| Hotline: 0983.970.780

Giá bò rẻ chưa từng có, nhờ quỹ khuyến nông mới cầm cự được

Thứ Năm 03/10/2024 , 11:04 (GMT+7)

'Nếu không có nguồn vốn vay từ quỹ khuyến nông thì với giá bò rẻ chưa từng có như vừa qua tôi không thể chống chịu được, nhưng giá mà thời gian vay dài hơn'.

Ước mong của một chủ trang trại bò

Anh Nguyễn Văn Hoàng chủ trang trại nuôi bò ở xã Chương Dương, huyện Thường Tín, TP Hà Nội kể với tôi như vậy. Trải qua 8 năm chăn nuôi thì 4 năm đàn lợn mắc dịch tả Châu Phi, lỗ lên lỗ xuống cuối cùng anh phải bỏ hẳn để chuyển sang nuôi 3 cặp bò mẹ con.

Khi nghe nói về quỹ khuyến nông của thành phố, anh làm phương án vay lần đầu năm 2021 được giải ngân 350 triệu đồng, năm 2023 trả hết rồi năm nay lại làm phương án vay tiếp 500 triệu đồng. Nhờ nguồn vốn vay này mà anh đã mở rộng chuồng trại, nâng số lượng bò lên được 29 con.

“Lúc đầu tôi hỏi vay vốn của Hội Phụ nữ, nước sạch nông thôn, Hội Cựu chiến binh mỗi hội chỉ được vài chục triệu đồng, không đủ để đầu tư cho trang trại. Thế rồi nghe qua giới thiệu của Hội Nông dân xã Chương Dương cũng như đài truyền thanh về quỹ khuyến nông, tôi liền đến Trạm Khuyến nông huyện Thường Tín (hiện sáp nhập thành Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Thường Tín-PV) được cán bộ ở đó hướng dẫn làm phương án vay đến nơi đến chốn, thủ tục đợi mất hơn 1 tháng thì có tiền.

Thời gian qua, giá bò đang từ 90.000đ/kg, tụt xuống 75.000đ/kg với bò BBB, còn bò Brahman chỉ 60.000đ/kg, rẻ chưa từng có. Nếu không có nguồn vốn vay của quỹ khuyến nông thì tôi không thể chống chịu được nhưng giá mà kéo dài thêm thời gian cho vay, thay vì 2 năm thì 3-4 năm mới phù hợp với nuôi lứa nọ, lứa kia. Từ lúc đẻ đến lúc xuất bán phải hơn 2 năm bò mới đủ trọng lượng để bán, còn bán bê thì ít công, ít lãi lắm.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Thường Tín xuống thăm trại bò của anh Hoàng. Ảnh: NNVN

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Thường Tín xuống thăm trại bò của anh Hoàng. Ảnh: NNVN

Mỗi lần vay quỹ khuyến nông như này chỉ 2 năm là đến hạn, tôi phải bán bê, bán bò dồn trả xong nợ rồi làm hồ sơ, vay lại, mua lại bò, nuôi được 1 lứa lại đến kỳ trả. Giá thị trường cao làm như thế còn có công, có lãi, chứ giá thấp như hiện nay thì không ăn thua.

Giá bò thấp nên trước đây tiêu chuẩn vỗ béo mỗi ngày 1 con bò phải có 6 kg thức ăn công nghiệp, giờ tôi rút xuống chỉ còn 3 kg. Như giống bò BBB, tôi chỉ nuôi đến được 6-7 tạ, tỷ lệ thịt đạt khoảng 50% thì giá bán chỉ 90.000đ/kg nhưng các trại lớn, vốn nhiều, nuôi đến trọng lượng 1 tấn, tỷ lệ thịt đạt khoảng 60% có giá cao hơn, lợi nhuận cao hơn nhiều”.

Quỹ Khuyến nông TP Hà Nội được thành lập từ năm 2002, hoạt động theo nguyên tắc phi lợi nhuận mà bảo toàn vốn và cho vay đúng đối tượng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và cơ giới hóa. 22 năm qua Quỹ Khuyến nông TP Hà Nội đã trở thành một kênh tài chính ưu đãi giúp các chủ trang trại, hộ nông dân được vay vốn với mức phí quản lý thấp để mở rộng quy mô sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, góp phần vào việc xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Tâm tư của chủ trang trại tổng hợp nuôi gà, vịt, cá

Anh Nguyễn Bá Tình xã Văn Phú, huyện Thường Tín có 20 năm kinh nghiệm trong nghề chăn nuôi cá, vịt. Những lúc gặp thử thách lớn như giá vịt thịt xuống mười mấy ngàn/kg, rồi giá trứng vịt xuống 800 đồng/quả, lỗ cả trăm triệu đồng nhưng anh vẫn gắng gượng cầm cự để vượt qua. Có kinh nghiệm, có kỹ thuật nên anh dám đầu tư chuồng trại hiện đại khép kín, có giàn lạnh để giảm nhiệt vào mùa nóng bức, mua con giống có nguồn gốc đầy đủ, thức ăn từ nhà máy uy tín, tiêm phòng vac xin phòng bệnh đầy đủ.

Đàn vịt con phát triển rất đều của anh Tình. Ảnh: NNVN.

Đàn vịt con phát triển rất đều của anh Tình. Ảnh: NNVN.

