| Hotline: 0983.970.780

Được về nhà!

Thứ Bảy 15/08/2020 , 07:10 (GMT+7)

Khi nhìn thấy mỏ Bạch Hổ, mỏ Sư Tử Đen là lúc ấy chúng tôi biết, mình “được về nhà".

Các thuyền viên được đón nhập cảnh tại Cảng Dung Quất ngày 5/8. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Các thuyền viên được đón nhập cảnh tại Cảng Dung Quất ngày 5/8. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Ba từ ấy thật đơn giản với mọi người, nhưng lại là thứ xa xỉ với người thủy thủ trong mùa dịch Covid-19.

Sóng và nỗi nhớ

Nguyễn Chiến Thắng là một trong 14 thủy thủ của Tàu Apollo (tàu chở hàng thuộc Công ty PSM - Chi nhánh Tổng Công ty PVTRANS) vừa mới được nhập cảnh tại Cảng Dung Quất (Quảng Ngãi) ngày 5/8 sau hành trình dài từ Brazil, Italia, Russia, Malaysia, Togo, và cuối cùng là từ Singapore về Việt Nam.

Thắng chia sẻ rằng, lựa chọn và gắn bó với nghề thủy thủ có lẽ vừa là một cái duyên, vừa là tiếp nối truyền thống của gia đình, bởi bác, cậu và các anh em trong gia đình Thắng đều là những thủy thủ dặn dày kinh nghiệm.

Sau khi tốt nghiệp ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM, Nguyễn Chiến Thắng được nhận vào Công ty PSM - Chi nhánh Tổng Công ty PVTRANS. Chuyến công tác dài nhất cũng chính là chuyến công tác đáng nhớ nhất của cuộc đời thủy thủ, bởi xung quanh các nước đều đang căng mình chống dịch Covid-19.

“Thường mỗi đợt công tác của chúng tôi là 6 tháng hoặc 1 năm lênh đênh trên biển, chỉ sóng, gió, vị mặn của biển và những nỗi nhớ”, Thắng nói.

Thắng kể, tôi vẫn nhớ như in cái cảm giác lần đầu của mình khi biết thế nào là say sóng. Đầu thì đau như búa bổ, ruột gan thì lộn tùng phèo, tâm trí thì mơ hồ. Chỉ cần ngồi dậy thôi là trời đất quay cuồng như muốn rớt xuống chân tôi. Tôi không thể làm gì khác ngoài nằm đó. Mấy anh bạn của tôi động viên: “Không sao đâu, rồi quen ngay ấy mà!”.

Tôi cứ thế mơ màng trong ba ngày, nằm một đống, mắt không dám mở. Tôi đã nôn hết những gì có trong dạ dày, và sau đó tôi không còn nôn nữa. Cứ thế, quen dần với sóng, với biển, rồi đến lúc nào đó lại tự thấy biển êm ả, dịu dàng với người thủy thủ đến vậy.

Bình minh được ngắm mặt trời mọc, hoàng hôn ngắm mặt trời lặn. Ngửi mùi mằn mặn trong làn gió mát không một chút ô nhiễm. Đôi khi cũng thật thảnh thơi. Tôi thấy thanh thản và nghĩ rằng, có đủ sức mạnh để đối đầu với tất cả.

Nhưng điều đáng sợ hơn tất thảy không phải là những nỗi khó khăn hiện hữu ấy, không phải là sóng, không phải là gió, cũng không phải là công việc vất vả… mà là nỗi nhớ!

Thực hiện các biện pháp phòng dịch Covid-19 đối với thuyền viên nhập cảnh.

Thực hiện các biện pháp phòng dịch Covid-19 đối với thuyền viên nhập cảnh.

Một ngày ngắm bình minh thì đẹp lắm! Một tuần ngắm bình minh thì có lẽ vẫn còn đẹp. Nhưng, một năm liền ngắm bình minh thì… có ai ngắm đến lúc ấy đâu.

Mọi thứ hiện ra trong đầu tôi như là một ký ức. Từ cha mẹ thân yêu của tôi, từ người con gái tôi yêu, gia đình tôi đang ở quê hương mong chờ tôi về, từ những thứ bình dị hàng ngày trước đây đối với tôi bây giờ, nó giống như là ký ức.

