Ưu điểm của phương pháp ghép cải tạo (ghép đoạn cành) trên cây ăn quả nói chung, cây có múi nói riêng là: Tận dụng được bộ rễ, thân, cành khỏe có sẵn từ cây thực sinh, giúp mắt giống sinh trưởng, phát triển khỏe, thích ứng kịp thời với điều kiện sinh thái; sớm cho khai thác quả kinh doanh và tranh thủ được các tiến bộ giống mới, để nâng cao giá trị thu hoạch.
Các bước tiến hành trước khi ghép giống
- Trên vườn giống bưởi chua hoặc giống bưởi bản địa chất lượng thấp (bưởi thực sinh): Chọn những cây từ 3-7 năm tuổi, sinh trưởng khỏe, sạch sâu bệnh, đặc biệt phải không có sâu đục thân, không mang mầm bệnh vàng lá thối rễ, vàng lá gân xanh (Greening) và bệnh Tristera.
Sau đó, cắt hạ toàn bộ tán cây tới đoạn thân hoặc cành có đường kính ≥ 2cm, chỉ để lại các đầu cành cho ghép mắt giống ở vị trí thân mang màu bánh tẻ, có kích thước tương đương đầu đũa ăn cơm. Số cành để lại ghép cải tạo cần được bố trí cách đều 0,5 m trên tán cây như hình mắt lưới.
Thời vụ ghép có thể tiến hành quanh năm. Tốt nhất nên ghép vào tháng 2-3 và tháng 9-10. Lưu ý, dừng tưới nước và bón phân trên cây thực sinh trước ghép giống 15-17 ngày; không chiết, ghép cây vào những trời mưa.
- Trên cây bưởi mẹ Ruby, chọn cây sinh trưởng cân đối và sạch sâu bệnh như trên. Nên chọn các cây mẹ được trồng trong nhà lưới ngăn côn trùng, để tránh triệt để các bệnh đặc biệt nguy hiểm như Greening và Tristera.
Sau đó, chọn lấy các cành giống dưới 1 năm tuổi, đã tròn thân và mọc nghiêng từ ngang tán trở xuống, rồi loại bỏ hết lá, cuống lá đính kèm và hớt bỏ đầu ngọn ở vị trí thân chớm màu bánh tẻ. Tiếp tục cắt khúc chia cành giống thành từng đoạn cành chứa 4-5 nách lá, dài 7-10 cm và mang màu bánh tẻ.
Kỹ thuật ghép đoạn cành (còn gọi ghép khúc, ghép nêm)
- Tại gốc của đoạn cành giống, dùng dao chuyên dụng cắt 2 lát vát đối đối diện nhau, dài 2-2,5 cm để loại bỏ 2 phần thân ở gốc cành giống và mở ra một đầu ghép hình nêm. Tại đầu cành ghép đã định trước trên cây thực sinh, chẻ 1 đường sâu 2,5 cm ở 1/3 đường kính đầu cành để mở ra một miệng ghép, cắm đầu ghép hình nêm vào miệng ghép vừa mở ra nêu trên.
Sau đó, vừa kéo dài vừa vê dải nilon ghép xoắn sợi thừng, rồi quấn 5-6 vòng thật chặt quanh vết ghép. Cuối cùng kéo phẳng dải băng nilon ghép, bao kín toàn bộ phần cành giống và vết ghép, sao cho mưa không thấm được vào trong vết ghép và giữ cho cành giống không bị mất nước.
Sau ghép khoảng 10-15 ngày (tùy thời vụ), mắt ghép sẽ bật mầm. Phải vặt bỏ kịp thời các mầm bưởi chua mọc ngoài mắt ghép. Chú ý chọn băng nilon ghép tự hủy.
- Bên cạnh cải tạo giống bằng cách ghép nêm vào các đầu cành nói trên, còn có thể ghép nêm vào mặt cắt ngang các thân cành kích thước lớn hơn rất nhiều, hoặc ghép cửa sổ, ghép mắt nhỏ có gỗ vào dọc các thân cây, thân cành.
Tuy nhiên, những cách ghép này, đều có những hạn chế nhất định, so với phương pháp chúng tôi đã giới thiệu ở phần trên, như, ghép mắt nhỏ có gỗ, chỉ lấy những mắt giống đã mở, cây sẽ lâu tròn tán, thời gian cho khai thác quả kinh doanh chậm hơn…
Chăm sóc cây thực sinh sau ghép cải tạo
Phun phòng sâu vẽ bùa khi mắt giống nhú mầm dài 0,5-1,0 cm. Trừ nhện đỏ, rệp mềm, rầy chổng cánh và bệnh tháng thư cho cây, trong suốt thời kỳ mắt giống vươn cành, khép tán.
Phân bón cho 1 gốc: 0,2-0,3 kg NPK 13-13-13+TE, bón định kỳ 1 tháng/lần. Phân bón lá phun đều 7 ngày/lần. Phân gà hoai mục 20-30 kg + 2-3 kg phân hữu cơ vi sinh, bón khi mắt ghép đã vươn cành dài khoảng 15 cm. Sau ghép cải tạo 1-2 năm, cây bưởi Ruby đã cho khai thác kinh doanh. Từ giai đoạn này trở đi, các bước tiến hành chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh tương tự như các cây bưởi giống hiện hành khác.
Bưởi Ruby là một trong những giống cây có múi ưu tú của Thái Lan, đã được nhập nội vào nước ta.
Giống có ưu điểm sinh trưởng phát triển khỏe, dáng quả đẹp, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, ruột quả đỏ, múi dầy to, vị ngọt thơm, không hạt… Qủa bưởi tương đương hoặc nhỉnh hơn bưởi da xanh của nước ta, tùy kỹ thuật canh tác và tùy điều kiện sinh thái. Cây bưởi Ruby dễ phân biệt với các giống bưởi khác nhờ lá và cành nhỏ, có lông mịn.