| Hotline: 0983.970.780

Chống khai thác IUU:

Phú Yên cơ bản khắc phục khuyến nghị của EC

Thứ Sáu 08/05/2020 , 07:10 (GMT+7)

Đến nay các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC), tỉnh Phú Yên cơ bản đã khắc phục.

Từ 2019 đến nay, các tàu cá tỉnh Phú Yên không còn vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản. Ảnh: Kim Sơ.

Từ 2019 đến nay, các tàu cá tỉnh Phú Yên không còn vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản. Ảnh: Kim Sơ.

Từ năm 2019 đến nay, tỉnh này không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Quyết liệt

Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, để góp phần gỡ “thẻ vàng” của EC, thời gian qua tỉnh Phú Yên đã triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Cụ thể, trong năm 2019, tỉnh đã tổ chức 11 cuộc hội nghị, tuyên truyền các quy định pháp luật liên quan về chống khai thác IUU với 565 lượt người tham dự. Và, hiện tỉnh vẫn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền: hướng dẫn các văn bản thi hành luật, các quy định pháp luật liên quan về chống khai thác IUU đến cộng đồng ngư dân, đặc biệt ở địa bàn trọng điểm có nhiều tàu cá khai thác hải sản vùng khơi.

Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU tại các cảng cá, gắn trách nhiệm người đứng đầu và có hình thức xử lý kịp thời đối với tổ chức, cá nhân vi phạm.

Đồng thời, tập trung nguồn lực (kinh phí, nhân lực, vật lực) khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản; kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng cũng như kiểm soát sản lượng thủy sản bốc dỡ tại cảng. 

Theo lãnh đạo Chi cục Thủy sản Phú Yên, kết quả năm 2019, các Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại cảng cá Đông Tác và Phú Lạc đã kiểm soát 3.473 lượt tàu rời cảng và 3.007 lượt tàu cập cảng.

Ban quản lý cảng cá đã thẩm định, cấp 116 hồ sơ xác nhận nguồn gốc nguyên liệu (SC) với sản lượng hơn 2,909 triệu kg. Chi cục Thủy sản cấp 26 giấy chứng nhận thủy sản khai thác (CC) với sản lượng là 156.368 kg.

Còn tính đến 20/4/2020, các Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại cảng cá đã kiểm 1.371 lượt tàu rời cảng và 1.127 lượt tàu cập cảng. Chi cục Thủy sản cấp 02 giấy chứng nhận thủy sản khai thác (CC) với sản lượng là 14.304 kg.

Về việc triển khai hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển, thời gian qua tỉnh cũng đã triển khai quyết liệt. Nhờ vậy, đến nay tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên là 382/428 phương tiện đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho hoạt động vùng khơi.

Trong đó, lắp thiết bị Movimar 13/13 phương tiện. Tỉnh cũng đã hoàn thiện việc cập nhật dữ liệu vào cơ sở dữ liệu tàu cá VNFISHBASE vào cuối tháng 10/2019.

Ghi nhận PV tại cảng cá Đông Tác, nhiều ngư dân hiểu rõ việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là một trong những yêu cầu bắt buộc nên họ tự nguyện tuân thủ.

Một chủ tàu đánh bắt cá ngừ ở phường Đông Tác, cho biết: Để lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, ngư dân phải bỏ ra từ 19 – 23 triệu đồng/tàu, đã có phí thuê bao một năm. Tuy nhiên đây là một trong những quy định để được cấp phép khai thác hải sản xa bờ (cũng như là một trong những khuyến nghị của EC) nên ngư dân chấp hành.

Như tàu tôi đã lắp đặt thiết bị hành trình từ cuối năm 2019. Từ ngày lắp đặt, tôi có thể theo dõi được hành trình tàu cá của mình giữa biển thông qua điện thoại di động, máy tính bảng… có kết nối mạng internet (3G).

Dù chi phí lắp đặt thiết bị tốn kém, nhưng lợi ích lâu dài tôi nghĩ sẽ giúp các chủ tàu nắm bắt thông tin nhanh và báo cáo cho cơ quan chức năng hỗ trợ kịp thời, khi tàu gặp sự cố trên biển.