Biết được, nhớ được nhưng không thể chạm được. Tôi thèm được gặp người thân, thèm được ngửi mùi đất, thèm được ăn những món ăn mẹ nấu, vợ nấu thường ngày... Thèm đủ thứ vốn rất bình thường đối với mọi người. Và người thủy thủ, cứ “thèm” như thế, ngày này qua ngày khác, tháng này qua năm khác… Biển không sóng mà trong lòng lại đầy bão tố!

Trên con tàu của chúng tôi toàn bộ 27 thành viên đều là người Việt Nam, chính điều đó là một điều may mắn cho chúng tôi khi dịch bệnh xảy ra. Lênh đênh trên biển, nhưng khi có sóng điện thoại là chúng tôi cập nhật thông tin từ công ty, từ gia đình và báo chí về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới và ở Việt Nam.

Ngay khi có dịch Covid-19, Công ty đã lập tức liên lạc, cung cấp thông tin, yêu cầu trang bị các thiết bị an toàn như quần áo, khẩu trang, nước rửa tay, bình xịt khử khuẩn gửi đến cho chúng tôi. Lãnh đạo tàu thường xuyên tổ chức họp huấn luyện thuyền viên, huấn luyện an toàn.

Đồng thời, chúng tôi cũng thực hiện đo nhiệt độ tất cả thuyền viên và khách lên tàu, tuyệt đối tuân thủ quy định phòng chống dịch.

Hạn chế tối đa tiếp xúc với người nước ngoài, trong trường hợp bất khả kháng như thủy thủ boong tàu phải đeo khẩu trang, bao tay, mặc đồ bảo hộ và cách xa 2m khi tiếp xúc. Và đặc biệt, khi dịch xảy ra, một lệnh được truyền đi từ lãnh đạo công ty là thuyền viên tuyệt đối không được lên bờ ở nước ngoài.

Các thuyền viên khi nhập cảnh về Việt Nam đều thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế và WHO.

Các thuyền viên khi nhập cảnh về Việt Nam đều thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế và WHO.

Sau 12 tháng, đến ngày hết hạn hợp đồng, đáng lẽ tôi và một số anh em sẽ được về nhà. Tuy nhiên, dịch bệnh xảy ra, các nước ra lệnh phong tỏa, cách ly, giãn cách xã hội, cấm nhập cảnh. Chúng tôi, những người thủy thủ làm việc trên tàu nước ngoài, công tác ở nước ngoài, không thể thay ca (thường 6-12 tháng sẽ thay người một lần), không thể nhập cảnh.

Mặc dù, hết hạn hợp đồng lao động, nhưng chúng tôi cũng không có đường nào để về quê hương Việt Nam. Và rồi, chúng tôi đã bị kẹt lại trên tàu, cũng như rất nhiều người Việt khác đang kẹt lại ở nước ngoài.

Lúc ấy, niềm hạnh phúc khi được trở về cùng gia đình đã bị ngăn cách, ngày trở về lùi xa vô định. Tôi đứng trên tàu ngắm bình minh, nhìn về phương đông, nhìn về quê nhà mà biết bao nhớ nhung… Buồn và sợ hãi! Cơn sóng trong lòng cứ thế mà lớn dần lớn dần từng ngày.

Mỗi ngày, khi có được sóng điện thoại, là chúng tôi lại theo dõi, hỏi thăm tình hình dịch bệnh ở quê nhà ra sao, người nhà có ổn không? Mỗi người đều tìm một khoảng không gian yên tĩnh để liên lạc với người thân, để thông báo mình khỏe, để nghe được người nhà cũng khỏe. Chỉ cần vậy là chúng tôi có thêm sức mạnh để vượt qua những tháng ngày làm bạn với sóng, gió và vị mặn của biển.

Được về nhà!

14 tháng trôi qua, thật lâu và thật dài! Trải qua tháng ngày ấy, mỗi ngày như mỗi năm. Chúng tôi cứ tự nhủ phải cố gắng, mọi người ở nhà cũng đang cố gắng, cũng đang “chiến đấu” với dịch bệnh. Chúng tôi - những người thủy thủ - cũng phải cố gắng, vừa cố gắng để không để nhiễm Covid-19 ngay trên tàu, vừa cố gắng vượt qua nỗi mong mỏi khao khát được trở về quê hương.

Thế rồi, cảm xúc vỡ òa, khi chúng tôi biết dịch bệnh ở nước nhà đã được kiểm soát rất tốt. Rất nhiều ngày không có thêm người mắc Covid-19 mới. Chúng tôi hân hoan sung sướng, mừng cho đất nước mình, mừng vì chúng tôi đã nhận được lệnh “lên bờ”.

