Năm 2019, dịch tả lợn châu Phi lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam sau đó lây lan ra nhiều tỉnh thành trên địa bàn cả nước khiến nhiều hộ chăn nuôi, các trang trại, gia trại thiệt hại nặng. Tại Quảng Ngãi, trong năm 2019, dịch bệnh này đã xảy ra tại 12 huyện, 422 thôn, 119 xã với hơn 7.300 hộ có heo mắc bệnh. Tổng số lượng heo tiêu hủy gần 36.400 con.
Sau khi dịch bệnh bùng phát, chính quyền địa phương tỉnh này đã nỗ lực dập dịch, khống chế lây lan cũng như tăng cường công tác tiêu độc, khử trùng các chuồng nuôi, trang trại, gia trại nuôi đã bị nhiễm bệnh. Thế nhưng, từ thời điểm đó đến nay, qua các năm bệnh vẫn thường xuyên xuất hiện, ảnh hưởng rất lớn đến người chăn nuôi trong tỉnh, đặc biệt là ở những hộ gia đình chăn nuôi theo quy mô nhỏ lẻ hoặc gia trại.
Sau khi vượt qua được “cơn bão” dịch tả lợn Châu Phi vào năm 2019, gia trại chăn nuôi với hơn 100 con heo các loại của gia đình ông Nguyễn Liên (trú thôn An Cư, xã Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) tưởng chừng như yên ổn. Thế nhưng, đến đầu năm 2021, đàn heo của gia đình ông bất ngờ bị mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy toàn bộ.
Nhớ lại thời điểm đó, ông Liên thất thần kể: “Lo sợ dịch bệnh, trong quá trình chăn nuôi tôi cũng phun thuốc, rải vôi rồi tiêm phòng đầy đủ nhưng không biết đàn heo của tôi bị nhiễm nguồn lây bệnh từ đâu. Nhìn cả đàn phải đem đi tiêu hủy mà bủn rủn chân tay, toàn bộ tài sản đầu tư vào đó phút chốc tiêu tan hết. Đợt dịch năm đó, gia đình tôi thiệt hại gần 1,6 tỷ đồng, gia đình lâm cảnh lao đao”.
Không chỉ ở huyện Tư Nghĩa mà nhiều địa phương khác có nghề chăn nuôi heo phát triển tương đối mạnh ở Quảng Ngãi như Nghĩa Hành, Sơn Tịnh… cũng xuất hiện dịch trở lại. Tuy không còn quy mô lớn như trước những sự ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi cũng khiến các nông hộ vô cùng lo lắng.
Theo bà Nguyễn Thị Thùy Trang, cán bộ Khuyến nông - Thú y xã Tịnh Sơn (huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi), virus dịch tả lợn Châu Phi rất mạnh, khó tiêu diệt nên tồn tại được rất lâu trong môi trường. Đây là nguyên nhân khiến cho bệnh này vẫn tồn tại âm ỉ suốt thời gian qua, chưa thể dứt điểm được. Trong 4 năm trở lại đây, hầu như năm nào địa phương cũng có hộ chăn nuôi xuất hiện dịch.
“Những trường hợp thường xuyên xuất hiện dịch là các chuồng nuôi hoặc hộ gia đình trước đó đã từng bị rồi. Mặc dù sau khi đàn heo bị nhiễm, các hộ dân cũng treo chuồng, tiêu độc khử trùng nhưng khi thả nuôi được vài tháng thì heo lại tiếp tục bị. Những lần bị sau khác lần trước là heo không chết đồng loạt mà có thể vẫn có 1 vài con có thể vượt qua. Dù bệnh cũng rải rác nhưng ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế của các hộ gia đình trong xã vì người dân ở đây chủ yếu nuôi heo nái, có trọng lượng và giá trị lớn”, bà Trang chia sẻ.
Như trường hợp của gia đình bà Nguyễn Thị Thọ (trú thôn Tây, xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh) mấy năm qua cũng điêu đứng vì dịch bệnh. 3 năm nay, năm nào gia đình bà cũng bị tác động do dịch tả lợn Châu Phi gây ra. Trong đó, nặng nhất là vào năm 2022 khi toàn bộ 5 con heo nái và 8 con heo thịt của gia đình bà bị bệnh chết, thiệt hại hơn gần 150 triệu đồng.
“Sau đợt dịch đó, tôi bỏ nuôi một thời gian, đến đầu năm 2023 thì gầy nuôi lại 2 con heo nái và 2 con heo thịt. Vậy mà vừa rồi cũng chết mất 3 con, giờ chỉ còn 1 con trong chuồng không biết có vượt qua được không. Giờ cũng lớn tuổi rồi, ở nhà không biết làm gì chỉ biết nuôi heo cũng để tận dụng thức ăn thừa chứ thấy heo dịch liên miên thế này cũng chán nản, muốn bỏ lắm”, bà Thọ than thở.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ngãi, để phòng ngừa dịch bệnh, đơn vị này đã xây dựng và tham mưu cho sở NN-PTNT trình UBND tỉnh ban hành các quyết định về phòng chống các dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, thủy sản. Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương có nguồn lực chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Bộ NN-PTNT như tiêm phòng, tiêu độc khử trùng, xử lý ổ dịch…
Đối với những hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng sử dụng ngân sách nhà nước chi theo định mức đã được quy định trong cơ chế chính sách hỗ trợ của tỉnh, góp phần giúp các hộ chăn nuôi giảm bớt thiệt hại về kinh tế.