| Hotline: 0983.970.780

Gặt đêm chạy lũ

Thứ Hai 15/09/2014 , 10:15 (GMT+7)

Để tránh lũ, bà con nông dân vùng trũng tỉnh TT - Huế đang tất bật gặt lúa đêm cho kịp mùa vụ...

Vụ HT năm nay, toàn tỉnh gieo cấy hơn 25.000 ha lúa. Đến thời điểm hiện tại, còn khoảng 1.500 ha chưa thu hoạch xong.

Những diện tích còn lại chủ yếu nằm ở vùng thấp trũng, trận mưa đầu mùa làm ngập nước, tiến độ thu hoạch chậm.

Nông dân các xã Hương Phong, Hương Vinh (TX Hương Trà), Phú Thanh (huyện Phú Vang) không quản ngại giờ giấc, tranh thủ thu hoạch lúa vào ban đêm, tránh mưa lũ kéo về.

Những cánh đồng ở thôn Thuận Hòa B, xã Hương Phong về đêm nhộn nhịp hơn bởi tiếng người cười nói, tiếng đòn gánh kẽo kẹt năng trĩu trên vai người nông dân. Về những xứ đồng ven phá, mới thấy không khí tập nập của một vụ mùa vội vã mà bội thu. Những đôi tay thoăn thoát, kéo từng vạt lúa đều tắp. Chốc chốc, bà con lại pha ánh đèn, gánh lúa tất tả trong đêm.

Lúa nếp ở Hương Phong năm nay được mùa nhất trong mấy chục năm qua. Bỏ đôi quang gánh đầy lúa, anh Đặng Duy Phụng ở thôn Thuận Hòa B cho biết: “Như mọi năm, mưa về muộn, những cánh đồng chưa ngập nước, bà con cứ làm theo khung lịch mùa vụ mà thu hoạch.

Năm nay chỉ một hai trận mưa, báo hiệu mùa lũ lớn, nếu nước tràn về thì những vùng ven phá như Hương Phong khó mà “chạy” kịp với trời. Mấy hôm nay gia đình tui huy động hết cả 5 người, kể cả mấy cháu nhỏ gặt lúa đêm”.

Gia đình anh Phụng đến nay vẫn còn gần 10 ha lúa nếp chưa gặt kịp. Tuần trước, mưa xối xả, anh đứng ngồi không yên. Dù ban ngày đã tất bật lắm nhưng việc làm không xuể. Tranh thủ mấy ngày nắng ráo, anh mua sắm đèn mang trên đầu, cùng vợ con gặt lúa từ chạng vạng tối cho đến 1 - 2 giờ sáng hôm sau mới nghỉ.

Anh Phụng cũng như nhiều gia đình khác, làm ngày không đủ lại tranh thủ làm đêm. Cứ buổi chiều sau khi cơm nước xong xuôi, nông dân xã Hương Phong lại chuẩn bị nước non, quang gánh tất bật ra đồng. Gặt lúa miệt mài đến tận khuya, rạng sáng mới về nhà.

16-03-40_3
Ruộng đồng tất bật về đêm

Theo Sở NN-PTNT TT- Huế, toàn tỉnh còn 1.500 ha lúa HT chưa thu hoạch xong, chủ yếu tập trung ở vùng thấp trũng như Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, A Lưới. Riêng huyện A Lưới vẫn còn 500 ha lúa chưa chín do gieo cấy chậm.

Theo bà con các xã, cả hai vụ lúa năm nay đều được mùa lớn nhất trong 10 năm trở lại đây. Chỉ tính riêng xã Hương Phong, năng suất lúa bình quân trên 68,5 tạ/ha, sản lượng đạt trên 3.300 tấn.

Ngoài gặt tay, nhiều nông dân đã thuê cả máy gặt liên hợp cho kịp thời vụ. Ông Đặng Duy Phú ở thôn Thuận Hòa B, xã Hương Phong tâm sự: “Nếu không tranh thủ gặt đêm sẽ không kịp vì mưa lũ sắp về. Hơn 10 sào lúa nếp đang được huy động cả nhà tập trung thu hoạch”.

Ông Phú vừa là nông dân, cũng là một trong những chủ hai máy gặt đập liên hợp. Ông cho biết, những trận mưa vừa qua làm nhiều diện tích lúa thấp trũng trên địa bàn xã bị ngập, gây khó khăn trong việc thu hoạch. Hơn một tuần nay, hai máy gặt đập liên hợp của ông hoạt động thường xuyên, gặt cả ngày lẫn đêm để kịp thời tránh lũ.

Ông Trần Viết Én, Chủ tịch UBND xã Hương Phong cho biết là địa phương chủ yếu làm lúa nên lãnh đạo xã luôn bám sát tình hình SX của bà con. Sau những đợt mưa vừa qua, địa phương tập trung chỉ đạo các HTX, đơn vị quản lý tháo mở toàn bộ các cống để thoát nước trong đồng ruộng, tạo thuận lợi cho việc gặt. Theo tiến độ và những nỗ lực của nông dân, khoảng vài ngày tới xã sẽ hoàn thành việc thu hoạch lúa.

Tại một số địa phương như Hương Vinh, Phú Thanh vẫn còn nhiều diện tích lúa bị ngập, thu hoạch chậm. Mấy ngày nay, tranh thủ nước rút đến đâu, nông dân gặt đến đó. Nhiều nơi cũng tranh thủ gặt lúa đêm để kịp thời tránh lũ.

Ông Hồ Xuân Chung, Chủ tịch UBND xã Phú Thanh thông tin, trên địa bàn còn hơn 50 ha lúa ở vùng thấp trũng bị ngập nước nên thu hoạch chậm. Chính quyền vận động nông dân thuê máy gặt đập liên hợp và tranh thủ gặt đêm nhằm tránh thiệt hại do mưa lũ. Ghi nhận tiến độ như hiện nay, khoảng vài ngày tới số diện tích còn lại sẽ thu hoạch xong.

Xem thêm
Bảo toàn đàn vật nuôi giữa nắng nóng kỷ lục

BÌNH ĐỊNH Đang trong giai đoạn nắng nóng cao độ kỷ lục, người chăn nuôi tại Bình Định áp dụng nhiều biện pháp nhằm bảo toàn sức khỏe đàn vật nuôi.

Chó, mèo thả rông lông nhông khắp phố

BÌNH DƯƠNG Có rất nhiều người tại Bình Dương bị chó thả rông cắn phải đi tiêm phòng dại khiến người dân rất bức xúc vì nạn chó lông nhông khắp phố.

Lấy doanh nghiệp là đầu tàu để phát triển bền vững ngành mía đường

Cơ quan chức năng cần có giải pháp nhằm củng cố và phát triển chuỗi liên kết sản xuất trong bối cảnh cây mía đang dần mất vị thế.

'Bắt bệnh, bốc thuốc' cho vườn cam thoái hóa

HÀ TĨNH Nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, những vườn cam có 30 - 50% số cây 'ốm yếu', suy kiệt, có nguy cơ phải phá bỏ đã được giữ lại.