Khi bắt đầu nhìn thấy mỏ Bạch Hổ, mỏ Sư Tử Đen là lúc ấy, chúng tôi biết, mình “đã về nhà”. Cảm giác mừng tủi xen lẫn, không thể nào diễn tả được. Ba từ "đã về nhà" ấy thật bình dị, đơn giản với mọi người, nhưng điều đó lại trở thành thứ xa xỉ với thủy thủ, nhất là trong mùa dịch Covid-19 chưa từng có này.

Chuỗi ngày con tàu của chúng tôi chuẩn bị cập cảng Dung Quất để trả hàng, là những ngày chúng tôi không thể nào chợp mắt, vừa hạnh phúc, vừa hồi hộp. Mình có an toàn, có mang bệnh về cho quê hương, cho người thân hay không!

Nguyễn Chiến Thắng cùng đồng nghiệp hạnh phúc khi được trở về quê hương.

Nguyễn Chiến Thắng cùng đồng nghiệp hạnh phúc khi được trở về quê hương.

Được ngồi trên chiếc đò đón chúng tôi vào cảng Dung Quất, không cảm giác nào sung sướng hơn như thế. Được về với quê hương, được về với người thân. Được trở lại nơi trước kia chúng tôi đã sinh ra và lớn lên. Cơn sóng lòng lại lớn hơn bao giờ hết. Nhưng không phải là lo sợ hoang mang mà là ngập tràn cảm giác hạnh phúc, sung sướng. Bởi NHÀ luôn là nơi hạnh phúc nhất trên thế gian này.

Bước chân đầu tiên tôi đặt lên đất liền là vùng đất Quảng Ngãi. Người tôi gặp đầu tiên không phải là gia đình, mà là các cán bộ biên phòng, các nhân viên y tế. Do dịch bệnh tái bùng phát, vì vậy tất cả đều nghiêm túc chấp hành mọi biện pháp phòng chống dịch.

Tôi không hề thất vọng, vì người đón không phải là gia đình mình, mà ngược lại, tôi cảm thấy rất yên tâm. Bởi luôn có cán bộ y tế đo nhiệt độ, phun thuốc khử trùng cả người, cả hành lý, cả phương tiện đưa đón chúng tôi từ lúc chúng tôi bước chân lên đất liền, cho đến tận lúc vào khu cách ly tập trung là một khách sạn tại xã Bình Đông, huyện Bình Trơn, tỉnh Quảng Ngãi đã được công ty đặt sẵn làm nơi cách ly cho thuyền viên.

Chúng tôi được phân mỗi người 1 phòng riêng với đầy đủ tiện nghi như một căn hộ. Thật rộng rãi và thoải mái, lúc này tôi thầm hài lòng và cám ơn công ty đã tạo điều kiện cho chúng tôi. Mỗi ngày đều có nhân viên y tế đo nhiệt độ 2 lần/ngày, mỗi bữa ăn đều được đem đến tận phòng, đồ ăn rất ngon theo tiêu chuẩn khách sạn. Bên cạnh đó, mỗi sáng có nhân viên y tế phun thuốc khử trùng dọc hành lang, đảm bảo mọi thứ đều sạch sẽ.

Điều thật may mắn cho chúng tôi, khi được nhập cảnh sáng 5/8 thì đến chiều cùng ngày, tỉnh Quảng Ngãi có lệnh tạm dừng nhập cảnh cho tất cả thuyền viên do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Nếu chậm vài giờ thôi, là chúng tôi đã hết đường VỀ NHÀ. 

Kết quả xét nghiệm lần 1 của 14 thuyền viên đều âm tính với virus SARS-CoV-2. Chúng tôi mừng rỡ, thở phào và tiếp tục thực hiện cách ly đủ 14 ngày an toàn để được trở về sum họp cùng với những người thân yêu của mình.

Mong rằng, tất cả mọi người đều cố gắng chấp hành tất cả các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 mà nhà nước đã đề ra, để nước ta mong chóng trở lại cuộc sống hàng ngày.

(Kiến thức gia đình số 33)

Xem thêm
Bà Nguyễn Huyền Anh làm Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh

QUẢNG NINH Ngày 16/4, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị công bố quyết định về công tác cán bộ.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 1] Cây chết dần chết mòn vì thiếu nước

Khoảng 30ha rừng ngập mặn tại hai xã Nghĩa Lợi và Phúc Thắng (huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) gần một tháng qua rơi vào tình trạng khô hạn, không có nước vào, ra.