Theo tiến trình Brexit, ngoài các thỏa thuận thương mại sẽ được hai bên đàm phán dự kiến sẽ phải tốn rất nhiều thời gian và công sức khi hiện vương quốc Anh đã không còn ảnh hưởng trong các quy định, luật lệ của liên minh châu Âu (EU) thì vấn đề đánh bắt cá bắt đầu được đem ra thảo luận.
Giới quan sát nhận định, tranh cãi nảy lửa sẽ nổ ra khi EU vẫn sẽ tìm mọi cách duy trì quyền đánh bắt cá của mình trên vùng biển của Anh sau năm 2021, trong khi London thì lại rất muốn tách bạch vấn đề này.
"Chúng tôi rất muốn thấy thiện chí từ phía Anh để quá trình đàm phán đảm bảo đúng tiến độ nhưng quả thực là rất thất vọng với thái độ của họ trong hai vòng đàm phán trước đó", một quan chức phái đoàn EU nói với Financial Times.
Vương quốc Anh đã chính thức rời khỏi EU từ cuối tháng 1 năm nay và tự áp hạn chót cho các thỏa thuận thương mại song phương sẽ đạt được vào cuối năm nay. Tuy nhiên ngay cả khi chưa xảy ra đại dịch Covid-19 khiến mọi việc đều gián đoạn thì Brussels đã luôn coi mục tiêu này là quá tham vọng.
Việc Brexit thành công cũng đồng nghĩa sẽ xảy ra những biến động và xáo trộn lớn đối với tài nguyên quốc gia, nhưng chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson hiện không có dấu hiệu nào cho thấy sự linh hoạt trong đàm phán đúng hạn. Điều này đang làm tăng triển vọng sẽ lại tạo ra một Brexit không có thỏa thuận hỗn loạn do đôi bên không đạt điều khoản thay thế các luật lệ vốn rất phức tạp và chi tiết đã được xây dựng trong nhiều thập kỷ trước.
Đại diện các nhà ngoại giao EU tin rằng, cho dù bất kỳ thỏa thuận thương mại nào cũng cần phải được vạch ra từ nay đến tháng 10 mới mong có thể được phê chuẩn đúng hạn. Trong khi đó, Thủ tướng Boris Johnson thì vẫn kiên quyết phản đối bất kỳ một thỏa thuận đánh bắt dài hạn nào cho phép các tàu cá của EU được phép ra vào vùng biển của Anh và London chỉ ủng hộ một thỏa thuận ký theo từng năm.
"Đòi hỏi của EU là luôn muốn chúng tôi phải chấp nhận hạn ngạch cũ, theo chính sách đánh bắt thủy sản chung. Chúng tôi sẽ chỉ có thể đảm bảo mọi thứ diễn ra một cách suôn sẻ dựa trên thực tế rằng Vương quốc Anh vẫn có quyền kiểm soát các vùng biển của mình vào cuối năm nay", người phát ngôn của Phố Downing nói sau vòng đàm phán thứ hai kết thúc hồi cuối tháng Tư.
Theo đó, sẽ chỉ duy nhất một thỏa thuận được London chấp nhận là "thỏa thuận hàng năm và Vương quốc Anh sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động đánh bắt cá trong vùng biển của mình".
Theo số liệu của BBC công bố vào tháng 11 năm 2018, ngành công nghiệp đánh bắt cá của Anh sử dụng khoảng 24.000 lao động, đóng góp cho nền kinh tế là 0,12%, tương đương với ngành gỗ và nhỏ hơn ngành công nghiệp thuộc da.
Tuy nhiên ngoài vấn đề sinh kế, ngành đánh bắt thủy hải sản của vương quốc Anh còn mang một giá trị biểu tượng vô cùng giá trị khác - đó chính là chủ quyền của một hòn đảo tách biệt với lục địa châu Âu. Điều này theo giới phân tích, đây cũng là lý do vì sao nó gây tranh luận kéo dài và gây ra nhiều cảm xúc trong các cuộc tranh luận trưng cầu dân ý từ trước năm 2016 về tư cách thành viên EU cho tới bây giờ.
Trưởng phái đoàn đàm phán EU, Michel Barnier thì liên tục cáo buộc Anh cố tình rút lui khỏi các tuyên bố chính trị không ràng buộc về mối quan hệ tương lai giữa Thủ tướng Johnson và các nhà lãnh đạo EU từ năm ngoái, đồng thời nói rằng các vấn đề cụ thể như là đánh bắt cá thì không nên đưa vào các cuộc đàm phán.
"Anh lúc nào cũng chỉ chăm chăm đến những việc mà họ quan tâm và bảo vệ quyền lợi mà cố tình lờ đi những vấn đề chung lớn hơn", một nhà ngoại giao EU nói.