| Hotline: 0983.970.780

Ea Tar ồ ạt thanh lý cao su chuyển sang cây trồng khác

Thứ Bảy 26/11/2016 , 07:25 (GMT+7)

Nhiều chủ vườn cao su ở xã Ea Tar (huyện CưM’gar, Đăk Lăk) đã thanh lý vườn cây để chuyển sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn,...

09-00-13_ntd
Một vườn cao su bị cắt ngọn, tỉa cảnh để chuyển sang trồng tiêu
 

Những năm gần đây, do giá thu mua mủ cao su liên tục giảm mạnh, tiền thu từ bán mủ không đủ để trả tiền nhân công và chăm sóc lại vườn cây nên nhiều chủ vườn cao su ở xã Ea Tar (huyện CưM’gar, Đăk Lăk) đã thanh lý vườn cây để chuyển sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn, điều đáng nói là nhiều chủ vườn đã thanh lý toàn bộ diện tích. Tình trạng nay, đang có nguy cơ phá vỡ quy hoạch cây cao su ở địa phương

Ông Lê Ngỡ ở thôn 1 là một trong những gia đình đã thanh lý diện tích cây cao su nhiều nhất ở xã Ea Tar, với 25ha được trồng liên kết từ năm 1990.

Sau nhiều năm khai thác cầm chừng, đợi giá lên, song đầu năm nay ông Ngỡ và nhiều hộ gia đình khác trong thôn đã quyết định thanh lý toàn bộ diện tích cao su để chuyển sang những cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Hiện nay, toàn bộ diện tích cao su đã được ông thanh lý xong, một phần diện tích đã đưa cây cà phê, hồ tiêu và hoa màu vào trồng.

Lý do phải thanh lý cây cao su được ông Ngỡ đưa ra là do cao su đã già cỗi, cho năng suất kém, cộng với giá mủ những năm gần đầy liên tục xuống thấp đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả kinh tế của gia đình, thu chỉ vừa đủ nộp sản và trả lương cho công nhân, chứ không có tích lũy…

“Cao su gia đình đến nay đã qua 26 năm, là chu kỳ cuối rồi, thời điểm khi đang khai thác chi phí trả nợ cho công ty và lương cho công nhân có thể huề vốn hoặc lỗ một ít. Đến nay, toàn bộ diện tích của gia đình đã được thanh lý hết, trồng lại cao su thời gian trồng kéo dài và vốn đầu tư rất lớn. Trên diện tích cao su thanh lý tôi cũng chưa trồng được mấy, còn để trống rất nhiều mới chỉ trồng được khoảng 4ha…”, ông Ngỡ chia sẻ.

Sau 3 năm “treo vườn” không khai thác do thu không đủ chi, cũng đồng nghĩa phải móc tiền túi để nộp sản cho công ty cao su, đầu năm nay ông Trần Xuân Cường cũng quyết định thanh lý hơn 3,2ha cao su liên kết của gia đình ở thôn 3 để chuyển sang cây trồng khác.

Lý giải về việc thanh lý cao su của gia đình, ông Cường cũng đưa ra những lý do: “Cao su trồng ngày xưa không được đạt tiêu chuẩn, thưa và chết nhiều. Năm giá đắt thì cuộc sống tạm đủ nhưng với giá cả như hiện nay thì không đủ trả lương cho người cạo. Cho cạo chia đôi công nhân cũng không chịu, liên tục 3 năm tôi không cạo và chấp nhận lấy tiền nhà để nộp sản cho công ty, nếu cạo thì còn lỗ hơn. Hiện nay, gia đình tôi đang trồng sầu riêng, bơ, cà phê và hồ tiêu những cây trồng này trước mắt thấy lợi nhuận cũng được…”.

Theo thống kê của UBND xã EaTar, từ đầu năm 2016 đến nay trên địa bàn xã có 22 hộ đã thanh lý cây cao su, với diện tích hơn 163ha. Trong đó, có đến 19 hộ đã thanh lý toàn bộ diện tích và có 3 hộ thanh lý trên 40% diện tích. Đây cũng là địa phương có diện tích cây cao su được thành lý nhiều nhất trong huyện, chiếm hơn 51,6% tống diện tích thanh lý toàn huyện trong năm nay (317,5ha). Hiện, xã EaTar chỉ còn 533ha cao su, các diện tích này đều đang trong giai đoạn kinh doanh, nhiều vườn cây đã già cỗi và cho năng suất thấp…

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Xuân Quyền - Phó chủ tịch UBND xã EaTar cho biết: “Cây cao su được người dân thanh lý trên địa bàn xã không phải là diện tích trồng mới mà chủ yếu là những diện tích đã hết hợp đồng liên kết với Công ty cao su Đăk Lăk, được trồng từ những năm 1990 - 1995 nên cây đã già cỗi, cho năng suất không cao, cộng với giá mủ những năm gần đây liên tục xuống thấp, nhiều vườn thu không đủ chi nên bà con làm đơn xin được thanh lý. Những diện tích được thanh lý hiện chưa có hộ nào trồng lại cây cao su mà chủ yếu là trồng cà phê, tiêu và một số loại cây hoa màu…”.

Hiện nay, giá thu mua mủ cao su trên thị trường đã bắt đầu tăng lên. Tuy nhiên vẫn đang ở mức thấp và không thể so sánh với cây cà phê, hồ tiêu… nên việc người dân tiếp tục thanh lý cao su để chuyển sang cây trồng khác là không tránh khỏi. Tình trạng này, tiềm ẩn nguy cơ sẽ phá vỡ quy hoạch cây trồng ở địa phương, ẩn họa nhiều hệ lụy khôn lường trong thời gian tới.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.