Vụ thu hoạch mía năm 2022-2023 giá thu mua mía nguyên liệu của Công ty Cổ phần Mía đường Sơn Dương là 1.030 đồng/tấn. So với vụ ép năm 2021-2022, giá thu mua này đã tăng 80 đồng/kg. Dù mức giá đã tăng cao nhưng theo đại diện Công ty Mía đường Sơn Dương, việc mở rộng vùng nguyên liệu của doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do nhiều diện tích người dân đã chuyển sang trồng những cây trồng ngắn ngày khác nhưng mức giá thu nhập trên đơn vị diện tích cũng khá cao.
Cùng với đó, hiện nay tại các vùng nông thôn, phần lớn thanh niên đi làm công nhân tại các công ty nên thiếu lao động trầm trọng, trong khi đó việc trồng mía đòi hỏi nhiều nhân công, nhất là giai đoạn chăm sóc và thu hoạch trong thời gian dài, do vậy nhiều gia đình chọn cây trồng ngắn ngày khác thay vì cây mía.
Theo ông Ngụy Như Tiến Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Mía đường Sơn Dương, vụ ép năm 2021-2022 diện tích vùng nguyên liệu của công ty là hơn 2.000ha nhưng đến vụ ép này chỉ còn hơn 1.700ha.
Diện tích mía thu hẹp khiến nguyên liệu sản xuất đường thấp, nhà máy chỉ sản xuất tại 1 cơ sở ở xã Hào Phú, huyện Sơn Dương, còn cơ sở tại xã Bình Xa, huyện Hàm Yên phải tạm ngừng hoạt động. Tổng sản lượng thu hoạch mía năm nay của Công ty CP Mía đường Sơn Dương là 80.000 tấn mía nguyên liệu và đạt khoảng 8.000 tấn đường.
Để thúc đẩy việc mở rộng vùng nguyên liệu đạt hiệu quả, từ niên vụ 2023-2025 giá mía nguyên liệu sẽ tăng lên 1.150.000 đồng/tấn; giá mía giống dao động từ 1.280.000- 1.350.000 đồng/tấn. Chính sách đầu tư của công ty đối với diện tích mía trồng mới, trồng lại tối đa 53 triệu đồng/ha; đối với mía lưu gốc tối đa 20 triệu đồng. Công ty cam kết hỗ trợ 3 triệu đồng/ha cho các hộ chuyển đổi từ trồng cây hàng năm sang trồng mía; hỗ trợ 5 triệu đồng/ha cho các hộ chuyển đổi từ trồng cây lâu năm sang trồng mía và hỗ trợ 3 triệu đồng/ha cho các hộ trồng lại mía.
Ngoài ra, Công ty điều chỉnh các chính sách về hỗ trợ giống, phân bón, làm đất… Công ty cam kết thời gian thanh toán không quá 30 ngày kể từ khi giao hết mía và đủ chứng từ hợp lệ.
Gia đình chị Đặng Thị Khoa, thôn Đồng Tâm, xã Hào Phú, huyện Sơn Dương trồng 1ha mía được 10 năm nay. Chị Khoa cho biết, việc mía nguyên liệu năm nay được thu mua với mức giá 1.030 đồng/kg như hiện nay nhiều hộ gia đình trồng mía đã có lãi.
Nếu sang năm 2023, việc áp dụng mức giá thu mua là 1.150 đồng/kg thì nhiều hộ sẽ quay trở lại trồng mía nguyên liệu. Bởi trung bình 1ha mía với năng suất đạt hơn 70 tấn/ha trừ chi phí, người nông dân sẽ có lãi khoảng gần 50 triệu đồng/ha.
Tuy nhiên, việc cam kết mức giá này thiết nghĩ cùng cần thực hiện đúng và lâu dài, để tránh gây tâm lý hoang mang cho người nông dân, nếu được như vậy chắc chắn gia đình chị cùng nhiều hộ sẽ ổn định và phát triển diện tích mía nguyên liệu.
Tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng ngành mía đường của tỉnh Tuyên Quang cũng có nhiều thuận lợi. Trong đó nổi bật nhất là giá mía đường trên thị trường tăng cao khiến lượng đường sản xuất ra đều được tiêu thụ hết với giá bán trên thị trường đạt 17.300 đồng/kg; không có đường tồn kho.
Sau 2 năm cơ cấu lại nhân sự và sản xuất, đến nay lực lượng công nhân có tay nghề đã ổn định công việc và gắn bó với công ty; công ty cũng chủ động việc cơ cấu lại lao động; xây dựng chương trình sản xuất đảm bảo khoa học và hạn chế thấp nhất các chi phí phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cùng với đó công ty cũng tiếp tục ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: Ứng dụng hệ thống máy thu hoạch mía, máy làm đất… nhằm giải phóng sức lao động; nhiều giống mía như KK3, LK sau 1 vài vụ trồng thử nghiệm đã cho năng suất và độ đường cao; triển khai 6 mô hình cánh đồng lớn tại các huyện Sơn Dương, Chiêm Hóa, Hàm Yên cũng giải phóng được sức lao động, gia tăng giá trị trên cùng một đơn vị diện tích với tổng diện tích 12ha giúp người nông dân tăng thêm thu nhập.
Ông Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tuyên Quang cho biết, với nhiều chính sách ưu đãi, hi vọng vùng nguyên liệu mía trong vụ ép 2023-2024 sẽ tăng thêm khoảng 500ha.
Hiện nay Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương và chính quyền địa phương đang chuẩn bị tốt các điều kiện máy móc, xe vận chuyển, nhân lực… đảm bảo cho công tác thu hoạch, vận chuyển mía; không để xảy ra tình trạng mía đã chặt để lâu trên đồng ruộng do chưa bố trí được phương tiện vận chuyển; chuẩn bị nguồn vốn để thanh toán đầy đủ, kịp thời tiền mía nguyên liệu và cước vận chuyển cho người dân theo đúng cơ chế, chính sách của Công ty.
Tỉnh Tuyên Quang đưa ra mục tiêu từ nay đến năm 2025 diện tích vùng mía nguyên liệu của toàn tỉnh sẽ đạt hơn 4.000 ha, sản lượng mía hàng năm 320.000 tấn. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này trước hết người trồng mía cần thấy được lợi nhuận của cây mía mang lại, đồng thời cần các chính sách ổn định lâu dài đồng hành để người dân yên tâm gắn bó với cây mía của Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương cũng là rất cần thiết.