Sáng kiến này được Bộ Ngoại giao Trung Quốc thành lập vào tháng 4 năm 2012 và nắm vai trò chủ đạo, nhằm tăng cường quan hệ kinh doanh và đầu tư giữa Trung Quốc với các nước Trung và Đông Âu (Trung Quốc-CECC).
Trong một thông cáo báo chí, Bộ Ngoại giao Estonia cho biết nước này sẽ không tham gia diễn đàn Trung Quốc-CECC nữa nhưng cam kết sẽ “tiếp tục hướng tới các mối quan hệ mang tính xây dựng và thực chất hơn với Trung Quốc”, bao gồm cả việc thúc đẩy quan hệ EU-Trung Quốc phù hợp với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Cùng thời điểm, Bộ Ngoại giao Latvia cũng đưa ra một tuyên bố tương tự cho biết, quốc gia này “đã quyết định ngừng tham gia vào khuôn khổ hợp tác của các nước Trung và Đông Âu với Trung Quốc”. Tuy nhiên, giống như Estonia, nước này cam kết sẽ “tiếp tục phấn đấu cho các mối quan hệ mang tính xây dựng và thực chất hơn với Trung Quốc cả về phương diện song phương, cũng như thông qua hợp tác EU-Trung Quốc”.
Hiện Bắc Kinh vẫn chưa đưa ra bất cứ thông tin phản hồi nào về sự rút lui của hai quốc gia nói trên.
Hồi tháng 5 năm ngoái, Litva là quốc gia đầu tiên rút lui khỏi tổ chức này, sau khi nước này phải đối mặt với áp lực kinh tế và chính trị từ Trung Quốc, trước quyết định để chính quyền eo biển Đài Loan mở văn phòng đại diện tại thủ đô Vilnius. Bắc Kinh đã hạ cấp quan hệ song phương, bằng cách triệu hồi đại sứ về nước và yêu cầu Litva làm điều tương tự.
Tiếp đó, Trung Quốc cũng cấm các sản phẩm hàng hóa nhập khẩu từ Litva.
“Theo quan điểm của chúng tôi, đã đến lúc khối liên minh châu Âu (EU) phải thay đổi định dạng để thống nhất và hiệu quả hơn”, tờ Politico dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Litva, Gabrielius Landsbergis tuyên bố vào thời điểm rút lui.
Chính phủ Litva dự kiến sẽ mở văn phòng thương mại tại Đài Bắc vào tháng 9 tới. Cách đây ba ngày, ngay sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến Đài Loan, một phái đoàn của chính phủ Litva do Thứ trưởng Bộ Giao thông Litva Agnė Vaiciukeviciute dẫn đầu đã có chuyến công du Đài Loan để tăng cường trao đổi và hợp tác song phương liên quan đến lĩnh vực giao thông thông minh và thân thiện, truyền thông 5G và xe buýt điện.
Phản ứng với động thái trên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cáo buộc Litva đang cố gắng làm hài lòng Mỹ bằng cách xây dựng quan hệ với Đài Loan và đẩy căng thẳng ở eo biển Đài Loan leo thang.
Theo AP, với việc cả ba quốc gia vùng Baltic rời bỏ khỏi sáng kiến hợp tác kinh tế với Trung Quốc, như vậy khối 17+1 hiện chỉ còn là 14+1, trong đó bao gồm chín nước liên Âu là Ba Lan, Bulgari, Croatia, Cộng hòa Séc, Hy Lạp, Hungary, Rumani, Slovakia và Slovenia, cùng với 5 quốc gia nằm ngoài khối liên Âu là Albani, Bosnia & Herzegovina, Montenegro, Serbia và Bắc Macedonia.
Theo giới quan sát, Trung Quốc thiết lập diễn đàn này nhằm mục tiêu tăng cường quan hệ với các thành viên EU cũng như với Serbia và các quốc gia khác, qua đó phát triển sáng kiến Vành đai Con đường của Chủ tịch Tập Cận Bình trên lục địa châu Âu.
Ngay sau khi hình thành, diễn đàn này cũng đã hứng chịu nhiều chỉ trích là nằm trong một chiến dịch rộng lớn của Bắc Kinh.
Theo AP, động thái rời bỏ khỏi nhóm hợp tác của Latvia và Estonia có thể xuất phát từ việc Trung Quốc tăng cường quan hệ với Nga, sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow đối với quốc gia láng giềng Ukraine- được mô tả là bước đi đầu tiên trong ý đồ chinh phục trở lại các nước từng là một phần của Liên Xô cũ, trong đó có ba quốc gia vùng Baltic.