vì họ là những người nghèo, hay là...
Một vụ va chạm nhỏ. Một gã xe máy tàn tạ vọt ẩu sượt qua đầu chiếc Camry màu bạc. May mà ô tô phanh kịp và người lái xe bước xuống đỡ gã xe máy đồng thời xem xe của mình có sao không. Nghĩ, chắc chắn xe máy sẽ được bênh dù lỗi thuộc về gã lấc cấc ấy.
Ngày xưa nếu xe đạp và xe máy quệt nhau, người được bênh sẽ là xe đạp. Chưa chi, một đội quân gồm nhiều xe ôm bặm trợn lao tới, Camry à, đền đi, đền đi. Người đàn ông trẻ bước trở lại xe cố thủ, chờ cảnh sát.
Vài người bảnh bao đi xe máy đẹp tấp vào lề nói là sẽ làm chứng cho Camry. Người phụ nữ áng là vợ của người ôm vô-lăng nóng nảy bước xuống nhìn thẳng gã xe mấy cà tàng. “Xe không hề gì, anh không hề gì, vậy anh muốn bao nhiêu?” Miệng nói tay rút ví, thói quen tự làm luật trước khi cảnh sát đến. Đám xe ôm ồ à, họ nghèo, họ đã được la hét và họ đã thấy được xì tiền, họ đã thành công.
Xóm nhỏ thời thơ bé của tôi có vài ba hộ nghèo rớt mồng tơi. Có những gia đình làm gia nhân cho điền chủ, số này nghèo do không đất đai gì, cha truyền con nối, lão bộc, vú em, bếp núc, lực điền... cũng vì nghèo nên gắn bó với nhà giàu đã cưu mang mình.
Mấy hộ tôi đang nói tới diện nghèo triền miên trên đất thổ cư của họ. Câu cá độ nhật hoặc tay dao tay cuốc ai kêu làm mương làm liếp gì cũng đi, hoặc trèo cây hái cau hái dừa. Họ hồn nhiên với sự nghèo “từ trong trứng” của mình.
Họ biết những đứa trẻ của gia đình sợ nghèo luôn lấy họ làm gương. Không chịu khó học để nữa đi câu cá qua ngày ha? Muốn nữa thành đứa làm mướn thùi lùi bùn đất quanh năm không? Hay là sống với cái đứa tối ngày chuyền từ đọt dừa qua đọt cau như khỉ?
Bọn trẻ ôm cặp học đi qua những nếp nhà ấy, quả tình ghê mắt ghê chân thiệt. Bởi vì vườn hoang của những nếp nhà ấy có thể có ma và sân và đường đất của nhà họ vào mùa mưa thì sình đất trộn với cứt heo cứt gà.
Khi những cô bé sợ nghèo vào bưng biền kháng chiến, có mấy dòng lý lịch khiến chúng băn khoăn mãi. Mục Tôn giáo, ghi là Không dù ở nhà có ăn chay có đi chùa có niệm Phật có cúng rằm. Mục Trình độ văn hóa, sao hỏi kỳ vậy, lý ra phải hỏi là trình độ học vấn chứ? Mục Thành phần, ghi sao? Nhà không nhiều ruộng, sống bằng 2 hec-ta vườn nhưng hồi ba chưa đi Việt Minh, có xưởng dệt lụa tơ tằm nhỏ (sau hiến cho Tuần lễ Vàng). Hỏi thủ trưởng thủ phó cơ quan, các chú ân cần rằng, nhà không có đất ruộng, đích thị trung nông lớp dưới, an tâm đi.
Thôi thì an tâm. Nhưng có an tâm nổi không khi 50 năm sau, những gia đình rớt mồng tơi ấy không còn cả giậu mồng tơi để làm dấu cho sự nghèo của họ nữa. Nghĩa là họ nghèo một cách bền vững hết biết. Chủ thuyết là phải thương lấy họ, thương kiểu gì, thương mến, thương nhớ, hay thương hại?
Từ chủ thuyết người nghèo là trung tâm, là trung kiên, bất di bất dịch, chừng như đã có một thứ luật bất thành văn ở mỗi gia tộc. Một giọt máu đào, không, một bàn tay và những ngón tay dài ngắn trời khiến vậy, tất cả đều chung thân thể, tim và óc. Sẽ nghe thấy mình ăn không ngon ngủ không yên nếu cái ngón thiệt thòi kia cựa quậy nhắc nhớ, chỉ trích, thậm chí cấu véo cho đau.
Nhưng người nghèo của chính các gia tộc đó thì sao? Thì sẽ ỳ ra, sẽ luôn nhìn vào túi người khác và đôi khi nằm vạ “Ừ, tui nghèo đó, tui bất hạnh, tui đỡ cho hết thảy mọi người, vì vậy tôi phải được chăm sóc, được đền bù, nghe chưa?”.