| Hotline: 0983.970.780

Gia đình "chất nghệ"

Thứ Tư 05/03/2014 , 11:02 (GMT+7)

Cái sự xộc xệch của gia đình này, không phải do họ là những nhà thơ, nghệ sĩ, mà chính là họ ảo tưởng với những thứ danh hão ấy.

Khi tôi biết tin, thì Hoàng đã nằm liệt giường hơn một năm nay. Mới đầu lúc mê lúc tỉnh. Đến nay đã thành người “thực vật” rồi. Ai đến cũng không nhận ra. Ăn, ngủ, đái, ỉa ngay tại giường. Bà vợ phải mua một đống “bỉm” cho đức ông chồng. Nhưng nghe nói có lúc cũng không thể dùng bỉm, mà đắp một cái chăn với “chế độ” riêng. Khi cần, cuộn cả tấm chăn ấy đi, thay một tấm chăn khác.

Cách đây gần nửa thế kỷ, Hoàng là một thợ cơ khí. Nhưng vốn có năng khiếu hội họa, Hoàng theo học lớp học ban đêm, do nhà văn hóa quần chúng mở, dành cho công nhân viên chức. Hoàng thuộc loại tay nghề vững, bài tập cũng được trưng bày. Anh em phục Hoàng ký họa rất có cá tính, sinh động. Nét bút khoáng đạt.

Hồi đó ai học giỏi, mới được mua một hộp bột mầu có mười hai ô vuông đựng mầu vẽ. Ấy là sang lắm. Còn sơn dầu, có mơ cũng không đến lượt. Bỏ tiền ra mua, thì lương còm của thợ, lấy đâu ra? Tuy vậy, những bức tranh ký họa, bột mầu của Hoàng kỳ triển lãm nào cũng có mặt. Nhiều bức được giải thưởng của thành phố.

Đương nhiên giải thưởng dành cho những cây cọ không chuyên. Nhờ thế, Hoàng có thể sắm được những tuýp sơn dầu đắt tiền. Nhưng theo học, còn phải chi phí rất nhiều khoản. Học được hai năm, thì Hoàng không đủ tài chính cũng không đủ kiên nhẫn, nên bỏ cuộc.

Hoàng xoay sang làm thơ. Rồi thơ được in đều đều. Dẫu nhuận bút còm, cũng có đồng ra đồng vào, thậm chí đủ tiền mời anh em uống rượu. Rồi khi hết tiền, Hoàng lại được anh em chiêu đãi. Cũng vì thế, Hoàng biến thành con “sâu rượu” từ lúc nào.

Hồi học ở trường văn hóa quần chúng, Hoàng có tình cảm với Tú, một thợ dệt, cũng ham mê văn nghệ. Rồi duyên số nên vợ nên chồng. Múa hát cũng có thì. Khi sinh con, thì Tú bỏ hẳn. Và giống như chồng, Tú làm thơ. Hồi đó cứ có cái “mác” công nhân, nông dân, bộ đội, in thơ in truyện rất dễ. Ưu tiên công- nông- binh mà. Cho nên thi thoảng thơ Tú được in. Cũng có nhuận bút. Ở cái xóm lao động ven sông Hồng này, người ta gọi gia đình của họ, là nhà thơ. Nhà của ông thơ bà thơ.

Mới đầu thì cái chức danh ấy cũng hay hay. Nhiều khách đến nhà. Con cái còn nhỏ, lương ba cọc ba đồng chưa mấy ảnh hưởng đến sinh hoạt của gia đình. Ông nhà thơ và bà nhà thơ có vẻ xông xênh. Cả hai đều có máu xê dịch và cũng vào loại xê dịch bất tử cả.

Trước đó có vụ hai ông nhà văn nhà thơ tổ chức đi bộ xuyên Việt, ông Hoàng cũng đùng đùng đi bộ xuyên Việt một mình. Ông chơi ngông hơn, đi bộ từ Hà Nội lên Lạng Sơn. Sau đó, đi từ Lạng Sơn tới tận mũi Cà Mau kia. Nhưng mới đi đến Đồng Mỏ, thì đứa con phải đi xe ca lên, đón bố về.

