| Hotline: 0983.970.780

Giá ba ba giảm sâu, hộ nuôi phải dựa vào kinh tế tập thể

Thứ Hai 15/07/2024 , 07:41 (GMT+7)

Sóc Trăng Trong khi hộ nuôi nhỏ lẻ đang gặp khó khi giá ba ba rớt thấp còn 165.000 đồng/kg thì bà con tham gia tổ hợp tác tìm hướng quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ.

Nhiều hộ nuôi ba ba ở xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng phải treo ao do giá giảm sâu, nguy cơ thua lỗ cao nếu tiếp tục đầu tư. Ảnh: Kim Anh.

Nhiều hộ nuôi ba ba ở xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng phải treo ao do giá giảm sâu, nguy cơ thua lỗ cao nếu tiếp tục đầu tư. Ảnh: Kim Anh.

Lần đầu tiên, giá ba ba giảm kỷ lục

Mô hình nuôi ba ba đã phát triển ở xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng hàng chục năm qua. Nhiều gia đình có cuộc sống khấm khá, thậm chí là sung túc, vươn lên làm giàu từ nghề này.

Trước năm 2022, giá ba ba luôn nằm ở mức cao, ba ba loại 1 (từ 1,5 - 2kg/con) được tiêu thụ từ 300.000 - 330.000 đồng/kg, hút hàng có thể lên đến 370.000 đồng/kg.

Thị trường sôi động, mô hình nuôi ba ba ngày càng nở rộ và gia tăng quy mô ở vùng nông thôn các ấp Phước Thọ A, Phước Thọ B, Phước Thọ C, thuộc xã Mỹ Phước.

Thống kê của UBND xã, địa phương hiện có 90 hộ nuôi ba ba, quy mô trung bình 500m2/hộ. Trên địa bàn đã hình thành được Tổ hợp tác nuôi ba ba ấp Phước Thọ B, với 14 thành viên.

Chị Nguyễn Thị Kiều Diễm, Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi ba ba ấp Phước Thọ B đã 14 năm gắn bó với nghề nuôi ba ba. Trước đây, gia đình chị có 300m2 nuôi khoảng 3.000 con ba ba. Thế nhưng từ giữa năm 2023 đến nay, giá ba ba liên tục sụt giảm và hiện chỉ còn ở mức 165.000 đồng/kg (baba loại 1). Buộc lòng chị Diễm phải treo 1 ao, ao còn lại hiện còn 1.500 con ba ba ở lứa tầm 100 - 200 gram/con.

Chị Diễm khẳng định, đây là lần đầu tiên trong nhiều năm gắn bó với nghề nuôi, giá ba ba ở mức thấp kỷ lục, giá thành ngang chi phí đầu tư. Vẫn biết giá cả thị trường lên xuống là xu thế tất yếu, nhưng cũng khiến các hộ nuôi rơi vào thế hụt hẫng.

Các hộ nuôi ba ba cố gắng cầm cự, neo ao, chờ đợi những khởi sắc từ thị trường. Ảnh: Văn Vũ.

Các hộ nuôi ba ba cố gắng cầm cự, neo ao, chờ đợi những khởi sắc từ thị trường. Ảnh: Văn Vũ.

Cách đây 6 tháng, chị Diễm xuất bán khoảng 250kg ba ba thịt, với giá 180.000 đồng/kg (loại 1). Doanh thu chỉ vừa đủ để bù vào khoảng đầu tư chi phí thức ăn trong suốt một năm rưỡi nuôi từ lúc ba ba con đến khi xuất bán.

Toàn Tổ hợp tác nuôi ba ba ấp Phước Thọ B hiện có đến 50% số hộ treo ao. Ngoài ra, còn trên dưới 18.000 con ba ba thương phẩm bị tồn, chưa tiêu thụ được do giá thấp.

“Thời điểm ba ba hút hàng, thương lái thu mua không hề ngã giá chê khen, trao đổi xong 1-2 ngày là có thể bán được. Bây giờ, 10 ngày, thậm chí cả tháng, thương lái vẫn chưa đến mua. Càng neo lại bà con lỗ tiền thức ăn, do đó phải tận dụng thêm cá tạp, ốc hoặc nấu cháo làm thức ăn cho ba ba, tiết kiệm chi phí”, chị Diễm bộc bạch.

Theo tính toán của hộ nuôi ba ba, tùy cách thức cho ăn của từng hộ, trung bình một ao nuôi khoảng 500 con ba ba thịt, chi phí thức ăn khoảng 300.000 đồng/ngày. Do đó, giá ba ba phải ở mức từ 260.000 đồng/kg trở lên, hộ nuôi mới có lợi nhuận.

Gia đình chị Võ Thị Thông Thiệt trước đây nuôi 3 ao, giá cả và tình hình tiêu thụ ổn định, mang lại thu nhập 300.000 - 400.000 đồng/ngày từ việc bán ba ba giống và ba ba thịt. Tuy nhiên, hiện nay do đầu ra chậm, gia đình chị Thiệt không còn khả năng đầu tư, buộc phải treo 2 ao, ao còn lại đang nuôi khoảng 2.000 con ba ba (nhiều kích cỡ).

