| Hotline: 0983.970.780

Gà đồi Yên Thế phải tập trung phát triển chất lượng

Thứ Hai 23/09/2024 , 20:10 (GMT+7)

BẮC GIANG Dư địa để tăng số lượng đàn gia cầm Yên Thế không còn nhiều, hiện nay muốn phát triển được phải tập trung vào chất lượng, song vẫn còn rất nhiều trở ngại.

Yên Thế là huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang, có diện tích trên 303km2, dân số trên 10 vạn người với 14 dân tộc anh em cùng chung sống. Nơi đây không chỉ nổi bật bởi giá trị văn hóa truyền thống mà còn được biết đến với nhiều đặc sản nổi tiếng, mang tính thương hiệu cao, đặc biệt là gà đồi Yên Thế.

Mô hình nuôi gà đồi Yên Thế gồm hai giống chủ lực là Ri lai và Mía lai. Đây là những giống gà có ngoại hình đẹp, chất lượng thịt thơm ngon, được thả nuôi dưới tán cây rừng và cây ăn quả theo đúng quy trình an toàn sinh học.

Huyện Yên Thế (Bắc Giang) có điều kiện tự nhiên, sinh thái, thổ nhưỡng rất thuận lợi cho phát triển chăn nuôi gà đồi. Ảnh: Hồng Thắm.

Huyện Yên Thế (Bắc Giang) có điều kiện tự nhiên, sinh thái, thổ nhưỡng rất thuận lợi cho phát triển chăn nuôi gà đồi. Ảnh: Hồng Thắm.

Hiện nay, huyện Yên Thế đã hình thành các vùng chăn nuôi gà vườn đồi tập trung tại các xã như Đồng Tâm, Đồng Kỳ, Canh Nậu, Tiến Thắng, Tam Hiệp, Tam Tiến... với gần 4.000 hộ chăn nuôi thường xuyên. Với tổng đàn gà ổn định ở mức 4 - 4,5 triệu con, hàng năm huyện Yên Thế xuất bán ra thị trường trên 14 triệu con gà đồi thương phẩm với giá trị đạt trung bình từ 1.300 - 1.500 tỉ đồng. 

Đánh giá về những thuận lợi trong việc phát triển chăn nuôi gà đồi Yên Thế, ông Giáp Quý Cường, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Yên Thế cho hay, điều kiện tự nhiên, sinh thái, thổ nhưỡng thuận lợi tạo cho Yên Thế lợi thế phát triển ngành nông nghiệp đa dạng với nhiều mô hình kinh tế vườn đồi, vườn rừng gắn với phát triển chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi gà.

Hơn nữa, người dân trên địa bàn huyện Yên Thế có kinh nghiệm nuôi gà thả đồi từ rất lâu, qua thời gian đã đúc kết được những quy trình chăn nuôi gà phù hợp.

“Chăn nuôi gà đồi Yên Thế đã hình thành một vùng rộng lớn. Bà con coi đó là một nghề, người này nối tiếp người kia, hộ dân này nhìn hộ dân kia, tự nhận thức và cùng bảo ban nhau cách chăm sóc, cách nuôi dưỡng để con gà phát triển tốt nhất”, ông Cường nói.

Đàn gà ở Yên Thế đang được người dân địa phương chú trọng phát triển mạnh, nhưng bên cạnh lợi ích kinh tế mang lại, theo ông Cường vẫn còn những thách thức và tiềm ẩn nguy cơ thiếu bền vững như: Bà con chưa chú trọng về quy trình chăn nuôi, chuồng nuôi chưa đảm bảo. Nguồn giống sản xuất tại chỗ khan hiếm, nhiều hộ phải mua giống bên ngoài để sản xuất nhưng chất lượng con giống cũng như dịch bệnh chưa được kiểm soát chặt chẽ…

Cùng quan điểm, ông Đào Xuân Vinh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang cho biết, Bắc Giang rất quan tâm đến việc phát triển gà đồi Yên Thế, đã có rất nhiều chính sách, đề án, chương trình, kế hoạch để thúc đẩy phát triển trong những năm qua.

Ngoài ra, về điều kiện địa hình, Yên Thế có diện tích rộng, có các vườn vải, vườn cây lâm nghiệp rất thuận lợi cho việc chăn nuôi gà.

Bên cạnh đó, các tiến bộ kỹ thuật hiện nay cũng rất phong phú, rất thuận lợi để nông dân tiếp thu và ứng dụng trong chăn nuôi. Thức ăn, vacxin, thuốc thú y… cũng rất thuận lợi, đa dạng về chủng loại và sẵn có trên thị trường.

Hiện nay chăn nuôi gà của Yên Thế tuy tổng đàn khá lớn nhưng quy mô chủ yếu vẫn nhỏ lẻ, chuồng trại sơ sài, khó có thể áp dụng được những tiến bộ về mặt công nghệ. Ảnh: Hồng Thắm.

Hiện nay chăn nuôi gà của Yên Thế tuy tổng đàn khá lớn nhưng quy mô chủ yếu vẫn nhỏ lẻ, chuồng trại sơ sài, khó có thể áp dụng được những tiến bộ về mặt công nghệ. Ảnh: Hồng Thắm.

Mặc dù vậy, bên cạnh những lợi thế, tiềm năng, việc phát triển gà đồi Yên Thế cũng còn rất nhiều khó khăn. Theo ông Vinh, hiện nay chăn nuôi gà của Yên Thế tuy tổng đàn khá lớn nhưng quy mô chủ yếu vẫn nhỏ lẻ, chuồng trại sơ sài, khó có thể áp dụng được những tiến bộ về mặt công nghệ.

Thứ hai, tuy gà đồi Yên Thế chưa mắc phải dịch bệnh nhưng tiềm ẩn nguy cơ về dịch bệnh rất cao, ví dụ như bệnh Newcastle hay cúm gia cầm.

Thứ ba, hiện nay giá thức ăn chăn nuôi vẫn còn cao, chưa ổn định do phần lớn nguồn nguyên liệu để sản xuất thức ăn vẫn còn phụ thuộc vào nhập khẩu.

“Dư địa để tăng số lượng đàn gia cầm Yên Thế không còn nhiều nên muốn phát triển phải tập trung vào chất lượng để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, cũng như hướng tới xuất khẩu”, ông Vinh nhấn mạnh.

Đây là những vấn đề đòi hỏi chính quyền địa phương và người chăn nuôi cùng quan tâm cùng tháo gỡ, để sản phẩm gà đồi Yên Thế ngày càng có mặt ở nhiều thị trường trong nước và quốc tế. 

Xem thêm
Từ vụ hổ, báo, sư tử bị chết do cúm gia cầm A/H5N1: [Bài 1] Đồng Nai vá lỗ hổng

Vụ hổ, báo, sư tử bị chết vì cúm A/H5N1 tại Khu du lịch Vườn Xoài và Vườn thú Mỹ Quỳnh buộc ngành thú y Đồng Nai phải thay đổi chiến lược ứng phó.

Giảng viên TOT-IPM được tập huấn lên TOT-IPMH

Tham gia khóa tập huấn, học viên sẽ được tham quan, học tập tại các mô hình tiêu biểu về IPHM như sản xuất rau an toàn, VietGAP, Global GAP trên địa bàn Hà Nội.

Giống sắn xua tan nỗi ám ảnh bệnh khảm lá

Giống sắn HN1 cho năng suất củ tươi đạt trên 34 tấn/ha, hàm lượng tinh bột tối thiểu 25%, đặc biệt giống sắn này có khả năng kháng bệnh khảm lá vượt trội.