Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), nhu cầu gạo tấm từ Trung Quốc đang tăng cao bất thường trong những ngày gần đây.
Một nguyên nhân quan trọng là do chi phí thức ăn chăn nuôi tăng trong bối cảnh lo ngại về nguồn cung ngô và lúa mì. Giá 2 loại ngũ cốc này tăng vọt xuất phát từ căng thẳng gia tăng xung quanh khu vực Biển Đen trong những tuần gần đây.
Ukraine hiện là nước xuất khẩu ngô lớn thứ tư thế giới, và Nga là nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới. Nga và Ukraine chiếm khoảng 29% xuất khẩu lúa mì và 19% xuất khẩu ngô toàn cầu. Xung đột giữa 2 nước này khiến thị trường dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng lương thực trên toàn cầu.
Giá gạo tấm xuất xứ châu Á cũng bắt đầu tăng theo đà đi lên giá ngô và lúa mì khi người mua chuyển sang dùng gạo tấm để thay thế ngô và lúa mì trong sản xuất thức ăn chăn nuôi. Ngày 11/3, gạo 100% tấm của Ấn Độ ở mức 313/tấn (giá FOB), đã tăng 32 USD/tấn kể từ đầu năm.
Các nhà xuất khẩu Ấn Độ cho biết nhu cầu gạo tấm từ khách hàng Trung Quốc đang rất mạnh, giữa lúc Ấn Độ cũng đang phải đối mặt với tình trạng nguồn cung gạo tấm hạn chế bởi tỷ lệ gạo nguyên hạt từ vụ Kharif (thu được trong quá trình xay xát) cao hơn dự kiến, trong khi nhu cầu gạo trắng 25% tấm cao hơn 5% tấm và những khó khăn trong việc vận chuyển gạo tấm từ các nhà máy nội địa đến cảng Kakinada.
Các nhà xuất khẩu Pakistan cũng cho biết nhu cầu từ Trung Quốc đối với gạo tấm của họ đang tăng cao, trong khi nhu cầu gạo nguyên hạt giảm sút. Có thông tin các nhà máy chế biến lúa gạo đang làm cách chỉ cho ra gạo tấm – vốn trước đây thường được coi là một sản phẩm phụ.
Một nhà xuất khẩu Pakistan thậm chí tuyên bố rằng một số nhà máy đang làm vỡ gạo nguyên hạt để thành gạo tấm cung cấp cho các đơn hàng, chủ yếu của khách Trung Quốc.
Không chỉ từ Trung Quốc, các khách hàng khác cũng đang có nhu cầu gia tăng đối với gạo tấm.
Thông tin từ Thái Lan cho biết một chuyến tàu chở gạo tấm đã rời Bangkok đi Mỹ hôm 28/2. Hợp đồng mua bán này được cho là "bất thường" vì người mua Mỹ trong trường hợp cần thiết thường đáp ứng nhu cầu gạo tấm của mình bằng cách nhập khẩu từ Brazil.
Cước phí vận chuyển và giá thức ăn chăn nuôi tăng cũng góp phần đẩy nhu cầu gạo tấm tăng lên.
Các nước châu Á như Thái Lan, Việt Nam … thường xuất khẩu khối lượng lớn gạo tấm và nhập khẩu khối lượng lớn ngũ cốc thức ăn chăn nuôi. Điều đó cho thấy triển vọng nhu cầu nội địa đối với gạo tấm tại những thị trường này cũng sẽ gia tăng trong những tuần tới để đáp ứng nhu cầu thức ăn chăn nuôi.
Giá gạo tấm cao hơn giá gạo nguyên
Một số nguồn tin Pakistan cho biết, do nhu cầu gạo tấm tăng cao, giá gạo trắng 25% tấm giảm có lúc xuống thấp hơn giá gạo trắng 100% tấm. Theo S&P Global Platts, ngày 28/2, giá 2 loại gạo này của Pakistan đã có lần đầu tiên trong lịch sử ngang bằng nhau.
Việc giá gạo tấm ngang bằng giá gạo nguyên hạt là điều hiếm khi xảy ra, song với tác động từ những diễn biến gần đây ở khu vực Biển Đen, cho thấy điều này đang tiếp diễn, thậm chí giá gạo nguyên xuống thấp hơn giá gạo tấm.
Thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, ngày 11/3, giá gạo 25% tấm ngang bằng với giá gạo 100% tấm của Thái Lan khi cùng ở mức 423 USD/tấn. Cũng trong ngày 11/3, giá gạo 25% tấm của Pakistan là 316 USD/tấn, thấp hơn 14 USD/tấn so với gạo 100% tấm (330 USD/tấn).