“Lúc trước, ba ba vừa nở ra, có khách điện mua ngay, bây giờ nuôi ba ba sinh sản để lấy giống sẽ lỗ. Lúc trước, ba ba giống là 2.700 đồng/con, giờ chỉ còn 1.300 đồng/con, nhưng cũng phải năn nỉ thương lái mới chịu mua”, chị Thiệt giãi bày.

Hiện giá ba ba loại 1 chỉ còn 165.000 đồng/kg, giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Kim Anh.

Hiện giá ba ba loại 1 chỉ còn 165.000 đồng/kg, giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Kim Anh.

Trong khi đó, gia đình anh Nguyễn Yến Thanh ở ấp Phước Thọ B, cũng vừa lập thêm 2 ao nuôi, để ương dưỡng ba ba con, chờ giá tốt hơn. Hiện 5 ao nuôi của gia đình đang tồn trên 5.000 con ba ba nhỏ và khoảng 3.000 ba ba bố mẹ. Chi phí thức ăn cho toàn bộ ao nuôi khoảng 500.000 đồng/ngày.

Với tình hình này, gia đình anh không thể cầm cự được trong thời gian dài, buộc phải bán lỗ. Bởi duy trì thời gian dài, nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên ba ba rất cao, do ao nuôi không được cải tạo, sên vét.

Cần liên kết để nghề nuôi bền vững

Thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng, toàn tỉnh có trên 30.000 cá thể ba ba nuôi thương phẩm thông thường. Trong đó, huyện Mỹ Tú là một trong những vùng nuôi tập trung, quy mô lớn, với gần 200 hộ nuôi, ở các xã Long Hưng, Hưng Phú, Mỹ Tú, Mỹ Phước…

Đa phần hiện nay việc tiêu thụ ba ba của hộ nuôi phụ thuộc vào một vài thương lái quen thuộc ngoài tỉnh đến thu mua. Điều này cũng vô tình trở thành bất lợi khi vào cao điểm tiêu thụ sản phẩm.

Trứng ba ba hiện đang được tiêu thụ với giá 30.000 đồng/kg. Ảnh: Văn Vũ.

Trứng ba ba hiện đang được tiêu thụ với giá 30.000 đồng/kg. Ảnh: Văn Vũ.

Trong khi đó, năm 2022, sản phẩm ba ba đông lạnh của chị Diễm đã được công nhận OCOP cấp tỉnh hạng 3 sao và từng thành công khi đưa được sản phẩm vào tiêu thụ tại siêu thị Coopmart tỉnh Sóc Trăng. Tuy nhiên, sau gần 1 năm “đứng chân” tại đây, tình hình tiêu thụ ba ba đông lạnh ngày càng giảm sút và đến nay là ngưng cung cấp sản phẩm, do giá cả kém cạnh tranh.

Để tìm hướng đi mới cho đầu ra sản phẩm, chị Diễm lựa chọn việc tham gia các chương trình xúc tiến thương mại do địa phương tổ chức. Nhờ đó, các sản phẩm từ ba ba như: trứng, thịt hoặc con giống đã có kênh trưng bày, giới thiệu đến khách hàng, thúc đẩy tạo đầu ra cho con ba ba xã Mỹ Phước.

Các hộ dân tham gia Tổ hợp tác nuôi ba ba ấp Phước Thọ B được hỗ trợ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội để duy trì sản xuất. Ảnh: Kim Anh.

Các hộ dân tham gia Tổ hợp tác nuôi ba ba ấp Phước Thọ B được hỗ trợ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội để duy trì sản xuất. Ảnh: Kim Anh.

Ông Nguyễn Thanh Điền, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Mỹ Tú cho biết, thời gian qua, giá ba ba có nhiều biến động, tuy nhiên việc tiêu thụ vẫn ổn định, chưa bị đứt gãy. Ngành chuyên môn của huyện vẫn thường xuyên theo dõi, quản lý quy mô, sản lượng nuôi của bà con, tránh tình trạng mở rộng ồ ạt, dẫn đến cung vượt cầu.

Riêng đối với xã Mỹ Phước, trước những khó khăn của hộ nuôi, Hội Liên hiệp phụ nữ xã đã tạo điều kiện, hỗ trợ bà con được tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội để duy trì sản xuất.

Về lâu dài, địa phương đang khuyến khích, vận động các hộ nuôi liên kết lại trong các tổ hợp tác hoặc tổ nhóm sản xuất để thuận lợi hơn trong khâu tiêu thụ.

Từ câu chuyện giá ba ba giảm kỷ lục, việc tiêu thụ của hộ nuôi gặp khó, một lần nữa khẳng định vai trò của kinh tế tập thể, sản xuất theo nhu cầu của thị trường đối với bất kỳ ngành nghề nào. Thực tế chứng minh, bà con vẫn còn nhiều cách tiếp cận để tiêu thụ sản phẩm qua nhiều kênh khác nhau. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ, khuyến khích hộ dân tham gia kinh tế tập thể.

Xem thêm
Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.