Đặt mục tiêu gỡ “thẻ vàng” trong năm 2022
Trong những năm qua, thủy sản đã trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên, việc quản lý nguồn lợi và khai thác thủy sản vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, phát triển thiếu bền vững, chưa đáp ứng đầy đủ các quy định pháp lý về quản lý nghề cá.
Do vậy, ngày 23/10/2017 Ủy ban Châu Âu (EC) đã cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu vì chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (Khai thác IUU).
Với nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành và 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển, sau hơn 4 năm, công tác chống khai thác IUU đã đạt được những kết quả quan trọng như hệ thống pháp luật về thủy sản từng bước hoàn thiện, tàu cá vi phạm vùng biển các nước đã giảm so với các năm trước…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế chậm khắc phục. Điển hình như tình hình tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài tiếp tục tiếp diễn. Đây là vấn đề lớn, mang tính chất quyết định. Phía EC khẳng định sẽ không gỡ “thẻ vàng” nếu chưa chấm dứt được tình trạng này.
Bên cạnh đó, ngư dân Việt Nam vẫn chưa thực hiện nghiêm việc lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát VMS theo quy định. Công tác kiểm soát tàu cá ra vào cảng, lao động trên tàu cá, kiểm soát sản lượng qua cảng để thực hiện đúng quy định về chứng nhận, xác nhận, truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác còn chưa chặt chẽ, chưa đảm bảo độ tin cậy.
Ngoài ra, kết quả thực thi pháp luật, xử phạt còn chưa nghiêm, thống nhất giữa các địa phương, chế tài xử phạt còn chưa đủ mạnh so với các nước trong khu vực, chưa đảm bảo tính răn đe…
Theo đó, nếu không giải quyết được hoạt động khai thác IUU, Việt Nam sẽ bị xác định là quốc gia không hợp tác, rất có thể sẽ bị áp dụng biện pháp “thẻ đỏ” và tất cả sản phẩm thủy sản từ khai thác sẽ bị cấm xuất khẩu vào EU. Ngoài ra, EU là thị trường tín chỉ nên các thị trường khác có thể sẽ áp dụng biện pháp tương tự.
Vì vậy, để hoàn thành mục tiêu đến năm 2022 Việt Nam có thể gỡ “thẻ vàng” của EC, ngay từ đầu năm 2021, Bộ NN-PTNT và Tổng cục Thủy sản đã chủ động rà soát, kịp thời bổ sung, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy định pháp luật để xây dựng Đề án Phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025.
Từ khi EC cảnh báo “thẻ vàng”, hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã bị tác động rõ rệt và liên tục giảm sút qua các năm. Thị trường EU từ vị trí thứ 2 trong top thị trường nhập khẩu hải sản của Việt Nam đã tụt xuống vị trí thứ 5 kể từ năm 2018.
Chi phí xuất khẩu tăng cao, thời gian thông quan kéo dài, 100% lô hàng hải sản có nguồn gốc từ khai thác xuất khẩu sang thị trường EU đều bị giữ lại để kiểm tra gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp; đồng thời gây ảnh hưởng đến đời sống của ngư dân, đặc biệt là ảnh hưởng đến uy tín của ngành thủy sản Việt Nam.
Nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng nghề cá
Mục tiêu chung của Đề án Phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025 là triển khai đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả các quy định pháp luật thủy sản; tập trung triển khai các quy định về phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Đồng bộ các biện pháp ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC; quản lý hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản, các hệ sinh thái biển, phát triển nghề cá Việt Nam theo hướng bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế, nhằm nâng cao đời sống sinh kế của người dân vùng ven biển, góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Để hướng đến những mục tiêu đó, Đề án đã đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Một trong số đó là nhóm nhiệm vụ, giải pháp về đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng nghề cá và kiện toàn tổ chức bộ máy, bổ sung nguồn lực, trang thiết bị tại cảng cá.
Theo đó, Đề án sẽ ưu tiên bố trí kinh phí để đầu tư, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng nghề cá tại các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão theo quy hoạch (Trung ương đầu tư cảng cá loại I, địa phương đầu tư cảng cá loại II, III) đảm bảo đủ năng lực quản lý nghề cá tại các cảng cá (đảm bảo luồng lạch, cầu cảng cho tàu cá ra vào cảng an toàn, khu phân loại sản phẩm thủy sản khai thác, hệ thống xử lý chất thải, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm…), chống khai thác IUU.
Bên cạnh đó, kiện toàn tổ chức bộ máy cho cơ quan thủy sản địa phương, đặc biệt là tại các cảng cá đảm bảo thống nhất, đồng bộ về mô hình tổ chức quản lý cảng cá, mô hình thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại cảng cá giữa 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển.
Trong đó ưu tiên bố trí kinh phí, đầu tư, nâng cấp trang bị thiết bị, điều kiện làm việc, bố trí đủ nguồn nhân lực có chuyên môn nghiệp vụ cho Văn phòng Thanh tra, kiểm soát nghề cá tại cảng cá và Ban Quản lý cảng cá để nâng cao năng lực quản lý nghề cá tại các cảng cá; thường xuyên đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để kiểm soát tàu cá ra vào cảng, kiểm soát sản lượng qua cảng, truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác, xử lý các hành vi khai thác IUU theo đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời, triển khai lắp đặt hệ thống các camera giám sát tại các cảng cá chỉ định, kết nối đồng bộ với Trung tâm Điều hành, chỉ huy nghề cá tại Tổng cục Thủy sản và các cơ quan quản lý thủy sản địa phương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển để theo dõi, giám sát và quản lý nghề cá tại cảng.
Đề án sẽ thí điểm thực hiện mô hình kiểm soát nghề cá tại 3 cảng cá tại 3 miền gồm miền Bắc (Hải Phòng), miền Trung (Khánh Hòa), miền Nam (Cà Mau) với sự hỗ trợ, tư vấn về kỹ thuật của EC. Đánh giá hiệu quả, kinh nghiệm và nhân rộng mô hình đồng bộ, thống nhất tại 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển.
8 nhóm giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm
1. Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về thông tin truyền thông, tuyên truyền.
2. Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế chính sách.
3. Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng nghề cá và kiện toàn tổ chức bộ máy, bổ sung nguồn lực, trang thiết bị tại cảng cá.
4. Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về nâng cao năng lực, hiệu quả công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển của lực lượng kiểm ngư và các lực lượng chức năng khác có liên quan.
5. Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về quản lý đội tàu, cường lực khai thác, theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá.
6. Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về thực thi pháp luật, xử lý các hành vi khai thác IUU.
7. Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về truy xuất nguồn gốc sản phẩm hải sản.
8. Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về thực hiện các nghĩa vụ điều ước quốc tế và hợp tác quốc tế.