Chấm dứt tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Tri Phương, PGĐ Sở NN-PTNT Phú Yên với Báo NNVN và cho biết thêm, từ sau vụ 5 tàu cá trong tỉnh vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài bị bắt trong năm 2018 thì từ năm 2019 đến nay, tàu cá trong tỉnh không còn vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản.

Khi các tàu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình sẽ nắm được hành trình tàu mình trên biển thông qua điện thoại di động, máy tính bảng… có kết nối mạng internet.

Khi các tàu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình sẽ nắm được hành trình tàu mình trên biển thông qua điện thoại di động, máy tính bảng… có kết nối mạng internet.

Để làm được điều nay, Sở NN-PTNT chỉ đạo Chi cục Thủy sản, Ban Quản lý cảng cá tỉnh, các đơn vị trực thuộc phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các Đồn, Trạm Kiểm soát Biên phòng theo dõi, kiểm soát, giám sát chặt chẽ hoạt động của tàu cá trên biển, kịp thời trao đổi thông tin và xử lý nghiêm theo quy định các tàu cá vi phạm, nhất là tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản.

Cụ thể, đối với tàu cá vi phạm trước đó, Sở NN-PTNT chỉ đạo Chi cục Thủy sản không cấp giấy phép khai thác thủy sản, không cho đóng mới tàu cá và buộc chủ tàu chi trả kinh phí đưa các thuyền viên đi trên tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, xử lý về nước. Đồng thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo kiểm điểm ngư dân và chính quyền địa phương có tàu cá bị nước ngoài bắt giữ.

Sau đó, Chỉ huy trưởng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên sẽ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tàu cá và ngư dân khai thác hải sản trái phép.

Bên cạnh đó, qua hệ thống giám sát tàu cá, các đơn vị cũng đã kịp thời thông báo ngay cho chủ tàu và thuyền trưởng tàu cá có dấu hiệu vượt ranh giới và vượt ranh giới cho phép trên biển lập tức đưa tàu trở lại ranh giới cho phép trên biển và xử lý nghiêm theo quy định khi tàu về bờ.

Ngoài ra, Sở NN-PNT cũng tăng cường phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan, triển khai đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là áp dụng chế tài xử phạt nghiêm đối với  hành vi vi phạm nghiêm trọng trong khai thác thủy sản được quy định tại Điều 20, Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Theo đó, trong năm 2019 đơn vị phối hợp với các lực lượng: Biên phòng, UBND các xã, phường, thị trấn ven biển tổ chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra kiểm tra trên biển về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Kết quả xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản 45 vụ, với tổng số tiền xử phạt hơn 92 đồng.

Còn từ đầu năm đến nay xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản 6 vụ, với số tiền xử phạt 18 triệu đồng.

Được biết, toàn tỉnh Phú Yên hiện có gần 4.150 tàu cá, trong đó, khoảng 1.180 tàu có công suất từ 90CV trở lên.

Theo Luật thủy sản 2017, Phú Yên có 451 tàu chiều dài lớn nhất từ 15m đủ điều kiện khai thác tại vùng khơi.

Cụ thể, ngư dân Phú Yên thường đánh bắt tại các ngư trường như Hoàng Sa, Trường Sa, DK1 và một số vùng biển giáp ranh với biển các nước: Philippines, Malaysia, Indonesia. 

Ông Nguyễn Tri Phương, PGĐ Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết, trong thời gian tới, tỉnh Phú Yên tiếp tục thực hiện tốt các khuyến nghị của EC. Đồng thời, thực hiện kế hoạch số 193/KH-UBND tỉnh ngày 29/10/2019 về việc tiếp và làm việc với Đoàn thanh tra EC về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) theo tình hình thực tế hiện tại. Hiện kế hoạch này, tỉnh đã ban hành. Tuy nhiên nếu đoàn của EC đến Phú Yên để kiểm tra các khuyến nghị, Sở NN-PTNT kiến nghị Bộ NN-PTNT cử cán bộ hỗ trợ Phú Yên trước khi EC đến tỉnh.

Xem thêm
Một xã thu gần 540 tấn cá lồng bè mỗi năm, doanh thu 30 tỷ đồng

HÒA BÌNH Xã Suối Hoa (huyện Tân Lạc, Hòa Bình) nuôi 609 lồng cá trên sông Đà, mỗi năm cho thu hoạch gần 540 tấn cá, doanh thu ước đạt 30 tỷ đồng.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.