Nhờ đó mỗi năm anh nuôi được 7-8 lứa vịt mỗi lứa 5.000 con, 2 lứa gà mỗi lứa 10.000 con, 1 lứa cá. Từ đầu năm đến giờ giá thức ăn công nghiệp giảm được 1.000đ/kg nên chăn nuôi cho lợi nhuận khá. Nuôi dài ngày nhất trong trang trại là gà Mía với 140 ngày, xuất bán được 85.000đ/kg, lãi được 15.000đ/kg, gà lai với 100 ngày xuất bán được 55.000đ/kg, lãi được 5.000đ/kg, vịt với 42 ngày xuất bán được 40.000đ/kg, lãi được 8.000đ/kg. Trung bình mỗi năm nhờ chăn nuôi gà, vịt trên diện tích 2 ha anh lãi 300-400 triệu đồng. Ngoài ra anh còn tận dụng phân gia cầm làm thức ăn cho 1 ha ao nuôi cá giống nên không cần mua cám công nghiệp nữa, cuối năm xuất bán lãi cũng được thêm vài chục triệu đồng nữa.

Có được thành quả kinh tế vững vàng như ngày hôm nay anh không thể quên một phần là nhờ vào quỹ khuyến nông và cán bộ khuyến nông đã đồng hành với mình trong suốt quá trình sản xuất. Đã 4 lần anh vay vốn quỹ khuyến nông, lần 300 triệu đồng, lần 400 triệu đồng để đầu tư mở rộng quy sản xuất cũng như mua sắm trang thiết bị đồng bộ.

Xuất bán gà. Ảnh: NNVN.

Xuất bán gà. Ảnh: NNVN.

“Vay vốn ngân hàng thủ tục nhanh gọn, vay được nhiều hơn nhưng mức lãi phải trả lại cao hơn so với phí quản lý quỹ khuyến nông. Khi vay quỹ khuyến nông, ngoài có vốn tôi được tập huấn, hội thảo, gặp các chuyên gia đầu ngành, đi tham quan mô hình của các địa phương. Bên cạnh đó tôi còn được tham dự các hội nghị kết nối cung cầu giữa các trang trại và doanh nghiệp tiêu thụ nhưng không đến được thỏa thuận cuối vì không đảm bảo được số lượng, chất lượng, độ đồng đều và giá cả.

Vì thế theo tôi để phát triển sản xuất bền vững trong thời buổi này phải thành lập HTX để liên kết, tổ chức lại các trang trại, hộ chăn nuôi cá thể mới hợp tác được với các doanh nghiệp tiêu thụ. Tôi mong muốn quỹ khuyến nông thời gian cho vay dài hơn, khoảng 3-4 năm thay vì 2 năm như hiện nay và được trả làm 2 lần. Về thời gian hợp đồng đất, xã đang ký với 5 năm 1 lần nhưng hết lần này chỉ được 1 năm nên tôi không dám đầu tư vì chưa cảm thấy yên tâm”, anh Tình tâm tư.

Anh Ngô Quốc Thái Nghĩa- cán bộ chuyên quản Quỹ Khuyến nông phụ trách huyện Thường Tín cho biết hiện có 26 phương án vay vốn trên địa bàn trong đó vay sản xuất tập trung chủ yếu vào chăn nuôi, còn vay cơ giới hóa chủ yếu vào mua máy gặt, máy cày. Riêng về vay sản xuất chỉ tập trung cho vay mua giống, vật tư nhưng trồng trọt ít người lập phương án vì giống, vật tư giá trị thấp nên lượng vay không bõ bèn, chỉ còn vay chăn nuôi nhưng cũng hạn chế trong việc cho vay để xây dựng cơ sở hạ tầng. Thời gian thẩm định phương án vay quỹ khuyến nông thường kéo dài 1-2 tháng bởi mỗi năm giải ngân thành 3 đợt nên phải gom phương án thẩm định và mời được hội đồng họp.

Khi thẩm định, định giá sổ đỏ của chủ phương án vay hiện đang quá thấp so với giá thị trường. Thêm vào đó hợp đồng thuê thầu đất làm trang trại thường 1 năm ký 1 lần, về nguyên tắc khi cho vay hợp đồng phải còn thời hạn và cho vay đến thời hạn đó, nên cũng khó cho người dân. Nếu thành phố giải quyết được những vấn đề trên thì thực sự gỡ được nút thắt trong việc phát triển trang trại.

Xem thêm
Kỷ luật loạt cán bộ ở Tuyên Quang do liên quan Tập đoàn Thuận An

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang nhiệm kỳ 2020-2025 và ông Chẩu Văn Lâm.

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

Ám ảnh trận lũ quét lớn nhất 70 năm qua

Người dân bản Đửa khẳng định trong đời họ chưa từng chứng kiến trận thiên tai nào kinh hoàng đến thế, mọi thứ đến quá nhanh, ngỡ ngàng vượt ngoài sức tưởng tượng.

Giấc mơ lớn trên lòng hồ sông Đà: [Bài 1] Người thức giấc cùng dòng sông

Không chỉ là dòng sông năng lượng, sông Đà hùng vĩ đang hiện hữu ở một diện mạo mới - vùng lòng hồ, đang thắp lên giấc mơ lớn cho những vùng đất ven sông!