| Hotline: 0983.970.780

Gia Lai: Vụ ngô 'chát' do sâu keo mùa thu

Thứ Hai 08/07/2019 , 09:03 (GMT+7)

Trên 5.500ha ngô đã bị loại sâu keo mùa thu tấn công ở Gia Lai. Không ít vườn, nông dân đã phải cày bỏ hoàn toàn. Tuy nhiên, diện tích ngô bị sâu keo mùa thu tấn công ở Gia Lai vẫn... ngày một tăng.

Đại họa sâu keo

Lão nông Nguyễn Biên Thuỳ (thôn 1, xã Chơ Long, huyện Kông Chro) đã có gần 20 năm trồng ngô lai ở đồng đất Kông Chro. Ông nói: "Đây là lần đầu tiên sâu keo xuất hiện, và cũng là vụ ngô đầu tiên tôi bị thất bại!".

Cận cảnh cây ngô bị sâu keo mùa thu gây hại.

Vụ này, gia đình ông Thuỳ trồng 6ha ngô từ các loại giống 501, 502, 512, NK67. Trong đó, 1,3ha đã phải cày bỏ, bởi sâu keo gây hại hoàn toàn. Diện tích còn lại hơn 4ha bị nhiễm sâu keo nhẹ, ông Thuỳ đã phun thuốc một đợt, bỏ một đợt thuốc vào nõn, cả công phun hết khoảng 2 triệu đồng, xem ra đang có hiệu quả rõ rệt.

Ông Thùy tính toán: Năm 2018, năng suất bình quân đạt 11 tấn hạt/ha, lãi 18 - 20 triệu đồng mỗi ha. năm nay, với tình hình sâu bệnh như thế này, lãi không đến 10 triệu đồng/ha.

Ông Thùy có thâm niên trồng ngô lâu năm. Khi bị sâu keo mùa thu tấn công vườn ngô, ông phát hiện sớm và tích cực chữa trị theo khuyến cáo của ngành chuyên môn nên còn có lãi. Với nhiều hộ khác như vườn ngô của chị Nguyễn Thị Loan (thôn 8, xã Chơ Long) thì cầm chắc cái lỗ.

Chị Loan có 1,2ha ngô, chị cho biết: Lúc mới trồng, ngô rất đẹp, nhưng khi cây cao tới đầu gối thì bất ngờ sâu keo xuất hiện. Vợ chồng chị đã mua hơn 1 triệu đồng thuốc trừ sâu để phun, nhưng không những không hiệu quả mà sâu lây lan ngày càng dày đặc hơn. Đồng ngô 10 triệu đồng đầu tư, chưa kể công sức của gia đình có nguy cơ bị sâu keo tiêu diệt hoàn toàn.

Chị Loan vạch từng chiếc lá ngô bị sâu keo ăn lỗ chỗ, rách tả tơi, phân sâu như mùn gỗ nằm rải rác từ ngọn xuống gốc. “Bao nhiêu công sức cày cuốc, gieo hạt bốn phân, giờ bị sâu keo ăn cụt phần ngọn, cờ không ra được thì làm sao cây có thể thụ phấn. Chỉ vài ngày là đồng ngô hơn 1ha này sẽ tả tơi”, chị Loan than vãn trong bất lực.

Chị Nguyễn Thị Loan đang trao đổi với PV NNVN.

Báo cáo từ UBND huyện Kông Chro cho biết: Hiện toàn huyện có khoảng 1.450ha cây trồng - chủ yếu là trên cây ngô bị sâu keo mùa thu tấn công và tàn phá; các loại cây khác như ớt, bí. đậu trên địa bàn cũng đã bị sâu keo mùa thu tấn công.
 

Trông chờ và ỷ lại

Trưởng phòng NN-PTNT huyện Kông Chro, cho biết, không ít chủ vườn, khi phát hiện bị sâu keo tấn công vườn cây, không chịu chữa trị kịp thời theo khuyến cáo mà có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước- nhất là đối với những hộ là bà con dân tộc thiểu số.

Vườn ngô 1ha của gia đình ông Đinh Blên ở làng Klăh (xã Chơ Long) chớm bị sâu keo tấn công, ngành nông nghiệp khuyến cáo ông nên mua thuốc phun diệt sâu, những ông vẫn chần chừ bởi... "những năm trước mất mùa, đều được Nhà nước hỗ trợ". Chỉ đến khi bị nhiễm quá nặng, ông mới mua thuốc về phun thì đã muộn. Vườn ngô của ông nặng đến mức sâu ăn cụt cả lá, sâu chui vào đẻ trứng, sinh sôi nảy nở và ăn cụt hết những nõn non của thân cây, lá gốc thì vàng úa rũ bết xuống mặt đất.

Kiểm tra vườn ngô 1ha của gia đình ông Đinh Blên bị sâu keo mùa thu gây hại.

Trong khi đó phía đối diện, vườn ngô 1,2ha của chị Lan bị sâu tấn công, phát hiện sớm và kịp thời phun thuốc 2 lần, mỗi lần cách nhau 7 ngày theo khuyến cáo, giờ vườn ngô đã vươn mình, xanh tốt trở lại.

"Khi phát hiện bị sâu keo tấn công, bà con phải xử lý đồng bộ. Nếu vườn này phun thuốc mà vườn bên cạnh không được xử lý, sâu sẽ tấn công trở lại vườn cây đã được xử lý. Mong bà con hãy bỏ ý thức trông chờ, hãy tự cứu vườn cây của mình trước khi đã quá muộn", ông Võ Văn Hưng nói.

Ông Hà Ngọc Uyển, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai cho biết: Sâu keo mùa thu có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Mỹ, là loại đa thực ăn phàm nên có thể gây hại trên 300 loài thực vật (thích nhất cây ngô), tập tính di trú xa hàng trăm km nhờ gió. Loài sâu này đã xuất hiện ở hơn 10 tỉnh trên cả nước.

“Khi bà con phát hiện sâu hại phải dùng đúng thuốc, xịt đúng chỗ, đúng thời điểm thì mới hiệu quả. Hiện đơn vị đang tham mưu lãnh đạo để tăng cường công tác chỉ đạo, tiêu diệt loại sâu này; đồng thời đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền phương pháp diệt sâu hiệu quả nhất”, ông Uyển nói.

Riêng ở Gia Lai, sâu keo mùa thu xuất hiện vào tháng 4/2019. Thống kê mới nhất cho thấy, có hơn hơn 5.500ha ngô của 11 huyện bị loài sâu này phá hoại. Trong đó nặng nhất là huyện Kông Chro, Chư Prông và Chư Pưh, trong thời gian tới sâu keo mùa thu tiếp tục phát triển lan ra diện rộng.

Cũng theo ông Uyển thì, việc phòng trừ loài sâu này rất khó vì vòng sinh trưởng chỉ trong 30 ngày, chia làm 6 giai đoạn (pha). Việc phun thuốc chỉ mang tính tạm thời, bởi sâu chỉ bị tiêu diệt khi ở giai đoạn thứ 2, qua giai đoạn này sâu đã khoẻ và sẽ đục vào trong thân, việc phun thuốc bên ngoài không hiệu quả.

Theo ông Uyển, cách diệt sâu hiệu quả nhất hiện tại là khi sâu mới xuất hiện, bà con phải diệt trừ ngay bằng biện pháp thủ công như bắt bằng tay, sâu phát triển ra diện rộng sẽ không thể xử lý; phát quang những nơi trú ngụ sâu keo và cày đất diệt ổ trứng; chuyển đổi sang giống biến đổi gen…

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất