| Hotline: 0983.970.780

Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sẽ giảm mạnh

Thứ Năm 16/04/2020 , 09:01 (GMT+7)

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đang khiến giá một số nguyên liệu thức ăn trong nước cục bộ tăng nhẹ, tuy nhiên có thể giảm mạnh khi dịch Covid-19 đi xuống.

Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có thể 'dội chợ' khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Ảnh: ocj.com.

Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có thể "dội chợ" khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Ảnh: ocj.com.

Trao đổi với NNVN, ông Trần Trọng Chiển, đại diện thương mại của Hiệp hội Đậu nành Mỹ (ASA) và Hội đồng ngũ cốc Mỹ (USGC) tại Hà Nội cho biết: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian qua, hoạt động thương mại về ngũ cốc nói chung, trong đó có hoạt động nhập khẩu và vận chuyển nguyên liệu thức ăn chăn nuôi về thị trường Việt Nam đã có những tác động khó khăn nhất định.

Theo ông Chiển, Hoa Kỳ hiện là thị trường cung cấp chủ yếu nhiều loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cho Việt Nam, nhất là đậu nành hạt, khô đậu nành, ngô hạt, đặc biệt DDGS (bã ngô) là mặt hàng mà Mỹ cung cấp gần như tuyệt đối cho thị trường Việt Nam.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hiện nay giá hầu hết các loại nguyên liệu này tại thị trường Mỹ đang rớt rất mạnh.

Việc các cảng biển, công ty vận tải biển phải hoạt động cầm chừng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng đã gây khó khăn nhất định cho việc nhập khẩu, vận chuyển nguyên liệu thức ăn chăn nuôi từ thị trường Mỹ về Việt Nam. Điều này đã gây hiệu ứng, gián tiếp tác động tới giá của một số mặt hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước.

Cụ thể trong vòng vài tuần qua, giá một số nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam như ngô hạt bình thường giá nhập khẩu dao động từ 200-220 USD/tấn đã tăng thêm khoảng 6-7%, các mặt hàng khác như đậu nành hạt, khô đậu nành, premix... cũng tăng nhẹ.

Cá biệt, chỉ có mặt hàng DDGS (chủ yếu nhập khẩu từ Mỹ) có mức tăng khá cao trong vài tuần qua (từ khoảng 230 USD/tấn lúc bình thường lên khoảng 280 USD/tấn hiện tại).

Sở dĩ mặt hàng DDGS tăng mạnh cá biệt trong thời gian qua, đó là do giá dầu thế giới bị giảm mạnh, khiến các doanh nghiệp sản xuất ethanol tại Mỹ bị tác động tiêu cực, phải hoạt động cầm chừng (ethanol chủ yếu sử dụng pha xăng).

Mặc dù vậy ông Trần Trọng Chiển cho biết, hiện các đơn hàng đã ký với các nhà cung cấp của Mỹ từ 5-6 tháng trước hiện vẫn đang được vận chuyển về Việt Nam theo đúng cam kết.

Khó khăn trong việc vận chuyển nguyên liệu thức ăn chăn nuôi từ Mỹ về Việt Nam dự báo có thể tạm thời diễn ra trong 2 tháng 4-5/2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tuy nhiên nếu thời gian tới, dịch Covid-19 được khống chế tốt, hoạt động thương mại trong lĩnh vực nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nói chung, trong đó có nhập khẩu từ Mỹ về Việt Nam sẽ được cải thiện.

Cùng nhận định này, một doanh nghiệp lớn về nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam cũng tiết lộ: Việc nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước có tăng nhẹ thời gian qua bản chất là tăng cục bộ, không phải do thiếu nguồn cung, thậm chí giá nguyên liệu tại các thị trường cung cấp lớn cho Việt Nam như Brazil, Argentina, Mỹ... hiện nay đều rớt thảm hại.

Vì vậy khi dịch Covid-19 được kiểm soát, thậm chí thị trường nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thế giới nói chung có thể sẽ diễn ra tình trạng “dội chợ”.

Vị này tiết lộ, đây đang là thời điểm mà các nhà nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam đang khớp các hợp đồng nhập khẩu về cho cuối năm 2020 và năm 2021.

Hiện giá ngô hạt của các hợp đồng giao hàng cho các tháng 4-5-6/2020 tại thị trường Nam Mỹ chỉ đang phổ biến dao động ổn định như bình thường, xung quanh 200 USD/tấn.

Trong khi đó, giá giao dịch cho các hợp đồng giao hàng cho tháng 7/2020 chỉ khoảng 188 USD/tấn và cho các tháng 8-9/2020 là khoảng 184 USD/tấn...

Vì vậy, xu hướng giá nguyên liệu có thể đi xuống rất mạnh từ giữa năm 2020, nhất là khi vụ thu hoạch chính của vựa ngô Brazil sẽ diễn ra từ tháng 7 hàng năm và kế tiếp là của Mỹ từ tháng 9/2020.

Xem thêm
Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm