| Hotline: 0983.970.780

Ngành điều trong cơn khốn khó

Ép vỏ thành dầu điều - mặt hàng triệu đô

Thứ Hai 10/07/2023 , 10:30 (GMT+7)

BÌNH PHƯỚC Trong lúc điều nhân trắng xuất khẩu khó khăn, nhiều doanh nghiệp trong ngành điều ở Bình Phước đã tự tìm được lối thoát nhờ vào vỏ điều, thứ trước đây vốn chỉ vứt đi.

Không bỏ đi thứ gì

Vỏ hạt điều được xem là phế thải mà trước đây phải mất nhiều thời gian, công sức để đốt bỏ, thậm chí gây ô nhiễm môi trường. Nhờ tận dụng công nghệ cơ khí, từ phế phẩm trong ngành điều, vỏ hạt điều trở thành loại dầu hữu ích phục vụ cho nhiều ngành công nghiệp phụ trợ. Từ đó, giúp các doanh nghiệp tại Bình Phước vượt khó trong lúc này.

Công ty TNHH Chế biến nông sản Phước Thành là một trong những 'cánh chim đầu đàn' tại Bình Phước biến vỏ điều thành dầu, bán với giá cao. Ảnh: Lê Bình.

Công ty TNHH Chế biến nông sản Phước Thành là một trong những "cánh chim đầu đàn" tại Bình Phước biến vỏ điều thành dầu, bán với giá cao. Ảnh: Lê Bình.

Bài liên quan

Cơ sở ép dầu điều của anh Bùi Hữu Phước (Công ty TNHH Chế biến nông sản Phước Thành, phường Phước Bình, thị xã Phước Long) là một trong những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực này. Anh Phước đã đầu tư hệ thống dây chuyền thiết bị tiên tiến, hiện đại, được vận hành bán tự động.

Anh Phước cho biết, sau 10 năm kinh doanh trong lĩnh vực chế biến hạt điều, nhận thấy dầu từ vỏ hạt điều có chứa hỗn hợp các alkyl phenol tự nhiên, các hoạt chất này là nguyên liệu thô đa năng với các ứng dụng rộng rãi như: Làm chất phủ bề mặt, sơn, vecni, sản xuất polyme, ứng dụng trong làm sơn tàu biển, xử lý gỗ, sơn mài, làm chất đốt, chiết xuất chất kháng khuẩn…

Bài liên quan

Qua tìm hiểu ở các tỉnh bạn, thấy nguyên lý hoạt động của máy ép xơ dừa có thể cải tiến thành máy ép vỏ điều, sau khi mày mò nghiên cứu, anh Phước quyết định mở nhà máy thu mua vỏ điều từ doanh nghiệp bạn về ép lấy dầu.

Theo anh Phước, quy trình ép dầu điều khá đơn giản. Vỏ hạt điều nhập về, dùng máy xúc đưa vào thùng chứa, sau đó lọc bỏ rác rồi chuyển xuống máy ép, dầu điều chảy vào bồn chứa phía trước, bã chảy ra băng tải phía sau, ra kho bãi. Cứ 1 tấn vỏ hạt điều sẽ sản xuất được 230kg dầu, phần còn lại sau khi ép được tận dụng làm chất đốt thay thế than đá, than củi.

Vỏ điều là nguyên liệu cực dồi dào, giá thành rẻ nhưng vẫn chưa được tận dụng nhiều. Đây chính là 'mỏ vàng lộ thiên' còn rất nhiều tiềm năng. Ảnh: Lê Bình.

Vỏ điều là nguyên liệu cực dồi dào, giá thành rẻ nhưng vẫn chưa được tận dụng nhiều. Đây chính là "mỏ vàng lộ thiên" còn rất nhiều tiềm năng. Ảnh: Lê Bình.

“Nhìn chung hạt điều sau khi đưa vào chế biến thì không phải bỏ đi bất cứ thứ gì, nhân điều dùng làm thực phẩm, vỏ dùng ép dầu và làm chất đốt phục vụ tái sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Rác thải của ngành điều trở thành nguyên liệu đầu vào của ngành khác. Hiện 1 tấn dầu vỏ hạt điều thô được bán tại công ty với giá khoảng 15 triệu đồng, bã vỏ điều bán với giá 1,5 triệu đồng/tấn”, anh Phước chia sẻ.

Nguyên liệu dồi dào

Bình Phước là thủ phủ điều và là công xưởng ngành chế biến điều của cả nước với khoảng 200 doanh nghiệp và khoảng 1.400 cơ sở chế biến hạt điều. Khi hoạt động chế biến nhân điều phát triển, lượng vỏ điều thải ra cũng rất lớn. Việc các doanh nghiệp sản xuất dầu điều ra đời vừa giúp giải quyết vấn nạn ô nhiễm do vỏ điều gây ra, vừa tăng giá trị cho ngành sản xuất, chế biến điều của địa phương. 

Ông Bùi Văn Tân, chủ cơ sở sản xuất nhân điều Hoàng Long (thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp) cho biết, mỗi ngày cơ sở sản xuất khoảng 30 tấn điều thô, phát sinh khoảng 20 - 21 tấn vỏ điều gây ô nhiễm môi trường khu dân cư. Tuy nhiên, khi các công ty sản xuất dầu điều ra đời, cơ sở không còn phải lo lượng vỏ hạt điều thải ra mà còn có thêm nguồn thu đáng kể từ bán vỏ hạt điều.

“Cơ sở sản xuất xong ngày nào có doanh nghiệp sản xuất dầu điều đến thu mua vỏ hạt điều ngày đó nên rất tiện, không còn phải lo tìm chỗ thải bỏ”, ông Tân cho hay.

Tương tự, chị Nguyễn Tâm Hạnh, Phó Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Mỹ Hạnh ở phường Long Phước (thị xã Phước Long) cho biết, doanh nghiệp của chị sản xuất 3 tấn nhân hạt điều mỗi ngày, thải ra 9 - 10 tấn vỏ. Vỏ hạt điều thường sẽ làm chất đốt, nhưng ảnh hưởng lớn đến môi trường, còn bỏ đi làm rác thải thì tốn kém chi phí vận chuyển, nơi tập kết...

'Cái khó ló cái khôn', nhiều chủ doanh nghiệp đang tự chế những máy móc để biến vỏ điều thành 'vàng ròng'. Ảnh: Lê Bình.

"Cái khó ló cái khôn", nhiều chủ doanh nghiệp đang tự chế những máy móc để biến vỏ điều thành "vàng ròng". Ảnh: Lê Bình.

“Từ ngày các doanh nghiệp ở địa phương đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng dầu từ vỏ điều đã tạo thuận lợi cho các cơ sở sản xuất nhân hạt điều có thêm nguồn thu, lại không tốn chi phí đốt, không thải ra ngoài gây ô nhiễm môi trường”, chị Hạnh nói.

Theo anh Bùi Hữu Phước (Công ty TNHH Chế biến nông sản Phước Thành), Bình Phước hiện có trên 30 nhà máy ép dầu điều, tập trung phần lớn tại thị xã Phước Long. Hiện thị trường dầu điều rất lớn và không ngừng được mở rộng, trong đó xuất khẩu chiếm 80% sản lượng sang các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Mỹ…

Với hơn 40 máy ép dầu điều, mỗi ngày, nhà máy của anh Phước tiêu thụ gần 1.500 tấn vỏ hạt điều, sản xuất ra 230 - 250kg dầu, với thời giá 10.000 đồng/kg dầu điều, mỗi năm thu về hàng tỷ đồng.

Từ khi có ngành sản xuất dầu điều, vỏ hạt điều trở thành nguyên liệu có giá trị. Đóng góp của ngành sản xuất này không chỉ về kinh tế mà còn giải quyết vấn đề môi trường, góp phần phát triển nền kinh tế nhanh và bền vững. Thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn trong ngành chế biến điều là cơ hội lớn nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng giá trị gia tăng cho ngành điều.

Đón làn sóng đầu tư

Theo Sở Công Thương tỉnh Bình Phước, công nghệ ép vỏ dầu điều đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển tại Bình Phước, công nghệ đơn giản nhất có từ năm 2003. Số lượng doanh nghiệp tham gia thị trường này cũng tăng dần trên địa bàn tỉnh và mở rộng ra nhiều địa phương khác ở phía Nam.

Công nghệ chiết xuất dầu từ vỏ hạt điều từng phát triển ồ ạt, tạo nên thị trường cạnh tranh nguyên liệu vỏ hạt điều cả trong và ngoài tỉnh. Thậm chí thị trường nước ngoài còn xuất khẩu vỏ điều vào Việt Nam để phục vụ các nhà máy chế biến. Chính vì thế, sự sàng lọc tự nhiên bắt đầu xuất hiện, nhiều doanh nghiệp ngưng hoạt động hoặc giảm quy mô chế biến để những doanh nghiệp có quy mô lớn hơn về vốn, trình độ công nghệ và năng lực huy động nguyên liệu gia nhập thị trường.

Ngoài chế biến thành dầu điều thì vỏ điều cũng có thể được tận dụng để làm chất đốt, ván dăm... Ảnh: Lê Bình.

Ngoài chế biến thành dầu điều thì vỏ điều cũng có thể được tận dụng để làm chất đốt, ván dăm... Ảnh: Lê Bình.

Đến năm 2021, Bình Phước bắt đầu bùng nổ trở lại nhu cầu đầu tư xây dựng mới các nhà máy dầu chiết xuất từ vỏ hạt điều, giá nguyên liệu vỏ và giá bán sản phẩm tăng dần. Hiện đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước nhận thấy tiềm năng rất lớn từ thị trường ngành hàng này đem lại ở quy mô sản lượng, chất lượng sản phẩm, phụ phẩm thu được từ quá trình ép, chiết xuất dầu. Phụ phẩm của vỏ hạt điều cũng có khả năng sản xuất viên nén cung cấp cho các lĩnh vực làm chất đốt, tạo nguồn năng lượng điện sinh khối… 

Cùng với đặc tính giảm thiểu phát thải khi thay thế dần vai trò của dầu diesel trong một số lĩnh vực, dầu chiết xuất từ vỏ hạt điều ở tỉnh Bình Phước đang hấp dẫn vốn ngoại. Nhu cầu này trở thành làn sóng đầu tư mới vào tỉnh với khả năng cạnh tranh cao về trình độ công nghệ, nguồn nhân lực kỹ thuật cao và đặc biệt là khả năng liên kết vùng trồng, hình thành nên chuỗi giá trị sản xuất - xuất khẩu bền vững trên địa bàn tỉnh. Bình Phước đã và đang dành sự quan tâm đặc biệt vào ngành hàng này bên cạnh nhóm sản phẩm chủ lực là nhân hạt điều.

“Nhờ áp dụng khoa học - công nghệ, cơ giới hóa, tự động hóa, đã giải quyết được các vấn đề khó khăn trong chế biến hạt điều như môi trường, thiếu lao động, kiểm soát chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm… Cũng từ sự sáng tạo của người dân, các nhà khoa học, sản phẩm từ cây điều đã được tận thu một cách triệt để, mang lại nguồn lợi kinh tế lớn cho người dân, doanh nghiệp và cho tỉnh.

Đặc biệt, sự lớn mạnh, phát triển của ngành chế biến hạt điều, ép dầu từ vỏ hạt điều tại Bình Phước thời gian qua đã thúc đẩy ngành công nghiệp cơ khí phụ trợ phát triển, góp phần giải quyết các vấn đề khó khăn trong chế biến hạt điều”, Giám đốc Sở Công hương tỉnh Bình Phước, ông Vũ Ngọc Long cho biết.

Xem thêm
Gia vị Việt Nam bị châu Âu cảnh báo tăng gấp 7 lần

Việt Nam là nước bị châu Âu cảnh báo nhiều nhất về gia vị nhập khẩu trong năm qua, với số trường hợp cao gấp 7 lần năm 2023.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.