Chuyện xê dịch bất tử không chỉ diễn ra một lần. Một hôm bà vợ đi chùa về, thấy cửa mở toang, lại nghĩ ông chồng say rượu đang ngủ trên tầng. Bà vợ lẳng lặng làm món nem rán thơm lừng. Xong xuôi, bà lên tầng để đánh thức chồng, thì ô hay, trống trơn. Lúc đó bà mới tá hỏa kiểm tra hết trên dưới, trong ngoài.

May quá không mất mát gì. Đến tối mịt, ông chồng mới mò về. Thì ra khi ngồi uống rượu ở quán vỉa hè, chợt thấy ông bạn cũ từ quê lên, lại đi xe cơ quan. Ông bạn vui miệng rủ về thăm quê một chuyến miễn phí. Thế là ông nhẩy luôn lên xe, về tận Tiền Hải, Thái Bình. Đến chiều, lại bắt xe khách về Hà Nội. Ông cũng không cần quan tâm cửa chưa đóng, mà lúc đó, nhà cũng chẳng có ai.

Bà vợ nhà thơ cũng không kém phần lãng mạn. Hồi đó vẫn còn thời bao cấp, mua hàng bằng tem phiếu. Lúc xếp hàng mua thịt, tem phiếu thì đủ, nhưng giá hai hào hai, mà túi bà chỉ có hai hào. Bà không mua thịt nữa, lại nhân có xe khách đi Vĩnh Yên còn chỗ, bà bèn nhẩy lên xe. Thật trớ trêu là giá vé cũng hai hào hai.

Bà tỉnh khô, đưa cho chú phụ xe hai hào và nói rằng chỉ có thế. Xe chạy rồi, chú phụ xe đành lắc đầu, chấp nhận. Lên đến Vĩnh Yên, bà phải đi bộ năm cây số mới tới nhà người bạn. Cũng may bà bạn vừa định đi đâu xa, vội hoãn chuyến đi. Hàn huyên với nhau được vài giờ, bà lại đùng đùng đòi về. Đã quá hiểu cái tính bất tử của bạn mình, bà bạn lấy ra mấy hào, dúi vào túi bạn. Cũng nhờ thế, bà mới có tiền để bắt xe về Hà Nội…

Hai ông bà có ba đứa con gái và một cậu út. Chúng đều lớn tuổi và đã có gia đình. Tuy nhiên chúng không trông mong nhờ cậy được gì ở bố mẹ, ngoài kho sách đã mục nát nhiều, đến bán làm giấy vụn cũng khó.

Cậu út đã có thời phải chạy xe ôm, tham tiền công cao, có lần suýt mất mạng vì bọn nghiện hút. Hai cô con gái cũng long đong, lận đận. Nay bố ốm liệt giường, mẹ chỉ có đồng lương hưu ít ỏi, mấy đứa con cũng không trợ giúp được gì nhiều. Trông vào những tấm lòng hảo tâm ư? Thật bấp bênh mà cũng có được bao nhiêu? Bây giờ thì cứ đến đâu hay đến đấy.

Khi tôi chuẩn bị ra về, bỗng có hai bà bạn già tới chơi. Họ thì thầm chuyện gì, tôi không nghe rõ. Nhưng tôi có linh cảm, họ đang thậm thụt điều gì. Có thể là rủ nhau đi “ba cây” hoặc ghi đề đóm…

Tôi nén một tiếng thở dài, cảm thấy thật bất tiện nếu mình ngồi thêm. Cái sự xộc xệch của gia đình này, không phải do họ là những nhà thơ, nghệ sĩ, mà chính là họ ảo tưởng với những thứ danh hão ấy. Họ tự huyễn hoặc mình và kết cục, là con cái gánh chịu hậu quả.

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm