| Hotline: 0983.970.780

Gia Lai: Dưa hấu 1.500 đồng/kg, thương lái cũng không ngó ngàng

Thứ Năm 04/02/2021 , 13:50 (GMT+7)

Thị trường dịp tết đang 'nóng' thì dịch Covid-19 bỗng bùng phát đợt 3 khiến giá cả các loại nông sản tuột thấp, sức tiêu thụ yếu hẳn, nông dân lâm cảnh điêu đứng.

Gia súc, gia cầm tiêu thụ chậm

Những ngày gần đây, dịch Covid-19 bùng phát đợt 3 sau thời gian dài yên ắng đã khiến thị trường tiêu thụ đang sôi động dịp gần Tết Nguyên đán Tân Sửu bỗng dưng chững lại, nhiều loại nông sản đang háo hức chờ sức mua bùng nổ hiện đang bị tắc đầu ra, dẫn tới giá cả hạ thấp.

Theo cho biết của ông Mai Văn Rõ, chủ trang trại nuôi gà ta thả đồi có quy mô hơn 30.000 con ở xã Ân Tường Tây (huyện Hoài Ân, Bình Định), trong năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát 2 đợt đã dìm giá gà ta xuống thấp tịt chỉ còn từ 42.000đ-45.000đ/kg, trong khi trước đó loại gà này có giá cao gấp đôi, gấp 3.

Bước sang đầu năm 2021, thời điểm cận kề Tết Nguyên đán Tân Sửu giá gà ta tăng lên được 55.000đ/kg, chủ các trang trại nuôi gà ta ở Bình Định chưa kịp mừng thì trong những ngày gần đây, dịch Covid-19 bùng phát đợt 3 khiến thị trường tiêu thụ gà “đóng băng”, nguy cơ giá gà sẽ hạ thấp trở lại.

Giá gà vừa tăng từ 42.000đ - 43.000đ/kg lên được 55.000đ/kg thì dịch Covid-19 bùng phát làm sức mua chững lại. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Giá gà vừa tăng từ 42.000đ - 43.000đ/kg lên được 55.000đ/kg thì dịch Covid-19 bùng phát làm sức mua chững lại. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Cách nay khoảng 1 tháng, giá gà tăng từ 42.000đ-43.000đ/kg lên được 55.000đ/kg nhờ sức mua của người tiêu dùng trong những ngày cận kề Tết Nguyên đán tăng cao. Với cái giá này người nuôi chẳng có lãi là mấy bởi thời gian nuôi kéo dài đến hơn 4 tháng do thời gian trước đó gà không tiêu thụ được.

Thời gian gà tăng giá chưa được bao lâu thì dịch Covid-19 bùng phát. Tại nơi tôi đang ở là xã Ân Tường Tây (huyện Hoài Ân) có 1 ca dương tính với Covid-19 ở huyện Phú Thiện (Gia Lai) vừa ghé thăm nhà bà con khiến mấy hôm nay người dân cả huyện nháo nhào.

Tình trạng này dẫn tới nguy cơ từ nay gà sẽ không tiêu thụ được dẫu Tết Nguyên đán đang đến gần và giá gà sẽ còn tiếp tục hạ thấp”, ông Rõ than thở.

Cũng theo ông Rõ, những năm trước đây, trong thời gian từ tháng Chạp năm trước đến tháng Giêng năm sau mặt hàng gà tiêu thụ rất mạnh, theo đó giá tăng cao, vì gia đình nào cũng tổ chức cúng giỗ, chạp mả, tiệc tùng.

“Trong những dịp gần Tết Nguyên đán những năm trước, riêng cô Dung - một thương lái thường xuyên mua gà của tôi mỗi đêm đóng hàng đến 2.000 con gà, mỗi tháng tiêu thụ đến 30.000-40.000 con, nhưng năm nay lượng gà cô Dung mua của tôi không bằng 1/4 so mọi năm.

Hiện cả gà lớn gà nhỏ trong trang trại của tôi có gần 30.000 con, tôi định trong năm nay sẽ xây dựng thương hiệu và chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ mà dịch giã kiểu này chắc không làm được”, ông Rõ chia sẻ.

Không chỉ có gà, ảnh hưởng dịch Covid-19 cũng đang tác động đến giá heo trên địa bàn Bình Định. Theo chị Ánh Thành ở huyện Hoài Ân (Bình Định), một thương lái chuyên thu mua heo thịt cung ứng cho thị trường Đà Nẵng, trước đây gần 1 tháng heo ở Hoài Ân còn đứng ở mức giá 83.000đ-84.000đ/kg hơi thì hiện hạ xuống chỉ còn 81.000đ/kg, sức mua cũng yếu hẳn so với thị trường những ngày cận Tết Nguyên đán những năm trước.

Hiện giá heo ở Bình Định cũng hạ từ 83.000đ-84.000đ/kg hơi xuống còn 81.000đ/kg. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Hiện giá heo ở Bình Định cũng hạ từ 83.000đ-84.000đ/kg hơi xuống còn 81.000đ/kg. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Những năm trước, trong tháng Chạp ngày nào tôi cũng đi heo ra Đà Nẵng 1 chuyến, mỗi chuyến đi khoảng 100 con. Thế nhưng hiện nay 2 ngày tôi mới đi 1 chuyến, mỗi chuyến chỉ 70-80 con. Mấy ngày nay ở Hoài Ân lùm xùm chuyện 1 ca dương tính với Covid ở Gia Lai về đây thăm bà con khiến người địa phương còn không dám ra khỏi nhà, chuyện mua bán “chùng” hẳn xuống”, chị Ánh Thành cho hay.

Hoa quả giá bèo

Có lẽ những nông dân trồng dưa hấu là chịu khốn đốn nhất trong đợt dịch Covid-19 bùng phát lần này. Đợt dịch thứ 3 ập tới đúng lúc dưa hấu ở Gia Lai đang thu hoạch rộ. Nếu như vào khoảng 20/11 âm lịch dưa hấu còn bán được giá 9.000đ-10.000đ/kg thì đến mùng Mười tháng Chạp hạ xuống chỉ còn 4.500đ/kg.

Khi Gia Lai trở thành vùng dịch thứ tư cả nước từ ngày 28/1 đến nay, dưa hấu trồng ở tỉnh này gần như tắc đầu ra, giá chỉ còn 1.500đ/kg mà cũng chẳng có thương lái thu mua.

Dưa hấu trồng ở Gia Lai hiện 1.500đ/kg mà cũng không bán được do không vận chuyển đi được. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Dưa hấu trồng ở Gia Lai hiện 1.500đ/kg mà cũng không bán được do không vận chuyển đi được. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Anh Nguyễn Văn Nhựt ở thôn An Nội, xã Vĩnh Thịnh (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định), một người chuyên lên Gia Lai thuê đất trồng dưa hấu, cho biết: “Vụ dưa này cho năng suất rất khá, đạt đến 2 tấn/sào (500m2). Tôi vừa thu hoạch 1ha dưa hấu trồng tại xã Ia Púch (huyện Chư Prông, Gia Lai) vào ngày mùng Mười tháng Chạp và bán được 4.500đ/kg. Trong khi trước đó, vào khoảng 20/11 âm lịch những người thu hoạch dưa hấu trà trước bán được đến 9.000đ-10.000đ/kg. Còn bây giờ, những trà dưa trồng sau tôi đang thu hoạch có giá chỉ 1.500đ/kg nhưng không bán được, bởi đường vận chuyển bị ách tắc”.

Theo anh Nhựt, một vụ dưa trồng trên đất Gia Lai kéo dài 70 ngày là thu hoạch. Những người trồng dưa trà sau xuống giống vào ngày mùng 10 tháng 10 âm lịch, canh đến 20 tháng Chạp thu hoạch để bán được giá cao hơn thì hiện không “trúng giá” như mong muốn mà đang chịu khốn đốn vì dịch Covid-19. Dưa trồng trà sau hiện đang còn rất nhiều ở Phú Bổn và Chư Prông (Gia Lai).

Mấy ngày nay, sau khi xảy ra 1 trường hợp dương tính với Covid-19 từ Gia Lai về xã Ân Tường Tây (huyện Hoài Ân) thăm người bà con, người dân ở địa phương này cảnh giác cao độ trong công tác phòng chống dịch, ít di chuyển, khiến anh Trần Bảo Diệp - người trồng khoảng 2.600 chậu hoa ly để bán tết lo lắng trong thời gian trước tết sẽ không tiêu thụ được. Mấy ngày nay, anh Diệp cấp tập vận chuyển hoa xuống TP Quy Nhơn để gửi anh em cùng làm nông nghiệp công nghệ cao với mình bán dùm.

Theo anh Diệp, hiện anh đã tiêu thụ được khoảng 40% trong số 2.000 chậu hoa ly anh đã trồng, số còn lại anh cầu mong dịch giã yên ắng thì may ra tết này mới tiêu thụ hết.

Xem thêm
80% sản lượng dừa sáp Trà Vinh bán dưới hình thức nguyên liệu thô

Doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng diện tích dừa hữu cơ gắn với mã số vùng trồng xuất khẩu tại Trà Vinh, cần liên hệ với cơ quan chức năng để được hỗ trợ.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Chất lượng là yếu tố số 1 để nâng cao thương hiệu rau quả Việt Nam

‘Để nâng cao giá trị thương hiệu ngành rau quả Việt Nam, chất lượng là yếu tố số 1, sau đó mới đến giá cả', Phó Tổng Giám đốc Doveco Nguyễn Thanh Tùng cho hay.

Sẽ nối thông đường Hồ Chí Minh từ Pác Bó đến Đất Mũi vào năm 2025

Bộ GTVT đặt mục tiêu hoàn thành gần 170 km các dự án thành phần đường Hồ Chí Minh vào năm 2025, nhằm cơ bản nối thông tuyến từ Cao Bằng đến Cà Mau.